Giải pháp giúp mẹ bầu thoát khỏi đau lưng trong thai kỳ

04:08 - 22/06/2020 Lượt xem: 356

Đau lưng trong thời kỳ mang thai là một vấn đề rất phổ biến. Đau lưng thường xuất hiện ở nửa cuối tam cá nguyệt thứ 2 và đau tăng dần ở những tháng cuối, tuy nhiên cũng có một vài trường hợp xảy ra từ tam cá nguyệt đầu tiên. Đau lưng làm cho mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi, khó chịu ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Để khắc phục tình trạng này các mẹ hãy tham khảo các giải pháp ở bài viết dưới đây nhé!

1. Nguyên nhân gây ra đau lưng trong thai kỳ

Nguyên nhân chính gây đau lưng khi mang thai là do căng cơ lưng. Khi thai kỳ tiến triển, tử cung của bạn trở nên nặng hơn. Trọng lượng tăng lên này được “mang” ở phía trước cơ thể của bạn, khiến bạn tự nhiên cong người về trước. Để giữ thăng bằng, bạn phải thường xuyên nghiêng người về sau, làm cho cơ lưng hoạt động mạnh hơn. Điều này gây ra các triệu chứng căng cứng, đau nhức cơ.

Chưa hết, khi bạn mang thai, cơ bụng của bạn – nhóm cơ hỗ trợ cột sống và đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của lưng – cũng trở nên căng ra và yếu đi. Những thay đổi này có thể làm tăng nguy cơ bị đau lưng khi bạn tập thể dục.

Ngoài ra, để chuẩn bị cho quá trình sinh nở, các dây chằng ở khớp xương có thể giãn hơn, nhưng chúng cũng có thể đồng thời gây đau lưng khi các khớp trở nên quá linh hoạt, lỏng lẻo

 

2. Khi mang thai, đau lưng bắt đầu và kết thúc khi nào?

Thật không may, đau lưng có thể bắt đầu khá sớm khi bạn mang thai. Một vài phụ nữ có thể đã thấy đau lưng trong tam cá nguyệt thứ nhất. Tuy nhiên, hầu hết mẹ bầu đều bắt đầu đau lưng xung quanh tuần thứ 18, giai đoạn sớm của tam cá nguyệt thứ hai. Triệu chứng đau lưng có thể kéo dài hoặc đôi khi trở nên nặng hơn khi tam cá nguyệt thứ hai tiến triển. Đặc biệt, nó có thể trầm trọng hơn trong tam cá nguyệt thứ ba, cho đến khi bạn sinh con (thỉnh thoảng được thay thế bằng đau lưng sau sinh!).

3. Giải pháp giúp mẹ bầu giảm đau lưng khi mang thai

      • Cải thiện tư thế. Cố gắng duy trì tư thế tốt

Do trọng tâm cơ thể thay đổi khi mang thai, tư thế của mẹ bầu thường ngả về phía sau. Điều này gây căng cơ vùng thắt lưng. Vì vậy, hãy nhớ những nguyên tắc sau để có một tư thế tốt: Đứng thẳng, mở rộng lồng ngực, giữ hai vai thẳng hàng, kéo về phía sau, thư giãn

Khi đứng, hai chân mở rộng bằng vai, tạo cảm giác thoải mái, giữ thăng bằng tốt. Không nên đứng lâu một chỗ.

Khi ngồi, nên lựa chọn ghế có tựa để hỗ trợ lưng của bạn, hoặc đặt một chiếc gối nhỏ phía sau lưng. Dùng dụng cụ để chân giúp nâng cao bàn chân bạn một chút. Đặt đầu gối ngang bằng với phần đặt mông. Không nên vắt chéo chân hoặc ngồi với một hoặc hai chân co vào người. Bạn cũng không nên ngồi lâu một chỗ. Cứ khoảng 1 giờ bạn nên đứng dậy đi lại, vừa thư giãn cơ, vừa giúp máu lưu thông tốt.

Khi ngủ, nằm nghiêng với một chiếc gối giữa hai đầu gối có thể làm giảm căng thẳng cho vùng lưng của bạn.

      • Tập thể dục

Việc tập thể dục thường xuyên làm mạnh cơ và gia tăng sự linh hoạt cho cơ thể. Điều này có thể làm giảm bớt sự căng thẳng lên cột sống. Những bài tập an toàn cho hầu hết phụ nữ mang thai là đi bộ, bơi lội, đạp xe đạp tại chỗ. Bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu của bạn có thể khuyến cáo những bài tập để làm mạnh cơ lưng và cơ bụng của bạn.

      • Chườm nóng hoặc chườm lạnh

Áp dụng chườm nóng hoặc chườm lạnh vùng lưng có thể có ích. Nếu bác sĩ đồng ý, hãy bắt đầu chườm lạnh lên vùng đau trong vòng 20 phút. Thực hiện vài lần trong ngày. Lưu ý, không chườm đá lạnh trực tiếp lên da. Hãy dùng túi chuyên dụng hoặc một chiếc khăn ẩm để bọc đá lại. Sau vài ngày, bạn hãy đổi sang chườm nóng. Sử dụng miếng nhiệt hoặc chai nước ấm chườm lên da. Cẩn thận không áp nhiệt vào bụng của bạn trong khi mang thai.

      • Theo dõi quá trình tăng cân của bạn

Hãy luôn theo dõi cân nặng của mình trong suốt thai kỳ. Tăng cân quá nhiều, quá nhanh có thể làm tăng gánh nặng cho vùng lưng của bạn.

      • Tránh nâng vật nặng

Nếu bạn phải nâng vật nặng, hãy thực hiện điều đó một cách từ từ. Cần có một tư thế tốt khi nâng vật nặng: mở rộng hai chân, uốn cong đầu gối chứ không phải vùng thắt lưng; ngồi xuống và nâng bằng tay và chân, không phải nâng bằng lưng của bạn. Tốt hơn nữa, hãy yêu cầu người khác giúp đỡ.

      • Mang giày phù hợp

Các chuyên gia khuyến cáo nên mang giày đế thấp, có hỗ trợ cung bàn chân, đem lại cảm giác thoải mái, thăng bằng tốt khi đi lại. Bạn cũng có thể cân nhắc một số loại giày chuyên dụng được thiết kế để hỗ trợ cho cơ.

      • Tránh các tư thế với cao

Không nên với tay tới những đồ vật hay kệ hàng trên cao, quá tầm.

      • Massage

Mẹ bầu có thể massage giúp thư giãn đầu óc cũng như thư giãn cơ. Hãy đảm bảo việc massage được thực hiện bởi một chuyên gia trị liệu, người biết bạn mang thai và được đào tạo về lĩnh vực này.

      • Thuốc

Mẹ bầu vẫn có thể dùng một số thuốc giảm đau thông thường như acetaminophen hoặc một số thuốc giãn cơ. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng bạn được bác sĩ thăm khám và chỉ định dùng những thuốc này.

      • Châm cứu

Châm cứu là một hình thức y học bắt nguồn từ Trung Quốc. Trong đó, một chiếc kim mảnh được đưa vào da của bạn tại một số vị trí nhất định. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, châm cứu có thể hiệu quả trong việc giảm đau lưng khi mang thai. Tuy nhiên, hãy đảm bảo được sự đồng ý của bác sĩ nếu bạn muốn thử phương pháp này.

Trên đây là một số giải pháp giúp mẹ bầu giảm đau lưng trong thai kỳ nếu bạn thấy tình trạng đau lưng tăng lên, trầm trọng, đột ngột bạn hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và kiểm tra.

Bài viết liên quan

Các mũi tiêm và mốc tiêm cho bà bầu trước và trong khi mang thai
Nguyên nhân chính khiến IVF thất bại
Những rủi ro có thể gặp khi làm phương pháp IVF
Nguyên nhân sinh non mẹ bầu cần lưu ý để có thai kỳ khỏe mạnh
Các bước thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ