Hội chứng hellp – tiền sản giật ở mẹ bầu
08:40 - 22/04/2021 Lượt xem: 670
Hội chứng HELLP thường xảy ra trong nhóm mẹ có độ tuổi trung bình là 25 tuổi. Ngược lại, tiền sản giật thường gặp nhất ở bệnh nhân trẻ hơn với độ tuổi trung bình 19 tuổi. HELLP là một trong những nguyên quan trọng gây tử vong mẹ và con trong sản khoa với […]
Hội chứng HELLP thường xảy ra trong nhóm mẹ có độ tuổi trung bình là 25 tuổi. Ngược lại, tiền sản giật thường gặp nhất ở bệnh nhân trẻ hơn với độ tuổi trung bình 19 tuổi. HELLP là một trong những nguyên quan trọng gây tử vong mẹ và con trong sản khoa với tỷ lệ lần lượt là 1 – 25 % và 10 – 20%
1. Hội chứng HELLP là gì?
Hội chứng HELLP là tên viết tắt cho 3 dấu hiệu của bệnh bao gồm:
- H : Haemolysis (tan máu).
- EL : Elevated Liver enzymes (tăng men gan).
- LP : Low Platelets (giảm tiểu cầu).
Hội chứng HELLP thường xảy ra ở 3 tháng cuối, từ tuần 27 đến 37 của thai kỳ (hiếm khi xảy ra trước tuần 24).
Hội chứng HELLP xảy ra ở khoảng 0,1 – 0,6% của tất cả các lần mang thai và 4 – 12% bệnh nhân tiền sản giật. Hội chứng HELLP thường xảy ra giữa tuần 27 – 37 của thai kỳ (70%), trước tuần 27 của thai kì (10%) và sau tuần 37 của thai kì (20%). Tỷ lệ tái phát thấp khoảng 3%.
Tỷ lệ mắc hội chứng HELLP là cao hơn đáng kể ở người da trắng và phụ nữ gốc châu Âu, thường khởi phát ở 3 tháng cuối của thai kỳ và thường gặp ở phụ nữ chủng tộc Caucasian trên 25 tuổi. Theo Padden (1999), một số trường hợp hiếm gặp có thể xảy ra sớm ở tuần thứ 23 của thai kỳ.
HELLP thường xảy ra trong nhóm mẹ có độ tuổi trung bình là 25 tuổi. Ngược lại, tiền sản giật thường gặp nhất ở bệnh nhân trẻ hơn với độ tuổi trung bình 19 tuổi.
HELLP là một trong những nguyên quan trọng gây tử vong mẹ và con trong sản khoa với tỷ lệ lần lượt là 1 – 25 % và 10 – 20%
2. Dấu hiệu nhận biết của hội chứng HELLP
Các triệu chứng của hội chứng HELLP tiền sản giật (nhiễm độc thai kỳ) bao gồm:
- Nhức đầu nhiều và tăng dần
- Mờ mắt, khó chịu
- Buồn nôn và nôn
- Đau ngang vùng thượng vị
- Dị cảm tê tay chân
- Có thể bị phù
- Tăng huyết áp
- Qua khám phát hiện vỡ bao gan kèm máu tụ, đông máu nội mạch lan tỏa.
3. Chẩn đoán
HELLP đặc trưng bởi tam chứng: giảm tiểu cầu, thiếu máu tan máu và tăng men gan.
- Tan máu
Tăng bilirubin gián tiếp: >1.2 mg/dL
Tăng LDH: >600 IU/L
Giảm haptoglobulin máu: (< 1 g/L – < 0.4 g/L)
Tìm thấy mảnh vỡ hồng cầu và hồng cầu bị biến dạng trên tiêu bản máu đàn.
- Tăng men gan: thường lấy giới hạn là tăng gấp 2 – 3 lần bình thường.
- Giảm tiểu cầu: < 150.000/mm3
4. Cận lâm sàng
Công thức máu: số lượng tiểu cầu.
Tiểu cầu thường là thành phần thay đổi sớm nhất.
Hội chứng HELLP nên được nghi ngờ nếu tiểu cầu luôn giảm trong thời gian chăm sóc trước sinh.
Nếu tiểu cầu < 150.000/mm3 thì làm các xét nghiệm tiếp theo: LDH, AST, ALT, acid uric, protein trong nước tiểu.
Chẩn đoán hình ảnh
Mặc dù hiếm nhưng bệnh lí mạch máu lớn có thể dẫn đến nhồi máu gan hoặc khối máu tụ dưới bao gan. Nếu nghi ngờ (thường tương quan với sự xấu đi của các kết quả xét nghiệm chức năng gan), CT scan hoặc MRI nên được đề nghị. Siêu âm gan có thể cho thấy vùng gan tăng hồi âm bất thường và tách biệt rõ ràng.
Mô bệnh học
Lớp tế bào nội mô của gan bị gián đoạn, tiếp theo là sự hoạt hóa, ngưng tập và tiêu thụ tiểu cầu dẫn tới thiếu máu ngoại biên và chết tế bào gan, có thể tập trung hoặc phân tán ra khắp gan. Kể từ khi HELLP có xu hướng liên quan tới các động mạch tận nhỏ hơn, các đặc điểm mô bệnh học đặc trưng là hoại tử nhu mô khu trú với sự lắng động của chất tương tự fibrin ở trong các xoang. Nếu xuất hiện bệnh lí mạch máu lớn có thể dẫn tới nhồi máu gan hoặc khối máu tụ dưới bao gan, cả hai bệnh lí này đòi hỏi phương tiện chẩn đoán hình ảnh như MRI hoặc CT scan.
5. Điều trị hội chứng HELLP như thế nào?
Hội chứng HELLP có thể gây những hậu quả nghiêm trọng như như gây tổn thương gan, thận, dẫn đến suy đa cơ quan khiến bệnh nhân bị rối loạn đông máu, xuất huyết não, men gan tăng. Hội chứng HELLP ở bà bầu có biểu hiện tiền sản giật nếu không được xử trí nhanh chóng, kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng nặng, nguy cơ tử vong cả mẹ lẫn con rất cao.
Cách điều trị duy nhất và bắt buộc đối với hội chứng này là chấm dứt thai kỳ, tức lấy thai nhi ra khỏi người mẹ. Sau khi thai nhi được lấy ra, sức khỏe bà mẹ sẽ được cải thiện rất nhanh.
Đối với sản phụ bị đông máu nội mạch lan tỏa, có thể xử lý bằng huyết tương tươi đông lạnh để bồi hoàn lại các protein có chức năng đông máu. Trong một số trường hợp có thể còn phải truyền máu để khắc phục tình trạng thiếu máu ở bệnh nhân.
Với trường hợp mắc hội chứng HELLP nhẹ thì chỉ cần dùng corticoid và thuốc hạ huyết áp.