Hướng dẫn cách chăm sóc rốn ở trẻ sơ sinh
10:17 - 02/07/2022 Lượt xem: 764 Tác giả: Thanh Nga
Rốn là nơi chuyển chất dinh dưỡng và oxy từ mẹ qua bào thai giúp thai nhi phát triển. Sau sinh, dây rốn bị cắt còn lại cuống rốn, cuống rốn sẽ rụng sau 7-10 ngày sau sinh, nó là phần “thịt chết” và dễ nhiễm trùng nếu không vệ sinh đúng cách. Vì vậy việc chăm sóc rốn đúng cách ngay sau khi sinh và những ngày đầu sau sinh rất quan trọng.
1. Hướng dẫn chăm sóc rốn ở trẻ sơ sinh
- Vệ sinh rốn ngày 1 lần sau khi tắm bé hoặc vệ sinh ngay nếu rốn bé dính nước tiểu hoặc nhiễm bẩn.
- Rửa tay bằng nước sạch và xà phòng trước và sau khi chăm sóc rốn trẻ
- Nhỏ nước muối sinh lý/cồn 70* vào bông/tăm bông vô khuẩn
- Lau rốn theo chiều xoắn ốc từ trong ra ngoài
- Để cuống rốn tự do, che rốn bằng quần áo trẻ
- Mặc áo cài nút bên khi rốn chưa rụng. Áo cài nút giữa dễ làm trầy xướt cuống rốn do mép áo, gây chảy máu rốn, nhất là khi cuống rốn còn tươi.
- Gấp mép tã xuống phía dưới rốn, điều này tránh chà sát vào rốn gây đau và chảy máu, giúp rốn nhanh rụng, tránh thấm ngược nước tiểu bé lên cuống rốn.
- Rốn đã rụng hẳn nhưng chân rốn vẫn còn ướt nên tiếp tục chăm sóc rốn đến khi rốn khô hẳn (thường sau 1 tháng).
2. Các triệu chứng của nhiễm trùng rốn
Cuống rốn nếu không được chăm sóc cẩn thận sẽ dễ bị nhiễm trùng. Nếu thấy bé có các triệu chứng sau, bạn hãy đưa bé đến bệnh viện ngay:
- Bé bị sốt
- Cuống rốn có mùi hôi hoặc chân rốn chảy mủ
- Da xung quanh rốn đỏ và mềm
- Bé khóc khi bạn chạm nhẹ vào rốn
- Cuống rốn bị sưng và chảy máu
- Rốn có chồi thịt, mầm rốn
Bên cạnh việc quan tâm đến tình trạng rốn của bé, ở giai đoạn từ 0-1 tháng tuổi mẹ nên chăm sóc bé kỹ lưỡng bởi bé dễ mắc nhiều bệnh do hệ miễn dịch còn non nớt.