googleb578e89369db4e48.html

Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị sặc

14:22 - 05/07/2022 Lượt xem: 466 Tác giả: Thanh Nga

Sặc là tình trạng sữa, thức ăn, dị vật đi lạc vào đường thở gây khó thở và tím tái đột ngột. Sặc sữa là một tai biến thường gặp ở trẻ em, đặc biệt khi trẻ bú bình. Sặc sữa có thể do trẻ trớ sữa từ dạ dày hoặc trẻ bú quá nhanh không kịp nuốt. Sữa, thức ăn hoặc dị vật được hít vào khí quản, thậm chí vào tận phế nang làm tắc đường hô hấp hoặc cản trở quá trình trao đổi khí giữa phế nang và mao mạch, khiến trẻ có thể tử vong vì thiếu oxy. Do vậy, việc trang bị kiến thức phòng ngừa và xử trí cho những người trực tiếp chăm sóc trẻ bị sặc là rất cần thiết.

1. Nguyên nhân gây sặc ở trẻ

  • Do lỗ thông đục ở đầu vú cao su to quá, sữa chảy nhanh, mạnh làm trẻ nuốt không kịp
  • Cho trẻ bú không đúng kỹ thuật
  • Một số trẻ có thói quen vừa bú, vừa ngủ, miệng ngậm vú sữa vẫn chảy nhưng không nuốt. Khi thở mạnh, trẻ có thể hít sữa đưa lên mũi vào khí quản, phế quản.
  • Cho trẻ bú khi ho, khóc
  • Dùng thìa hoặc chén đổ sữa vào miệng để ép uống khiến trẻ không nuốt kịp.
  • Với trẻ bú mẹ thì tai biến sặc sữa hiếm gặp, có thể gặp trong trường hợp mẹ nhiều sữa mà con lại yếu nên sức ăn kém không nuốt kịp, sữa xuống nhiều gây sặc. Hoặc ban đêm mẹ vừa nằm vừa cho con bú, cho trẻ ngậm vú để khỏi khóc.
  • Trẻ 3-4 tháng tuổi đã bắt đầu bị hóng chuyện. Nếu vừa cho trẻ bú vừa à ơi nói chuyện, trẻ mải hóng chuyện ngậm sữa trong miệng không chịu nuốt và cười đùa, sữa tràn vào khí quản.
  • Trẻ lớn vừa ăn vừa chơi đùa, nói chuyện, la hét khiến trẻ hít thức ăn vào đường thở. Có thể ngậm đồ chơi là những vật nhỏ như khuya áo, hạt đỗ, hạt lạc, đồng xu…

2. Triệu chứng

  • Trẻ đang bú hoặc đang nằm (sau ăn) bỗng ho sặc sụa, tím tái và lịm đi.
  • Có thể thấy sữa trào ra mũi, miệng.
  • Trẻ hốt hoảng, da xanh tái, có thể mềm nhũn hoặc co cứng.
  • Trường hợp nặng trẻ có thể ngừng thở.

3. Cách xử trí

Nguyên tắc là phải làm cho sữa, dị tật thoát ra khỏi đường hô hấp càng nhanh càng tốt. Dưới đây là cách sơ cứu trẻ bị sặc tại nhà trước khi đưa trẻ đến bệnh viện.

Cách nhanh nhất, đơn giản nhất có thể làm ngay là dùng miệng hút mạnh vào mũi, miệng trẻ, hút kỹ những sữa còn đọng ở mũi và họng càng nhanh càng tốt. Sau đó, hút kỹ những sữa còn đọng ở họng và mũi, nhổ đi. Nếu để chậm, sữa sẽ vào trong khí quản gây tắc nghẽn đường hô hấp có thể làm cho trẻ khó thở, tím tái.

Nếu trẻ bị tắc thở lâu, khả năng cứu chữa càng khó khăn, khi hút xong nên kích thích mạnh để trẻ khóc và thở được.

Nếu trẻ bị sặc, người tím tái… nhưng ngay sau đó lại hồng hào, khóc, chơi đùa được, có 2 khả năng xảy ra: Dị vật đã được tống ra ngoài hoặc trôi xuống khí quản. Cách xử lý thích hợp lúc này là cố gắng giữ yên trẻ, không can thiệp gì, chỉ cần bế trẻ lên cho dị vật không đi ngược lên trên, rồi đưa đến bác sĩ ngay.

Sau khi sơ cứu, dù trẻ hồng hào trở lại thì vẫn phải đưa ngay đến bệnh viện gần nhất để các bác sỹ kiểm tra xem còn dị tật hay không.

4. Cách phòng tránh trẻ bị sặc

chăm sóc trẻ bị sặc

Với trẻ nuôi bằng sữa mẹ:

  • Phải cho trẻ bú đúng tư thế và giúp trẻ ợ hơi sau bú
  • Nếu sữa mẹ xuống quá nhiều mà trẻ chưa nuốt kịp, người mẹ có thể dùng hai ngón tay kẹp bớt đầu vú lại ngăn bớt sữa xuống
  • Phải cho trẻ bú từ từ, không nên vội vàng, nhất là đối với những trẻ còn yếu, sinh non tháng.
  • Với những trẻ có thói quen vừa bú vừa ngủ, người mẹ cần luôn kích thích để trẻ thức khi bú
  • Ban đêm muốn cho trẻ bú, bà mẹ nên ngồi dậy ngay ngắn, bế trẻ lên bằng hai tay, đặt trẻ ở tư thế thoải mái rồi mới bắt đầu cho trẻ bú.

Với trẻ bú sữa bình

  • Bình pha sữa của trẻ phải tiệt trùng bằng cách luộc kỹ, đảm bảo vệ sinh khi pha sữa, lỗ thông đầu vú không nên đục quá rộng, tốt nhất đục 1-2 lỗ bằng đầu kim băng ở bên núm vú
  • Khi cho bú nên nghiêng bình sữa khoảng 45 độ để sữa ngập lỗ thông, trẻ không mút phải nhiều không khí, dẫn đến nôn, trớ sau bữa ăn.
  • Cho trẻ bú cần chú ý xem sữa có xuống nhiều quá không, trẻ có nuốt kịp không. Khi phải dùng thìa đổ sữa vào miệng trẻ, cần đổ từ từ, khi trẻ nuốt hết mới đổ thìa khác, không vội vàng, tránh đổ tràn cả vào mũi trẻ.
  • Khi trẻ ho hoặc khóc thì phải ngừng cho bú ngay, không để sữa tiếp tục chảy xuống miệng trẻ.

Đối với trẻ nhỏ

  • Cho trẻ ăn từng muỗng nhỏ, từ từ
  • Chọn thức ăn phù hợp, nhất là thời kỳ ăn dặm
  • Thận trọng khi trẻ vừa ăn vừa khóc, nói chuyện, la hét, chơi đùa
  • Trẻ chưa mọc đủ răng hàm thì không cho ăn thức ăn cứng như hạt đậu phộng, trái cây như mận, ối…

Ngoài những thông tin bài viết cung cấp ở trên các mẹ bầu hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé.

 

 

 

Bài viết liên quan

Ra máu giữa chu kỳ là dấu hiệu của bệnh gì?
Lạc nội mạc tử cung, phụ nữ còn cơ hội mang thai không?
Cảnh báo nguy cơ ung thư vú từ Liệu pháp thay thế hormone
Cảnh báo tình trạng ung thư vú ở người trẻ tuổi
4 Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung bạn nên biết