Hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh bị nôn trớ
10:09 - 27/05/2022 Lượt xem: 564 Tác giả: Thanh Nga
Nôn trớ là triệu chứng của đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ sơ sinh.
1. Hiện tượng nôn, trớ ở trẻ sơ sinh
Nôn: Là tình trạng các chất trong dạ dày bị đẩy ra ngoài qua miệng do sự co bóp của dạ dày phối hợp với co thắt của các cơ thành bụng.
Trớ: Là sự di chuyển của chất trào ngược từ dạ dày qua hầu họng lên miệng ra ngoài số lượng ít, do sự co bóp đơn thuần của dạ dày. Trớ rất hay gặp ở trẻ sơ sinh.
2. Các nguyên nhân gây nôn, trớ
Do sai lầm về ăn uống và chăm sóc
- Cho trẻ ăn quá nhiều, bú quá no, ép ăn quá ngưỡng
- Cho trẻ bú mẹ không đúng tư thế, hoặc bú bình chưa đúng cách, làm trẻ nuốt phải nhiều khí vào dạ dày gây nôn trớ
- Trẻ vừa ăn no đã đặt trẻ nằm ngay
- Quấn tã chăn quá chặt, băng rốn chặt
Nôn trong bệnh nội khoa:
- Các bệnh về đường tiêu hóa: tiêu chảy, chậm nhu động ruột
- Viêm đường hô hấp trên
- Bệnh nhiễm trùng thần kinh: Viêm màng não mủ
- Tăng áp lực nội sọ: Xuất huyết não do giảm tỷ lệ Prothrongbin
- Hội chứng sinh dục thượng thận
- Do rối loạn thần kinh thực vật: hay gặp là co thắt môn vị
Nôn trong bệnh ngoại khoa:
- Nôn do dị tật đường tiêu hóa: hẹp phì đại môn vị, hẹp tá tràng bẩm sinh, thoát vị hoành, teo thực quản: thường nôn ngay trong những ngày đầu mới sinh
- Nôn do tắc ruột, xoắn ruột: thường kèm theo nhiễm trùng toàn thân, bụng chướng, bí trung đại tiện, đi ngoài phân có máu, dịch dạ dầy nâu đen
3. Triệu chứng
- Xuất hiện sau ăn có thể trào ra thức ăn ở cả miệng và mũi.
- Trẻ khóc thét sau đó lịm do hít lại dịch gây khó thở.
- Kiểm tra miệng và mũi có sữa.
4. Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị nôn trớ
Khi trẻ bị nôn, trớ phải nghiêng ngay đầu trẻ sang một bên. Nhanh chóng làm sạch chất nôn trong miệng, họng và mũi trẻ (miệng trước, mũi sau), bằng cách hút hoặc quấn khăn gạc vào ngón tay thấm hết chất nôn trong mồm và họng trẻ.
Khum tay vỗ nhẹ hai bên lưng nhằm trấn an trẻ, đồng thời giúp trẻ ho bật chất nôn còn lại trong họng ra ngoài. Lau cổ và người trẻ bằng nước ấm, thay đồ vải có dính chất nôn.
Giúp trẻ ngủ, không dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Theo dõi nôn trớ tiếp theo xem là nôn khan hay nôn ra sữa màu sắc chất nôn (vàng, xanh hay gợn nâu). Hoàn cảnh xuất hiện nôn vào thời điểm nào trong ngày? Có liên quan đến bữa ăn không?
5. Chăm sóc trẻ nôn trớ do sai lầm về ăn uống và chăm sóc (nôn trớ cơ năng)
- Hướng dẫn bà mẹ tư thế bú đúng, cách ngậm bắt vú đúng
- Cho trẻ bú từ từ, đủ cữ, không ép trẻ ăn quá no
- Nếu trẻ ăn hỗn hợp hướng dẫn bà mẹ cách cho trẻ bú bình, cách pha sữa
- Khi trẻ đã ăn no, hướng dẫn cách bế, cách vỗ ợ hơi, cách đặt trẻ. Không bế xốc trẻ, đùa với trẻ khi trẻ vừa ăn no.
- Hướng dẫn bà mẹ cách massage quanh rốn nhẹ nhàng làm giảm co bóp dạ dầy hạn chế nôn trớ. Và cách massage bụng mạnh và sâu theo đường đi của khung đại tràng giúp tăng nhu động ruột, tăng tiết dịch, giúp trẻ bài tiết phân đều đặn hàng ngày, làm giảm chướng bụng và nôn trớ
- Sau khi đã điều chỉnh mà nôn trớ không cải thiện và còn kèm theo các dấu hiệu bất thường: sốt, quấy khóc liên tục, lơ mơ, co giật, nôn liên tục, chất nôn bất thường có máu hay dịch mật (xanh, vàng)… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế
Trên đây là những kiến thức cần thiết để chăm sóc, theo dõi và xử trí trẻ sơ sinh nôn trớ và cách phòng tránh trẻ bị nôn trớ do sai lầm trong chế độ cho ăn và chăm sóc trẻ. Các bà mẹ thực hành tốt được những điểm này sẽ giúp cho con không bị gián đoạn trong quá trình phát triển cũng như tránh được những hậu quả đáng tiếc do sặc phải chất nôn trớ.
Hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé.
Bài viết liên quan
Trẻ sơ sinh ngủ ít có đáng lo ngại hay không? Nguyên nhân và cách khắc phụcCân nặng và chiều dài thai nhi theo tiêu chuẩn WHO
Thiếu men G6PD ở trẻ sơ sinh có thực sự nguy hiểm hay không?
Tầm quan trọng của việc lấy máu gót chân ở trẻ sơ sinh
Lịch tiêm phòng Vaccine cho bé từ 0 – 24 tháng tuổi mẹ cần nắm được