Mang thai bị zona có nguy hiểm không ?
02:49 - 04/06/2020 Lượt xem: 736
Zona thần kinh là một bệnh truyền nhiễm, có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp. Tác nhân gây bệnh này chính là virus varicella zoster và cũng chính là nguyên nhân gây bệnh thủy đậu. Bệnh zona thần kinh khi mang thai có thể gây một số ảnh hưởng nhất định lên thai nhi, […]
Zona thần kinh là một bệnh truyền nhiễm, có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp. Tác nhân gây bệnh này chính là virus varicella zoster và cũng chính là nguyên nhân gây bệnh thủy đậu. Bệnh zona thần kinh khi mang thai có thể gây một số ảnh hưởng nhất định lên thai nhi, đặc biệt là trẻ trong giai đoạn 3 tháng đầu.
1. Zona thần kinh là bệnh gì ?
Zona thần kinh là bệnh lý đặc trưng bởi triệu chứng phát ban trên da kèm mụn nước; tập hợp thành chùm, giống như chùm nho; và cảm giác ngứa ngáy tại các vị trí lưng, eo, mặt (miệng, mắt, đôi tai). Nguyên nhân gây bệnh được cho là nhiễm virus varicella-zoster (VZV) – đây cũng là một loại virus gây bệnh thủy đậu.
Với bệnh nhân đã từng hồi phục sau đợt thủy đậu; virus varicella-zoster vẫn có thể trú ẩn trong hệ thần kinh và được kích hoạt khi gặp điều kiện phù hợp (chẳng hạn: sức đề kháng kém do già yếu, bệnh tật…). Nếu bị zona trong thai kỳ, bạn cần hết sức thận trọng.
2. Triệu chứng bệnh zona
Triệu chứng điển hình của bệnh zona là phát ban dưới dạng những mụn nước nhỏ; gây đau đớn cho người bệnh. Mụn nước sẽ xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể; nhưng phổ biến nhất là ở ngực, bụng, một bên thân mình hoặc khuôn mặt. Trước khi phát ban, bệnh nhân thường cảm thấy nóng rát hoặc ngứa ran ở khu vực bị ảnh hưởng; đôi khi kèm theo triệu chứng mệt mỏi và không khỏe trong người. Một vài người cũng bị sốt, ớn lạnh, buồn nôn, tiêu chảy và khó tiểu. Trong một vài ngày tiếp theo, các vết phát ban phồng rộp thành mụn nước chứa dịch lỏng; sau 7 – 10 ngày sẽ bong vảy và rơi ra.
Ngay cả khi phát ban đã biến mất, những cơn đau vẫn có thể tồn tại ở vị trí cũ. Tình trạng này gọi là đau dây thần kinh sau zona, ảnh hưởng đến khoảng 1% người bệnh. Số còn lại sẽ chấm dứt cơn đau trong vòng tối đa 4 tháng kể từ khi dấu hiệu đầu tiên xuất hiện.
3. Bị zona thần kinh khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi hay không?
Zona thần kinh có phạm vi ảnh hưởng thấp; chủ yếu tập trung bên ngoài da và ít để lại biến chứng nguy hiểm. Tuy vậy, mức độ ảnh hưởng của zoan thần kinh có thể tăng lên nếu bệnh lý này phát sinh trong thai kỳ.
Virus Varicella zoster có thể xâm nhập vào bào thai; gây ảnh hưởng đến quá trình hình thành tế bào thần kinh của thai nhi.
Nếu sản phụ mắc bệnh trong ba tháng đầu; thai nhi có thể bị dị tật hoặc gặp phải một số vấn đề sức khỏe bẩm sinh.
Từ tháng thứ tư trở đi, thai nhi đã dần hoàn thiện, khả năng virus ảnh hưởng hoặc gây tác động nghiêm trọng đến bào thai là rất hiếm.
Tuy nhiên, nếu virus hoạt động mạnh và gây bệnh thủy đậu, khả năng thai nhi bị ảnh hưởng là rất cao. Do đó, cần có biện pháp chủ động ngăn ngừa các vấn đề tiêu cực trước khi bước vào thai kỳ.
4. Phòng bệnh bằng cách nào
Những thành tựu trong y học đã làm giảm số lượng người bị mắc thủy đậu và zona trên thế giới. Đó chủ yếu là nhờ vắc xin.
Bạn nên tiêm vắc xin thủy đậu trước khi có ý định mang thai ít nhất là 3 tháng nếu bạn chưa từng bị thủy đậu hoặc chưa tiêm vắc xin thủy đậu.
Ngoài ra cách tốt nhất để phòng bệnh là cách ly, không tiếp xúc những người bị thủy đậu và zona.
Vệ sinh môi trường sống và vệ sinh cá nhân hằng ngày.
Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát được làm từ chất liệu tự nhiên như cotton.
Tỷ lệ mắc bệnh zona ở phụ nữ mang thai là rất thấp. Tuy vậy, nếu bạn đang có kế hoạch mang thai và lo lắng về bệnh zona, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc tiêm vắc-xin phòng bệnh. Nếu bạn đã mang thai, hãy tập thói quen sinh hoạt lành mạnh và thăm khám với chuyên gia khi có bất kỳ triệu chứng nào. Nhận biết và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ biến chứng cho bạn và thai nhi.