Một số dấu hiệu bất thường khi mang thai

16:06 - 06/03/2022 Lượt xem: 503 Tác giả: Thanh Nga

Việc nhận biết những dấu hiệu bất thường khi mang thai vô cùng quan trọng để có sự can thiệp chủ động hoặc những biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa sự nguy hiểm tới mẹ và thai nhi. Nếu có một số triệu chứng bất thường dưới đây, bạn nên đi khám thai để được tư vấn và điều trị sớm.

1. Đau bụng:

Nếu đau bụng dưới trong những tuần đầu sau khi mất kinh, đau âm ỉ tăng dần (kèm theo ra máu âm đạo hoặc không), thì có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung. Nếu đau dữ dội, vã mồ hôi thì có thể là thai ngoài tử cung doạ vỡ hoặc đã vỡ. Đây là một cấp cứu sản khoa, đe doạ đến tính mạng và cần được phẫu thuật kịp thời. Đau bụng cũng có thể là dấu hiệu của doạ sảy thai, sảy thai hoặc đẻ non. Nếu bất cứ lúc nào trong thai kỳ, bạn thấy đau bụng từng cơn, tăng dần (có kèm theo ra máu, ra nước âm đạo hoặc không), thì cần đến ngay cơ sở y tế.

2. Ra máu âm đạo

Ra máu âm đạo (có thể kèm theo đau bụng hoặc không) trong thời gian mang thai có thể là dấu hiệu của một số tình trạng bệnh lý như thai ngoài tử cung, chửa trứng, thai lưu hoặc sảy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non. Mỗi một bệnh lý sẽ có những tính chất ra máu và các triệu chứng kèm theo khác nhau và cần phải được thăm khám chuyên khoa mới xác định được. Nếu ra máu âm đạo trong thai kỳ thì bạn cần đến ngay cơ sở y tế bằng phương tiện nhanh nhất và an toàn nhất (nằm đầu thấp) vì có thể chảy máu nhiều gây nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con.

Một số dấu hiệu bất thường khi mang thai

3. Ra nước âm đạo:

Nếu thấy ra nước âm đạo bất kỳ lúc nào trong thời kỳ thai nghén, có thể bạn đã bị rỉ ối. Nếu gần đến ngày dự kiến sinh mà nước ra nhiều, có thể bạn đã vỡ ối. Khi đó bạn cần đến ngay cơ sở y tế bằng phương tiện nhanh nhất và an toàn nhất (khi di chuyển cần nằm đầu thấp để tránh sa dây rốn).

4. Không thấy cử động thai:

Thai máy xuất hiện vào khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ, cảm giác như “tôm búng” trong buồng tử cung; thai đạp thường xuất hiện từ tháng thứ 6-7. Nhiều khi thai “ngủ quên” không đạp khiến bà mẹ lo lắng. Thai đạp yếu hoặc không có cử động của thai, kèm theo không thấy bụng to dần lên là có thể thai chậm phát triển trong tử cung hoặc thiểu ối, khi đó bạn cần đến cơ sở y tế khám càng sớm càng tốt Hoặc cảm thấy bụng to lên nhanh, khó thở, không cảm nhận được thai máy hoặc thấy thai máy ở nhiều vị trí, cần đến bệnh viện để xác định có phải thai to hoặc đa ối, đa thai, hoặc có khối u...

5. Đau đầu, nhìn mờ:

Đau đầu và/hoặc nhìn mờ, nhiều khi có buồn nôn, nôn kèm theo có thể là dấu hiệu của tăng huyết áp thai kỳ hoặc tình trạng bệnh lý tiền sản giật, nặng hơn có thể là sản giật (co giật toàn thân). Đây là tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của bà mẹ và thai nhi. Do vậy, nếu thấy có đau đầu và/hoặc nhìn mờ, phụ nữ có thai cần đến cơ sở y tế để được đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và thăm khám kịp thời.

6. Phù

Nếu bạn thấy phù ở toàn thân, phù cả ở mặt, mí mắt, tay hoặc phù kèm theo đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn, bạn cần đến khám ngay tại cơ sở y tế vì đó có thể là dấu hiệu tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật, sản giật.

Khi thai phụ gặp các triệu chứng bất thường trên nên đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Chúc các bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.

Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang – Cầu Giấy hay còn được gọi là phòng khám bác sĩ Vĩ với tiền thân là phòng khám 89B dốc phụ sản Hà Nội và phòng khám 36 Trung Hòa là địa chỉ khám lớn và uy tín nhất Hà Nội. Với bề dày hoạt động trên 15 năm cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi; giàu kinh nghiệm đến từ các viện sản lớn như bệnh viện Phụ sản Trung Ương; bệnh viện Phụ sản Hà Nội… sẽ theo dõi và khảo sát thai kỳ; để các thai phụ có thể yên tâm chào đón những thiên thần khỏe mạnh. Để đặt lịch tới phòng khám 43 Nguyễn Khang quý khách có thể truy cập TẠI ĐÂY hoặc liên hệ zalo: 0342318318 để được hướng dẫn.

Bài viết liên quan

Các mũi tiêm và mốc tiêm cho bà bầu trước và trong khi mang thai
Nguyên nhân chính khiến IVF thất bại
Những rủi ro có thể gặp khi làm phương pháp IVF
Nguyên nhân sinh non mẹ bầu cần lưu ý để có thai kỳ khỏe mạnh
Các bước thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ