Mục đích và chỉ định xét nghiệm acid uric

15:21 - 31/03/2023 Lượt xem: 354 Tác giả: Thanh Nga

Xét nghiệm acid uric là một xét nghiệm quan trọng, được thực hiện rất phổ biến trong khám sức khỏe tổng quát cũng như để đánh giá và hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý gây biến đổi nồng độ acid uric trong cơ thể.

1. Acid uric là gì?

Acid uric có trọng lượng phân tử 169 Dalton, công thức C5H4N4O3, là sản phẩm thoái hóa nhân purin của các acid nucleic. Các nguồn chính tạo acid uric trong cơ thể gồm:

  • Các thức ăn, đồ uống giàu nhân purin như phủ tạng động vật, hải sản, cá, thịt, bia, rượu vang (nguồn gốc ngoại sinh)
  • Các tế bào trong cơ thể khi già hóa, chế đi, nhân purin của nó bị phá hủy và tạo thành acid uric, đây được gọi là nguồn acid uric nội sinh.

2. Mục đích và chỉ định xét nghiệm

  • Để chẩn đoán các bệnh lý gây biến đổi nồng độ acid uric, ví dụ như sỏi thận
  • Để theo dõi điều trị bệnh gout
  • Để theo dõi điều trị hoá chất chống ung thư nhằm hạn chế tình trạng lắng đọng cấp urat tại thận với nguy cơ gây suy thận cấp( hội chứng ly giải khối u)

3. Cách lấy bệnh phẩm

Máu: Xét nghiệm được tiến hành trên huyết tương. Thường cần yêu cầu bệnh nhân phải nhịn ăn 4-8h trước khi lấy máu xét nghiệm tuỳ theo kỹ thuật xét nghiệm được sử dụng.

Nước tiểu: Thu bệnh phẩm nước tiểu 24h

4. Phương pháp định lượng

Định lượng nồng độ acid uric huyết thanh có thể được thực hiện theo các phương pháp.

  • Dùng enzym
  • Đo màu

Tuy vậy, kết quả của phương pháp định lượng nồng độ acid uric bằng cách đo màu có thể bị biến đối khi trong huyết thanh có một số chất như:

  • Cystin
  • Glucose
  • Phenol
  • Vitamin C
  • Tryptophan
  • Tyrosin

5. Giá trị bình thường

Nồng độ acid uric trong máu

  • Nam: 3,6 – 8,5 mg/dL hay 214 – 506 umol/L
  • Nữ: 2,3-6,6 mg/dL hay 137-393 umol/L

Nồng độ acid uric trong nước tiểu

250-1000 mg/24h hay 1,5-5,9 mmol/24h

Trên mẫu nước tiểu lấy ngẫu nhiên:

  • Nam: 105-595 mg/g creatinin
  • Nữ: 95-740 mg/g creatinin

Nồng độ acid uric trong dịch khớp 2-6 mg/dl hay 0,1-0,3 mmol/L

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy acid uric máu cao hơn so với giá trị thông thường, cơ thể bệnh nhân có thể đang sản xuất nhiều acid uric hoặc khả năng đào thải acid uric qua đường tiểu đang bị giảm. Các nguyên nhân gây tăng acid uric máu thường gặp là:

  • Chế độ ăn có quá nhiều chất đạm, hải sản, uống nhiều rượu bia.
  • Người bệnh có bất thường về enzym chuyển hóa, dễ bị rối loạn phóng thích acid uric qua đường tiểu.
  • Người bệnh gout, gây các đợt viêm khớp cấp tính.
  • Người bệnh có tang acid uric máu tiên phát (có đến 30% bệnh nhân gout thuộc loại vô căn)
  • Người bệnh mắc các bệnh lý ung thư như đa u tủy xương, ung thư di căn,...và/hoặc đang điều trị ung thư bằng các phương pháp như xạ trị, hóa trị. Các phương pháp này làm tăng hủy hoại tế bào, gây tăng acid uric máu.
  • Người bệnh bị suy thận, chức năng thận suy giảm sẽ làm giảm khả năng đào thải acid uric ra khỏi cơ thể.
  • Người bệnh tiểu đường, thiểu năng tuyến cận giáp hoặc tuyến giáp
  • Người bệnh béo phì hoặc do nhịn đói quá mức.
  • Ngộ độc chì
  • Người bệnh có nhiễm toan lactic, suy tim ứ huyết
  • Nhiễm độc thai nghén (tiền sản giật, hội chứng HELLP)
  • Sử dụng các thuốc gây giảm đào thải acid uric qua đường nước tiểu (aspirin, thuốc lợi tiểu..)
  • Bệnh lý nhiễm virus Epstein-Barr

Acid uric trong máu có thể giảm trong trường hợp như:

  • Hội chứng Fanconi: là một bệnh lý rối loạn chức năng ống thận hiếm gặp, khả năng tái hấp thu các chất như glucose, acid uric, kali,... giảm làm nồng độ các chất này giảm trong máu.
  • Bệnh Wilson là một bệnh lý di truyền gây tích tụ đồng dư thừa trong cơ thể.
  • Hội chứng SIADH ( hội chứng tiết hormone bài niệu không thích hợp)
  • Chế độ ăn nghèo các thực phẩm chứa nhân purin, bệnh nhân nghiện rượu hoặc mắc các bệnh lý gan, thận.
  • Bệnh Celiac, bệnh Hodgkin, bệnh lý to đầu chi
  • Sử dụng các thuốc gây tăng đào thải acid uric qua đường nước tiểu (allopurinol, cortison, salicylad, acid ascorbic..)
  • Sử dụng các thuốc gây độc tế bào trong quá trình điều trị ung thư

Do kết quả xét nghiệm acid uric máu có thể bị sai lệch khi bệnh nhân uống rượu, dùng các thuốc giảm đau như ibuprofen, aspirin, theophylin, thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc ức chế men chuyển, corticoid, thuốc hoặc thực phẩm vitamin C,... Bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ tất cả các thuốc và thực phẩm chức năng đang sử dụng, điều này sẽ giúp bác sĩ đánh giá xét nghiệm được chính xác hơn. Kết quả xét nghiệm acid uric sẽ giúp ích trong chẩn đoán, theo dõi điều trị cũng như điều chỉnh chế độ ăn uống. Khi phát hiện bệnh nhân có tình trạng tăng acid uric, cần hướng dẫn bệnh nhân uống nhiều nước, giảm ăn các thực phẩm giàu purin, tránh sử dụng bia rượu để dự phòng nguy cơ mắc các bệnh do tăng acid uric hoặc nặng hơn các bệnh hiện có.

Nguồn: Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng

Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang – Cầu Giấy hay còn được gọi là phòng khám bác sĩ Vĩ với tiền thân là phòng khám 89B dốc phụ sản Hà Nội và phòng khám 36 Trung Hòa là địa chỉ khám lớn và uy tín nhất Hà Nội. Với bề dày hoạt động trên 15 năm cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi; giàu kinh nghiệm đến từ các viện sản lớn như bệnh viện Phụ sản Trung Ương; bệnh viện Phụ sản Hà Nội … sẽ theo dõi và khảo sát thai kỳ; để các thai phụ có thể yên tâm chào đón những thiên thần khỏe mạnh. Để đặt lịch khám thai, khám phụ khoa, siêu âm thai, ổ bụng, xét nghiệm máu quý khách vui lòng truy cập TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn. 

 

 

TAGS: acid uric,

Bài viết liên quan

Ý nghĩa của xét nghiệm đông máu
Mục đích và chỉ định xét nghiệm Amylase
Lợi ích của xét nghiệm định lượng albumin máu
Mục đích và chỉ định xét nghiệm albumin
Mục đích và chỉ định xét nghiệm ACTH