Mục đích và chỉ định xét nghiệm Amylase
15:10 - 11/04/2023 Lượt xem: 720 Tác giả: Thanh Nga
Amylase là một nhóm các enzyme được sản xuất chủ yếu bởi tuyến tụy và các tuyến nước bọt, cùng với một phần ở gan, niêm mạc ruột non, buồng trứng và vòi trứng. Xét nghiệm amylase giúp phát hiện các bệnh lý về tụy, gan, tuyến nước bọt...
1. Xét nghiệm amylase là gì?
Xét nghiệm amylase là xét nghiệm dùng để đo hoạt độ enzyme amylase trong mẫu máu lấy từ tĩnh mạch hoặc trong mẫu nước tiểu.
Có 2 phương pháp xét nghiệm amylase:
- Xét nghiệm máu: Trong máu, hoạt độ amylase tăng lên trong một thời gian ngắn (đạt đỉnh sau 24 giờ và trở lại bình thường sau 2-3 ngày).
- Xét nghiệm nước tiểu: Hoạt độ amylase trong nước tiểu có thể tiếp tục cao trong khoảng từ 7-10 ngày sau viêm tụy cấp.
2. Nên xét nghiệm amylase khi nào?
Bạn nên thực hiện xét nghiệm amylase trong các trường hợp sau:
- Nghi ngờ viêm tuỵ cấp và các bệnh về tụy khác khi có các triệu chứng như: nặng bụng, đau lưng, sốt, buồn nôn, nôn và mất cảm giác ngon miệng
- Chẩn đoán phân biệt đau bụng do viêm tuỵ cấp với đau bụng cần điều trị ngoại khoa do các nguyên nhân khác.
- Các trường hợp vàng da không rõ nguồn gốc
- Xem phương pháp điều trị viêm tụy và các bệnh về tụy khác có đang hiệu quả không
- Định lượng hoạt độ amylase trong dịch cổ trướng hay dịch màng phổi (tăng hoạt độ amylase trong các dịch này gợi ý tràn dịch có nguồn gốc từ tụy)
- Kiểm tra sưng và viêm tuyến nước bọt.
3. Quy trình thực hiện xét nghiệm
Trước khi thực hiện xét nghiệm amylase
- Trước khi xét nghiệm amylase, bạn không được uống rượu trong 24 giờ.
- Không ăn hoặc uống bất cứ gì ngoại trừ nước lọc trong ít nhất 2 giờ trước khi xét nghiệm amylase máu.
- Uống đủ nước trong khi xét nghiệm amylase nước tiểu để tránh mất nước.
- Thông báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc mà bạn đang dùng vì nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm này.
Quy trình thực hiện xét nghiệm amylase
Xét nghiệm amylase máu
- Bước 1: Kĩ thuật viên sẽ quấn một băng thun xung quanh cánh tay bạn để ngăn chặn dòng chảy của máu, giúp các tĩnh mạch phía dưới băng sẽ lớn hơn và lấy máu vào tĩnh mạch một cách dễ dàng hơn.
- Bước 2: Sát trùng nơi tiêm với alcohol.
- Bước 3: Đâm kim vào tĩnh mạch (có thể phải đâm kim nhiều lần).
- Bước 4: Hút máu vào đầy ống tiêm.
- Bước 5: Gỡ bỏ băng thun ở cánh tay bạn khi đã lấy đủ máu.
- Bước 6: Đặt một miếng gạc hoặc bông cotton lên chỗ đâm kim khi kim được rút ra. Đè vào nơi tiêm và sau đó băng lại.
Xét nghiệm amylase nước tiểu: Amylase có thể được đo bằng hai cách, trong mẫu nước tiểu 24 giờ hoặc 2 giờ với quy trình như sau:
Đối với mẫu nước tiểu 24 giờ là tất cả nước tiểu của bạn trong khoảng thời gian 24 giờ, quy trình như sau:
- Bước 1: Bạn bắt đầu lấy mẫu nước tiểu của mình vào buổi sáng nhưng không nên lấy mẫu nước tiểu ngay sau khi thức dậy (bỏ bãi đầu tiên và bắt đầu lấy từ bãi thứ hai) . Bạn nên ghi chú lại để đánh dấu thời gian bắt đầu lấy nước tiểu 24 giờ.
- Bước 2: Trong 24 giờ tới, lấy tất cả nước tiểu của bạn. Bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn một bình chứa lớn chứa khoảng 1 gal (4 l). Bình chứa có một lượng nhỏ chất bảo quản trong đó. Bạn nên đi tiểu vào một lọ nhỏ, sạch, sau đó đổ nước tiểu vào bình chứa lớn. Không chạm các ngón tay vào bên trong bình chứa.
- Bước 3: Giữ bình chứa lớn trong ngăn mát tủ lạnh trong vòng 24 giờ nếu bình chứa không có chất bảo quản. Nếu sử dụng chất bảo quản thì không cần để mát.
- Bước 4: Bạn nên làm trống bàng quang lần cuối cùng lúc hoặc ngay trước khi kết thúc thời hạn 24 giờ, thêm nước tiểu này vào bình chứa lớn và ghi lại thời gian. Hãy nhớ rằng không nên để giấy vệ sinh, lông mu, phân, máu kinh nguyệt hoặc tạp chất khác vào trong mẫu nước tiểu.
Cũng giống với quy trình trên, đối với mẫu nước tiểu 2 giờ, bạn nên lấy mẫu nước tiểu trong khoảng thời gian 2 giờ.
Sau khi thực hiện xét nghiệm amylase
- Rất ít vấn đề xảy ra từ việc lấy mẫu máu tĩnh mạch. Bạn có thể có một vết bầm nhỏ tại nơi lấy máu. Tuy nhiên, bạn có thể giảm bớt nguy cơ bị bầm tím bằng cách đè tại chỗ trong vài phút.
- Trong một số trường hợp hiếm gặp, tĩnh mạch có thể sưng lên sau khi lấy máu. Vấn đề này được gọi là viêm tĩnh mạch. Bạn nên sử dụng một miếng gạc ấm vài lần trong ngày để giải quyết tình trạng này.
- Nếu bị rối loạn đông máu, bạn có thể bị chảy máu liên tục. Một số loại thuốc như aspirin, warfarin và các loại thuốc kháng đông khác có thể làm tăng nguy cơ chảy máu liên tục. Nếu bạn bị chảy máu , gặp các vấn đề về đông máu hoặc đang dùng thuốc kháng đông, hãy cho bác sĩ biết trước khi lấy máu.
4. Kết quả xét nghiệm amylase
Kết quả xét nghiệm amylase bình thường:
- Giá trị Amylase máu trung bình 22-80U/L (các phòng xét nghiệm có thể có kết quả amylase máu khoảng bình thường khác nhau. Một số phòng xét nghiệm xác định lượng bình thường là 22-80U/L, trong khi những nơi khác giá trị 40-140 U/l vẫn được xem là bình thường).
- Amylase nước tiểu trung bình 42-321U/L.
Kết quả xét nghiệm amylase tăng cao trong các trường hợp sau:
- Viêm tụy cấp hay mạn tính: Trong viêm tụy cấp, chỉ số alpha amylase trong máu thường tăng lên gấp 4-6 lần so với giá trị tham khảo và thường cao song song với nồng độ lipase.
- Tắc nghẽn ống tụy và ung thư tuyến tụy.
- Mức tăng của amylase trong dịch phúc mạc có thể xảy ra trong viêm tụy cấp nhưng cũng có thể xảy ra trong các rối loạn bụng khác, chẳng hạn như tắc nghẽn ruột hoặc giảm lưu lượng máu đến ruột (nhồi máu), thủng ổ loét dạ dày tá tràng.
- Amylase cũng tăng trong viêm tụy mạn tính thường liên quan với chứng nghiện rượu, chấn thương, tắc nghẽn ống tụy.
- Chửa ngoài dạ con vỡ (có thai ngoài tử cung).
- Viêm tụy cấp do thuốc (corticosteroid, dexamethason, mercaptopurin, furocemid...).
- Ngộ độc rượu cấp.
- Bệnh lý đường mật: sỏi ống mật chủ, viêm túi mật cấp…
- Suy thận giai đoạn cuối.
- Bệnh lý tuyến nước bọt: Viêm tuyến nước bọt cấp hay mạn tính. Tắc nghẽn ống dẫn nước bọt. Quai bị.
Kết quả xét nghiệm amylase giảm trong các trường hợp:
- Nồng độ amylase máu giảm ở một người có các triệu chứng viêm tụy có thể cho biết các tế bào sản xuất amylase của tuyến tụy bị tổn thương vĩnh viễn.
- Tổn hại chức năng gan nặng: Viêm gan nhiễm độc, suy gan hoặc do bỏng nặng.
- Tiền sản giật: Đây là tình trạng xảy ra khi bạn bị cao huyết áp và đang mang thai. Tình trạng này còn được gọi là nhiễm độc thai nghén của thai kỳ.
Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang – Cầu Giấy hay còn được gọi là phòng khám bác sĩ Vĩ với tiền thân là phòng khám 89B dốc phụ sản Hà Nội và phòng khám 36 Trung Hòa là địa chỉ khám lớn và uy tín nhất Hà Nội. Với bề dày hoạt động trên 15 năm cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi; giàu kinh nghiệm đến từ các viện sản lớn như bệnh viện Phụ sản Trung Ương; bệnh viện Phụ sản Hà Nội … sẽ theo dõi và khảo sát thai kỳ; để các thai phụ có thể yên tâm chào đón những thiên thần khỏe mạnh. Để đặt lịch khám thai, khám phụ khoa, siêu âm thai, ổ bụng, xét nghiệm máu quý khách vui lòng truy cập TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.