googleb578e89369db4e48.html

Mụn trứng cá và chăm sóc da khi mang thai

15:58 - 25/07/2022 Lượt xem: 504 Tác giả: Lê Huyền Trang

Khi mang thai sự gia tăng hormone androgens làm phát triển và sản sinh ra nhiều bã nhờn, chất dầu, sáp. Hỗn hợp này làm tắc nghẽn các lỗ chân lông, kết hợp với sự tấn công của vi khuẩn sẽ khiến da bị viêm và gây ra mụn trứng cá.

1. Nguyên nhân gây mụn khi mang thai.

nguyên nhân gây mụn trứng cá khi mang thai

Trong giai đoạn đầu và giữa thai kỳ mụn bỗng nhiên phát triển ồ ạt khiến mẹ bầu vốn đã mệt mỏi với ốm nghén càng trở nên khó chịu,căng thẳng. Nguyên nhân gây mụn chủ yếu là do một vài yếu tố sau:

  • Rối loạn liên quan đến các tuyến bã nhờn dưới da. Các đoạn nhờn nối giữa lỗ chân lông và các tuyến bã nhờn được gọi là nang lông. Khi các nang lông bị tắc nghẽn do bã nhờn dư thừa và tế bào chết, mụn đỏ sẽ hình thành, dẫn đến viêm nhiễm.
  • Sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ đầu mang thai là nguyên nhân chính gây ra mụn trứng cá. Hormone androgen tăng khiến da tiết nhiều bã nhờn, làm tắc lỗ chân lông và tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Nguy cơ nổi mụn là rất cao nếu bạn sử dụng các sản phẩm trang điểm và chăm sóc da có gốc dầu.
  • Ngoài ra, nếu mẹ bầu đã từng bị mụn trứng cá trước đó, thì nguy cơ bị mụn trứng cá khi mang thai là rất cao và nếu mẹ thường bị mụn trứng cá trước kỳ kinh nguyệt, mẹ có nhiều khả năng phải sống chung với nó khi mang thai. Bên cạnh đó, khi mang thai, các yếu tố của hệ thống miễn dịch có thể làm cho làn da trở nên nhạy cảm. Hệ miễn dịch kém có thể khiến vi khuẩn sinh sôi trong lỗ chân lông, gây viêm nhiễm.
  • Chế độ ăn uống chưa khoa học: Thường xuyên ăn những món đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ khiến gan phải làm việc quá tải, ảnh hưởng tiêu cực đến làn da.
  • Sinh hoạt không điều độ: Thức khuya, tâm lý lo lắng, hồi hộp cũng là nguyên nhân khiến làn da bà bầu dễ bị nổi mụn.
  • Không chăm sóc da: Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi dẫn đến mệt mỏi, suy nhược. Vì thế các chị em sẽ dễ lơ là, quên không chăm sóc làn da của mình, da sẽ yếu dần gây nên mụn và mẩn đỏ.
  • Ngoài ra một số các yếu tố khác có thể ảnh hưởng xấu đến da, gây mụn ở bà bầu như môi trường ô nhiễm, khói bụi, không vệ sinh chăn gối, dụng cụ trang điểm thường xuyên…

2. Chăm sóc da mụn khi mang thai.

Chăm sóc da mụn trứng cá khi mang thai

Để ngăn ngừa cũng như hạn chế sự phát triển của mụn, mẹ bầu cần chăm sóc da mặt và chế độ sinh hoạt phù hợp:

  • Rửa mặt bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ: Hai lần/ngày, hãy dùng sữa rửa mặt làm sạch da. Tránh một số sản phẩm nhất định, chẳng hạn như tẩy da chết, chất làm se da hay mặt nạ, bởi các sản phẩm này có thể gây kích ứng da và khiến tình trạng da trở nên tệ hơn.
  • Gội đầu thường xuyên: Nếu bà bầu bị mọc mụn quanh chân tóc, hãy lưu ý gội đầu thường xuyên.
  • Không chà xát hay nặn mụn vì có thể gây nhiễm trùng hoặc để lại sẹo. 
  • Mẹ bầu nên hạn chế ra ngoài nắng vào thời gian từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều, luôn sử dụng kem chống nắng với độ SPF phù hợp giúp da hạn chế được thâm sau mụn.
  • Tránh các chất gây kích ứng: Nên dùng các sản phẩm dán nhãn “non-comedogenic”, nghĩa là không chứa các thành phần có khả năng gây bít tắc lỗ chân lông.
  • Chế độ sinh hoạt hợp lý: Luôn giữ tinh thần thoải mái, đi ngủ sớm, có thể tập các bài thể dục nhẹ nhàng vào buổi sáng.
  • Tránh sử dụng đồ uống có cồn, hạn chế thực phẩm dầu mỡ, cay nóng. Nên uống nhiều nước và ăn thực phẩm tốt cho sức khỏe.
  • Tránh trang điểm và tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều.

3. Những thành phần thuốc, mỹ phẩm nên tránh sử dụng khi mang thai.

Khi gặp tình trạng mụn, thay vì gặp bác bác sĩ để được hướng dẫn một số mẹ bầu sẽ tìm kiếm thông tin trên mạng để tự điều trị. Tuy nhiên trong thuốc điều trị mụn có một số thành phần không được sử dụng khi mang thai vì sẽ gây ảnh hưởng đến thai nhi. Mẹ bầu cần kiểm tra thật kỹ thành phần trước khi sử dụng nhé.

  • Isotretinoin: Gây ra dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh. Do đó, trước khi sử dụng, mẹ bầu cần phải có một số biện pháp phòng ngừa nhất định để tránh rủi ro. Thuốc này cực kỳ nguy hiểm với phụ nữ mang thai. Ở người bình thường, bác sĩ sẽ yêu cầu sử dụng thuốc ngừa thai trước khi dùng thuốc này.
  • Thuốc kháng androgen: Việc sử dụng thuốc kháng androgen (spironolactone và flutamide) cũng có thể gây dị tật bẩm sinh.
  • Tetracyclines: Thuốc kháng sinh tetracyclines có chứa doxycycline và minocycline, gây cản trở sự phát triển của xương và dẫn đến tình trạng răng đổi màu ở thai nhi. Nếu bạn đang mang thai ở tuần thứ 15, hãy tránh dùng loại thuốc này vì nó có thể gây dị tật bẩm sinh
  • Thuốc corticosteroid: Thuốc corticosteroid cũng được sử dụng để điều trị mụn trứng cá nặng. Tuy nhiên, việc sử dụng loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ hở hàm ếch, sinh non và sẩy thai.
  • Retinoid: Retinoid có thể đi vào máu thông qua da và tiếp cận với thai nhi. Các retinoids như adapalen (Differin), tazarotene (Tazorac) và tretinoin (Retin-A) cần tránh sử dụng trong thời kỳ mang thai vì chúng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi.

Mụn trứng cá không phải là một vấn đề nghiêm trọng có thể đe dọa đến sức khỏe của bạn và thai nhi. Tuy nhiên, tình trạng mụn trứng cá nghiêm trọng có thể làm cho phụ nữ mang thai cảm thấy chán nản và điều đó không tốt cho thai kỳ. Hãy thử các biện pháp điều trị tại nhà và thay đổi một số thói quen sinh hoạt. Nếu vẫn không hết, bạn hãy đến gặp bác sĩ và hỏi ý kiến.

Ngoài những thông tin bài viết cung cấp ở trên các mẹ bầu hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé.

 

Bài viết liên quan

Lạc nội mạc tử cung, phụ nữ còn cơ hội mang thai không?
Cảnh báo nguy cơ ung thư vú từ Liệu pháp thay thế hormone
Cảnh báo tình trạng ung thư vú ở người trẻ tuổi
4 Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung bạn nên biết
Tầm soát ung tư cổ tử cung bằng xét nghiệm HPV