Ngôi ngược – sinh thường hay sinh mổ
09:05 - 11/09/2020 Lượt xem: 939
Trong những tuần cuối của thai kỳ, thai nhi thường di chuyển để đầu bé xuống ở vị trí gần xương mu; tức là đầu sẽ ra khỏi âm đạo trước trong quá trình sinh. Nhưng không phải bé nào cũng nằm ở vị trí thuận lợi ấy. Ngôi ngược là khi bé xoay ở […]
Trong những tuần cuối của thai kỳ, thai nhi thường di chuyển để đầu bé xuống ở vị trí gần xương mu; tức là đầu sẽ ra khỏi âm đạo trước trong quá trình sinh. Nhưng không phải bé nào cũng nằm ở vị trí thuận lợi ấy. Ngôi ngược là khi bé xoay ở vị trí mà phần mông, chân hay cả hai sẽ ra trước tiên khi sinh. Điều này xảy ra ở khoảng 3-4% các ca sinh đủ tháng, có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho cả mẹ lẫn bé nếu không được kịp thời can thiệp đúng cách.
1. Ngôi thai ngược là gì?
Ngôi thai là phần trình diện thấp nhất của thai nhi với khung chậu của mẹ; là phần đầu tiên đi ra khỏi bụng mẹ khi chuyển dạ. Trong suốt thai kỳ (khoảng dưới 24 tuần tuổi) thai nhi thường sẽ di chuyển thường xuyên, thay đổi vị trí ở trong bụng mẹ. Càng đến những tuần cuối của thai kỳ, vị trí của thai nhi sẽ bình ổn hơn. Thường thì đến tuần 36 trở đi phần lớn ngôi thai sẽ ổn định, ít xoay hướng.
Ngôi ngược hay còn gọi là ngôi mông là phần mông hoặc chân của bé xuống phía dưới; vùng xương chậu của mẹ. Còn đầu của bé sẽ ở phía trên gần ngực của mẹ. Tỷ lệ ngôi mông khá thấp (chiếm từ 1 – 3%) trong các ca sinh nở. Tuy nhiên đây là những trường hợp sinh có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và con.
2. Nguyên nhân
Có những người mẹ mang thai ngôi ngược mà không có nguyên nhân gì, tuy rằng có một số yếu tố nguy cơ như:
- Mẹ mang thai đôi hay đa thai: không gian trong bụng mẹ nhỏ hẹp khiến bé bị hạn chế hoạt động.
- Quá nhiều hoặc quá ít nước ối: quá nhiều ối khiến bé có thể di chuyển thay đổi ngôi thai liên tục; ngược lại nước ối ít lại hạn chế không gian xoay trở.
- Tử cung có hình dạng bất thường (tử cung đôi, tử cung hai sừng); hay có khối u (u xơ cơ tử cung)
- Dây rốn ngắn hoặc quấn làm cản trở bé di chuyển.
- Rau thai lấp một phần hoặc toàn bộ đường ra của tử cung (rau tiền đạo).
- Sinh non: thường trên 30 tuần, bé mới “quay đầu”. Nếu mẹ chuyển dạ sinh non trước khi bé kịp xoay xuống ngôi thuận thì bé bị “ngôi ngược”.
- Một vài trường hợp thai dị tật bẩm sinh sẽ không thể quay thuận ngôi khi sinh.
3. Ngôi ngược – sinh thường hay sinh mổ
Biến chứng có thể xảy ra khi thai ngôi ngược sinh ngả âm đao: Trong ca sinh thường ngôi ngược, phần thân dưới ra trước của bé có thể không đủ kéo giãn cổ tử cung để phần vai và đầu ra lọt, mà mắc kẹt ở khung xương chậu người mẹ.
Sa dây rốn cũng có thể xảy ra: trước khi bé được sinh ra, dây rốn trượt vào âm đạo; bị chèn ép làm giảm lưu lượng máu và oxy cung cấp cho bé gây nguy hiểm.
Quyết định cho sinh thường hay sinh mổ đối với ngôi ngược tùy thuộc rất nhiều vào tình trạng sản khoa của mẹ và kỹ năng thực hành của nhân viên y tế. Ví dụ, với thai đầu lòng ngôi ngược, bác sĩ thường chỉ định sinh mổ. Con rạ, bé không quá to, bác sĩ có thể chỉ định sinh ngả âm đạo. Sinh thường hay sinh mổ đối với thai ngôi ngược đều có những rủi ro nhất định, tuy nhiên biến chứng khi sinh thường sẽ cao hơn so với sinh mổ. Chính vì vậy, mỗi trường hợp thai ngôi ngược thường được xem xét kỹ lưỡng để chỉ định từng ca riêng biệt.
Việc xác định ngôi thai rất quan trọng vào cuối thai kỳ. Nên khám thai và siêu âm thường xuyên vào cuối thai kỳ để được xác định ngôi thai, theo dõi sự phát triển của thai nhi từ đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên và những yếu tố cân nhắc giữa sinh thường và sinh mổ. Để đăng kí khám thai, siêu âm thai tại phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang bạn có thể truy cập TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.