Nguyên nhân mắc trĩ khi mang thai
13:53 - 05/10/2021 Lượt xem: 455 Tác giả: Thanh Nga
Bị trĩ khi mang thai có thể gây ngứa, đau, hoặc chảy máu trong hoặc sau khi đi tiêu, gây nhiều khó chịu cho thai phụ. Tuy nhiên, bị trĩ khi mang thai không ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi như nhiều mẹ bầu lo lắng.
1. Nguyên nhân mắc bệnh trĩ khi mang thai
Bà bầu rất dễ bị trĩ vì những lý do sau:
- Khi thai nhi ngày càng phát triển, tử cung của người mẹ sẽ lớn hơn và gây áp lực vào xương chậu, đặc biệt là tĩnh mạch gần hậu môn và trực tràng, khiến các tĩnh mạch này sưng và gây đau.
- Khi mang thai, nồng độ hormone progesterone tăng lên cũng góp phần gây ra bệnh trĩ, vì làm giãn các thành mạch và làm chúng dễ bị sưng hơn.
- Thể tích máu khi mang thai tăng lên gây giãn tĩnh mạch cũng là một trong những nguyên nhân góp phần gây bệnh trĩ khi mang thai.
Ngoài ra, những yếu tố sau cũng tác động lên hậu môn làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ ở bà bầu:
- Táo bón, thường xuyên rặn nhiều khi đi ngoài
- Tăng cân quá nhiều khi mang thai
- Ngồi quá lâu hoặc đứng quá lâu trong một khoảng thời gian dài
2. Dấu hiệu mắc trĩ khi mang thai
Các triệu chứng bị trĩ khi mang thai bao gồm:
- Chảy máu khi đi đại tiện
- Rối loạn nhu động ruột
- Một vùng da nổi lên gần hậu môn
- Ngứa hoặc kích thích ở vùng hậu môn
- Đau và sưng vùng quanh hậu môn
Thông thường, bệnh trĩ ngoại sẽ gặp phải những triệu chứng trên, có thể phát triển cục máu đông trong bệnh trĩ ngoại. Đây được gọi là bệnh trĩ huyết khối sẽ gây viêm và đau đớn hơn.
Trĩ nội thường không đau ngay cả khi chảy máu, người bệnh chỉ thấy máu khi dùng giấy lau hoặc trên thành bồn cầu khi đi vệ sinh.
3. Phòng ngừa
Để phòng ngừa bị trĩ khi mang thai, trước tiên cần tránh bị táo bón. Một số cách ngăn ngừa táo bón có thể kể đến như sau:
- Sử dụng thường xuyên và cung cấp nhiều chất xơ cho cơ thể bằng các loại trái cây như lê (có thể ăn cả vỏ), quả bơ và các quả mọng nước; các loại rau như bông cải xanh, rau cải; các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt, bỏng ngô; các loại đậu như đậu lăng và đậu xanh; các loại hạt như hạt hạnh nhân, hạt óc chó, ...
- Cung cấp nhiều nước cho cơ thể. Phụ nữ mang thai nên uống đủ 3 lít nước mỗi ngày
- Hạn chế việc nhịn đi tiêu khi có nhu cầu bởi có thể gây ra tình trạng táo bón, là nguyên nhân gây bệnh trĩ ở bà bầu
- Tránh ngồi hoặc đứng quá lâu trong thời gian dài. Nếu công việc văn phòng phải thường xuyên ngồi trước máy vi tính, hãy cố gắng dừng lại sau 30 phút, vận động nhẹ nhàng cơ thể bằng cách đi bộ (khoảng vài phút) để làm giảm áp lực lên khu vực hậu môn
- Khi nằm nên nằm nghiêng để làm giảm áp lực xuống các tĩnh mạch trực tràng
- Nếu thường xuyên bị táo bón và tình trạng này không cải thiện, nên hỏi ý kiến của bác sĩ về các loại thuốc nhuận tràng mà thai phụ có thể dùng
Bên cạnh việc tránh táo bón, thai phụ cũng nên thực hiện và tránh những điều sau để phòng ngừa bị trĩ khi mang thai:
- Tránh bưng bê hoặc nâng vật nặng vì sẽ làm tăng áp lực lên vùng bụng và hông chậu
- Nếu bị ngứa, nên tránh làm trầy xước da vì có thể ảnh hưởng đến thành tĩnh mạch
- Tránh ăn các loại thực phẩm có nhiều gia vị, vì có thể làm tình trạng ngứa nặng hơn và bị táo bón
- Tránh ăn các loại thực phẩm nhiều muối, thức ăn mặn, vì sẽ gây tích nước, làm tăng khối lượng dòng máu lưu thông
- Tránh tăng cân quá nhiều, gây áp lực lên trực tràng, làm tăng nguy cơ bệnh trĩ ở bà bầu
- Nên tập luyện thể dục nhẹ nhàng và thường xuyên như đi bộ, bài tập Kegel mỗi ngày để tăng lưu thông máu và cải thiện tiêu hóa.
Bị trĩ khi mang thai gây đau rát vùng hậu môn, khiến mẹ bầu rất khó chịu. Để cải thiện triệu chứng, bên cạnh các cách nêu trên, thai phụ có thể sử dụng thuốc, tuy nhiên nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn, không nên tự ý mua thuốc về dùng.
Để đăng ký khám và tư vấn thai sản tại phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang, quý khách có thể đăng ký TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342318318 để được hướng dẫn.