Nhau tiền đạo và những điều mẹ bầu cần biết
06:31 - 01/12/2020 Lượt xem: 433
Nhau tiền đạo là một trong những bệnh lý rất nguy hiểm với tỉ lệ rất lớn 1/200 các mẹ bầu có thể mắc phải. Bệnh lý này khiến cho thai nhi bắt buộc phải sinh mổ, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con vì vậy các mẹ bầu phải lưu ý nhé !
1. Nhau tiền đạo là gì ?
Là thai có bánh nhau che khuất 1 phần hay toàn bộ cổ tử cung.
Ai có nguy cơ bị nhau tiền đạo:
- Những bệnh nhân đa thai.
- Nạo hút buồng tử cung nhiều lần.
- Viêm nhiễm vùng tử cung trước sinh.
- Sinh nhiều lần
- Tiền sử nhau tiền đạo lần mang thai trước.
- Có vết sẹo mổ lấy thai.
2. Những dấu hiệu nào nghi ngờ nhau tiền đạo
- Thường ra huyết xảy ra trong 3 tháng cuối thai kỳ.
- Máu thường đỏ tươi không kèm đau bụng.
- Có thể ra nhiều lần.
- Siêu âm thấy bánh nhau bám sát hoặc qua cổ tử cung.
3. Nguy hiểm của rau tiền đạo lên mẹ và thai nhi như thế nào
Nguy hiểm cho mẹ:
- Tùy mức độ nhau tiền đạo, dạng nặng nhất của nhau tiền đạo là có kèm nhau cài vào vết mổ. Nhau có thể ăn xuyên thủng lớp cơ tử cung vào bàng quang và xâm lấn ra 2 niệu quản 2 bên, gây tổn thương bàng quang và niệu quản.
- Nhau tiền đạo gây chảy máu rỉ rả, gây mẹ thiếu máu. Nếu chảy máu cấp có thể gây choáng cho mẹ, và nguy hiểm tánh mạng mẹ và con.
- Nhau tiền đạo có kèm cài răng lược vào vết mổ, nếu không phát hiện có thể gây vỡ tử cung làm chết mẹ chết con.
Nguy hiểm cho con:
Phần lớn nhau tiền đạo cần chấm dứt thai kỳ sớm vì ra máu, bé thường non tháng và suy dinh dưỡng, nên tỷ lệ tử vong của bé sau sinh cao vì non tháng, và mắc các bệnh do non tháng gây ra như mù, điếc, còi xương…
4. Cần làm gì khi biết bị rau tiền đạo
- Đừng hốt hoảng, cố gắng nghỉ ngơi, hạn chế vận động. Đôi khi cần phải nằm tuyệt đối tại giường, kiêng giao hợp.
- Nếu không ra huyết cố gắng dưỡng càng gần ngày sinh càng tốt.
- Tiêm trưởng thành phổi lúc 28 đến 30 tuần theo chỉ định của bác sĩ.
- Nếu ra máu nên vào bệnh viện theo dõi.
- Nếu thai kỳ bình thường không ra huyết thì mổ lấy thai lúc thai hơn 37 tuần.
- Nếu ra máu nhiều phải mổ lấy thai bất kỳ tuổi tha, chấp nhận con có khả năng chết.
- Nếu ra máu nâu ít, cố gắng dưỡng thai, có thể truyền máu và theo dõi thai ở bệnh viện cho đến khi bé có thể nuôi được .
- Nên khám và theo dõi nhau tiền đạo ở các bệnh viện lớn có đủ khả năng phẩu thuật và đủ máu dự trù.
5. Làm gì để hạn chế rau tiền đạo
- Hạn chế sinh đẻ quá nhiều.
- Hạn chế nạo hút can thiệp vào lòng tử cung.
- Tránh sinh mổ nhiều lần.
- Vệ sinh tốt, đều trị dứt điểm tình trạng viêm nhiễm đường sinh dục .
Qua đó, có thể thấy rau tiền đạo là một tình trạng vô cùng nguy hiểm khi mang thai. Vì vậy để ngăn ngừa những nguy hiểm do nhau tiền đạo có thể gây nên, các sản phụ nên đi khám thai định kỳ để được chẩn đoán và phát hiện sớm, có hướng điều trị đúng để tránh các nguy hiểm có thể xảy ra.