Nhiễm khuẩn hậu sản
13:42 - 26/04/2022 Lượt xem: 651 Tác giả: Thanh Nga
Nhiễm khuẩn hậu sản là một trong những tai biến sản khoa có thể gặp ở phụ nữ sau sinh, hầu hết do điều kiện sinh không tốt, không đảm bảo an toàn và vô trùng. Nhiễm khuẩn hậu sản ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của sản phụ, thậm chí gây tử vong nếu không được điều trị tốt.
1. Nhiễm khuẩn hậu sản là gì?
Nhiễm khuẩn hậu sản bao gồm một loạt các loại nhiễm trùng có thể xảy ra sau khi sinh, kể cả sinh tự nhiên qua đường sinh dục hoặc sinh mổ. Tình trạng này có thể xảy ra ngay sau khi sinh hoặc xuất hiện muộn trong 6 tuần dầu sau đẻ, gây ra những cơn đau tương tự như đau sau sinh nên rất khó để phân biệt. Vị trí có thể bị nhiễm khuẩn có thể là âm hộ, âm đạo, tầng sinh môn, tử cung, nội mạc tử cung, tiểu khung,... tác nhân là các vi khuẩn thường gặp như: liên cầu, tụ cầu, vi khuẩn kỵ khí,…
Những yếu tố thuận lợi gây nên tình trạng nhiễm trùng hậu sản ở sản phụ như: Dinh dưỡng kém, thiếu máu, nhiễm độc thai nghén, ối vỡ non, chuyển dạ kéo dài, bế sản dịch, các thủ thuật như bóc rau, kiểm soát tử cung...
Các hình thái nhiễm trùng hậu sản thường gặp là nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo; viêm niêm mạc tử cung, viêm tử cung và viêm quanh tử cung, viêm phúc mạc tiểu khung, viêm phúc mạc toàn bộ, nhiễm trùng huyết, viêm tắc tĩnh mạch.
Cần phát hiện sớm và điều trị nhiễm khuẩn hậu sản, nhiều trường hợp diễn tiến nặng phải cấp cứu khẩn cấp để cứu sống sản phụ.
2. Hậu quả của nhiễm khuẩn hậu sản
Hậu quả của nhiễm khuẩn hậu sản với sức khỏe của sản phụ còn phụ thuộc vào hình thái nhiễm trùng cũng như mức độ bệnh. Cụ thể như sau:
2.1. Nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm đạo, âm hộ
Hầu hết tình trạng nhiễm khuẩn hậu sản là do can thiệp cắt, rạch tầng sinh môn để hỗ trợ sinh dễ dàng hơn song sau đó khâu tầng sinh môn không đúng kỹ thuật, không vô trùng, không khâu hoặc sót gạc trong âm đạo. Do đó, sinh tại cơ sở y tế uy tín, điều kiện trang thiết bị tốt và vô trùng rất quan trọng để phòng ngừa nhiễm khuẩn hậu sản.
Hậu quả của nhiễm khuẩn hậu sản ngoài này thường không nghiêm trọng, gây đau, sưng đỏ, mưng mủ ở vùng âm đạo, âm hộ hoặc tầng sinh môn. Hầu hết nhiễm khuẩn này không gây mùi hôi sản dịch.
Để khắc phục, cần chăm sóc tại chỗ bằng cách: rửa vùng viêm nhiễm bằng thuốc sát khuẩn, dùng gạc vô khuẩn, đóng khố vệ sinh và cắt chỉ khi xuất hiện mưng mủ.
2.2. Viêm niêm mạc tử cung
Nguyên nhân gây viêm niêm mạc tử cung :Sót rau, sót màng, nhiễm khuẩn ối, thủ thuật kiểm soát tử cung, bóc rau nhân tạo không vô khuẩn.
Hậu quả của viêm niêm mạc tử cung:
Sản phụ bị sốt 38-38,5oC (sau đẻ vài ba ngày), mệt mỏi, khó chịu.
Sản dịch ra nhiều, hôi, lẫn máu mủ...
Cổ tử cung hé mở, tử cung co hồi chậm, ấn tử cung đau
Hình thái nặng hơn của viêm niêm mạc tử cung là viêm tử cung toàn bộ. Quá trình viêm lan tới lớp cơ tử cung, có những ổ áp xe nhỏ. Các triệu chứng lâm sàng nặng nề hơn viêm niêm mạc tử cung, dễ gây viêm phúc mạc hoặc nhiễm khuẩn máu.
2.3. Viêm tử cung, viêm quanh tử cung
Tình trạng nhiễm khuẩn hậu sản này thường gây sốt muộn hơn khoảng 8 - 10 ngày sau sinh, đi kèm với triệu chứng khác như: ra nhiều sản dịch có mùi hôi, tử cung co hồi chậm, cổ tử cung đóng chậm, nắn tiểu khung thấy có khối mềm, hạn chế di động,…
Cần điều trị tích cực viêm tử cung hoặc viêm quanh tử cung, nếu không sẽ phát triển thành viêm phúc mạc tiểu khung. Sản phụ mắc nhiễm khuẩn hậu sản này cần nghỉ ngơi nhiều hơn và điều trị bằng kháng sinh phù hợp. Nếu nhiễm khuẩn nặng gây hình thành túi mủ thì cần chọc mủ, dẫn lưu qua âm đạo.
2.4. Viêm phúc mạc tiểu khung
Quá trình viêm không khu trú ở niêm mạc tử cung mà phát triển vào tiểu khung và hình thành các giả mạc ở các tạng trong tiểu khung và gây dính với nhau. Phản ứng của phúc mạc sẽ sinh ra các túi dịch lẫn máu và mủ.
Sản phụ bị viêm phúc mạc tiểu khung sẽ có những dấu hiệu rầm rộ hơn viêm niêm mạc tử cung. Thân nhiệt tăng dần 39-40 độ C, rét run, mệt mỏi, lưỡi bẩn. Bệnh có thể khỏi nếu điều trị tích cực nhưng cũng có thể phát triển thành viêm phúc mạc toàn bộ.
2.5. Viêm phúc mạng toàn bộ
Viêm phúc mạc toàn bộ là dạng nhiễm khuẩn hậu sản nguy hiểm chủ yếu gặp ở thai phụ mổ lấy thai nhưng không đảm bảo vô khuẩn hoặc tiến triển từ dạng nhiễm khuẩn hậu sản khác. Triệu chứng bệnh có thể xuất hiện sau sinh từ 3 - 10 ngày gồm:
- Hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc.
- Môi khô, mắt trũng, lưỡi bẩn.
- Đại tiện ra phân lỏng, mùi rất hôi, có cảm ứng phúc mạc và phản ứng thành bụng.
- Nếu nhiễm trùng nghiêm trọng, có thể phải cắt bỏ một phần tử cung, rửa và dẫn lưu ổ bụng nên viêm phúc mạc toàn bộ cần phát hiện, điều trị sớm.
2.6. Nhiễm khuẩn huyết
Nhiễm khuẩn huyết là hình thái nặng nhất của nhiễm khuẩn hậu sản. Sản phụ mắc nhiễm khuẩn huyết có những triệu chứng toàn thân như:
- Sốt cao liên tục, nhiệt độ dao động, kèm theo sốt cao có rét run, toàn thân mệt mỏi.
- Dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc: Môi khô, lưỡi bẩn, khó thở, da vàng, nước tiểu sẫm màu.
- Biến chứng nguy hiểm của nhiễm khuẩn huyết:
- Suy thận cơ năng
- Viêm thận kẽ, áp xe phổi, viêm nội tâm mạc
- Áp xe não, viêm màng não,...
- Tiên lượng bệnh tuỳ thuộc vào ổ nhiễm khuẩn thứ phát và việc điều trị có đúng và kịp thời hay không.
2.7. Viêm tắc tĩnh mạch
Viêm tắc tĩnh mạch hay gặp ở người sinh con rạ, chuyển dạ kéo dài, lưu thông mạch máu (hệ tĩnh mạch) bị cản trở, tăng sinh sợi huyết.
Sản phụ bị viêm tắc tĩnh mạch thường có triệu chứng xuất hiện muộn, sau đẻ 12-15 ngày, dấu hiệu thường gặp như:
Sốt nhẹ, rét run, mạch nhanh.
Nếu viêm tắc tĩnh mạch chi dưới thì chân phù, màu trắng, ấn đau, gót chân không nhấc được khỏi giường.
Nếu điều trị không kịp thời, có thể gây viêm tắc động mạch phổi, thận và có thể tử vong.
3. Phòng ngừa nhiễm khuẩn hậu sản
Nhiễm khuẩn hậu sản rất nguy hiểm bởi sức khỏe, sức đề kháng của sản phụ còn yếu, phải chăm sóc trẻ nên nguy cơ biến chứng cao. Cần chú ý những điều sau để phòng ngừa bệnh:
- Điều trị ổ viêm khi mang thai: viêm sinh dục, viêm đường tiết niệu.
- Lựa chọn địa chỉ y tế uy tín, hiện đại, trang thiết bị và phòng sinh vô trùng.
- Đề phòng nhiễm khuẩn ối, chuyển dạ kéo dài.
- Chăm sóc, vệ sinh tầng sinh môn sau sinh đúng cách, tránh bế sản dịch.
Nhiễm khuẩn hậu sản ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, sự phục hồi của sản phụ sau sinh, thậm chí có thể gây biến chứng nặng. Do đó, chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa nhiễm khuẩn hậu sản là rất quan trọng, đây là điều mà bất cứ sản phụ nào cũng cần dự phòng tốt.
Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang – Cầu Giấy hay còn được gọi là phòng khám bác sĩ Vĩ với tiền thân là phòng khám 89B dốc phụ sản Hà Nội và phòng khám 36 Trung Hòa là địa chỉ khám lớn và uy tín nhất Hà Nội. Với bề dày hoạt động trên 15 năm cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi; giàu kinh nghiệm đến từ các viện sản lớn như bệnh viện Phụ sản Trung Ương; bệnh viện Phụ sản Hà Nội… sẽ theo dõi và khảo sát thai kỳ; để các thai phụ có thể yên tâm chào đón những thiên thần khỏe mạnh. Để đặt lịch khám quý khách vui lòng truy cập TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.