Những câu hỏi thường gặp khi mang thai
09:20 - 13/11/2020 Lượt xem: 279
Được làm mẹ là thiên chức và niềm vui của mỗi người phụ nữ. Tuy nhiên, lần đầu mang thai không ít chị em rất băn khoăn, lo lắng và hồi hộp về những thay đổi về tâm sinh lý; về sức khoẻ và nhất là về dinh dưỡng hợp lý để sinh ra một […]
Được làm mẹ là thiên chức và niềm vui của mỗi người phụ nữ. Tuy nhiên, lần đầu mang thai không ít chị em rất băn khoăn, lo lắng và hồi hộp về những thay đổi về tâm sinh lý; về sức khoẻ và nhất là về dinh dưỡng hợp lý để sinh ra một đứa con thông minh khoẻ mạnh. Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp khi mang thai mẹ cùng tìm hiểu nhé !
1. Làm cách nào để đỡ mệt mỏi khi mang thai ?
Nhiều thai phụ sẽ cảm thấy mệt mỏi trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên, bạn không nên lo lắng vì đây chỉ là hiện tượng bình thường. Đây là cách cơ thể thông báo với bạn rằng nó cần được nghỉ ngơi nhiều hơn. Sau hết, cơ thể bạn đang phải làm việc rất cực nhọc để phát triển cả một sinh thể mới.
Hãy thử làm những cách sau để giảm mệt mỏi:
- Ngủ ít nhất 8 giờ mỗi đêm, và chợp mắt một chút vào ban ngày khi có cơ hội.
- Khi cảm thấy mệt mỏi, hãy nghỉ ngơi và thư giãn.
- Bắt đầu ngủ nghiêng người qua bên trái để làm giảm áp lực đè lên các mạch máu lớn cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi. Nếu bạn bị tăng huyết áp khi mang thai; thì việc nằm ngủ nghiêng trái thậm chí còn trở nên quan trọng hơn nữa.
- Nếu bạn cảm thấy stress, hãy cố gắng tìm cách để thư giãn.
2. Bao nhiêu lâu thì hết nghén?
Sau khi có thai, nhiều chị em thấy xuất hiện các triệu chứng mà dân gian thường gọi là “ốm nghén”.
Ốm nghén thai thường sợ cơm và thức ăn mà trước đây họ rất ưa thích nhưng lại rất thích ăn vặt. Thích các thức ăn chua và ngọt.
Tất cả những dấu hiệu này là phản ứng mang tính sinh lý; thường chấm dứt khi thai 12 tuần tuổi và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi nên không cần điều trị.
Cũng có một số trường hợp có phản ứng mạnh, kéo dài như nôn nhiều gây mất nước và rối loạn điện giải, thậm chí có thể bị tụt huyết áp, lượng nước tiểu giảm, có dấu hiệu của toan chuyển hóa thì cần phải đến bệnh viện có chuyên khoa sản để được theo dõi và điều trị.
3. Có nên xoa bụng nhiều khi mang thai?
Khi mang thai dù ở bất kỳ tuổi thai nào, bà mẹ hạn chế âu yếm con bằng cách xoa bụng vì những kích thích như vậy rất có thể gây nên những cơn co dạ con gây đau bụng và những ảnh hưởng xấu cho thai nhi như dọa sảy thai hoặc đẻ non. Nếu trong trường hợp bạn thấy có cơn co bất thường; bạn nên đến cơ sở chuyên khoa để được các bác sĩ khám và tư vấn.
4. Ăn nhiều trứng gà khi mang thai có tốt không ?
Trứng là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao: Trứng cung cấp một lượng đáng kể protein có giá trị sinh học cao. Ngoài ra, trứng còn có nhiều vitamin A, D, B2, B6, B12, acid folic, cholin, sắt, canxi, phospho, kali, chất béo, nhất là omega 3.
Trong trứng còn có cholin và các acid béo chưa no cần thiết (omega 3) giúp cho quá trình phát triển não bộ của thai nhi và trẻ nhỏ.
Tuy nhiên cũng không nên ăn quá nhiều trứng. Cần phối hợp nhiều loại thực phẩm cung cấp nhiều protein khác nhau như thịt, cá, tôm, đậu, đỗ, sữa cũng như các thực phẩm có nhiều vitamin và muối khoáng như rau, hoa quả.
5. Tại sao lại mang bầu lại đi tiểu thường xuyên ?
Điều đó là dĩ nhiên rồi khi mà bàng quang quả bạn bị em bé trong bụng chèn ép; trong khi đó nhu cầu uống của bạn lại tăng lên; bạn hãy đi tiểu khi cảm thấy muốn đi, đừng cố gắng nhịn kể cả ban đêm để tránh bị các cơn co bất thường.
6. Mang thai bị ra nhiều khí hư có sao không ?
Sẽ là bình thường nếu bạn thấy có nhiều khí hư hơn; khí hư bình thuờng của phụ nữ có thai sẽ có màu trắng đục và hơi đặc. Nếu bạn thấy khí hư của bạn có màu sắc khác thường hoặc trở nên rất loãng thì cần đi khám bác sĩ ngay
7. “Quan hệ” có gây hại đến bé yêu ?
Không. “Cái đó” của chàng không hề tiếp xúc tới thai nhi, vì thai nhi được bảo vệ trong bụng của bạn với nước ối trong dạ con.
Trong những tháng cuối, nằm thẳng lưng khi quan hệ gây ra một số vấn đề như buồn nôn chẳng hạn. Đó là vì tử cung mở rộng nén các tĩnh mạch của bụng dưới gây giảm áp huyết. Nếu thấy triệu chứng trên, chỉ cần tránh tư thế này là được
8. Các dấu hiệu khi chuyển dạ?
- Co bóp xảy ra nhiều hơn 8 lần mỗi giờ (bạn sẽ cảm thấy cảm giác căng khít, thắt chặt ở bụng, thường làm gợi nhớ lại những cơn co thắt do kinh nguyệt).
- Đau lưng nhẹ và âm ỉ.
- Có cảm giác đè nặng hoặc đau ở khung chậu
- Tiêu chảy
- Xuất hiện một vệt máu hoặc chảy máu ở âm đạo.
- Chảy nước ở âm đạo (có thể đây là dịch ối, là loại dịch bao xung quanh em bé bên trong tử cung).
Trong thời gian mang thai nếu bạn thấy có bất kì dấu hiệu bất thường như ra dịch, ra máu, đau bụng…Hãy liên lạc với bác sĩ để được thăm khám và tư vấn kịp thời.