Những câu hỏi thường gặp về hen phế quản ở trẻ em.
04:30 - 01/04/2020 Lượt xem: 409
1. Có phải tất cả trẻ em bị ho và khó thở đều mắc hen phế quản? Không phải tất cả trẻ em bị ho và thở khò khè từng cơn đều mắc hen phế quản. Thở khò khè và ho là triệu chứng rất thường gặp ở trẻ em. Một số trẻ em có […]
1. Có phải tất cả trẻ em bị ho và khó thở đều mắc hen phế quản?
Không phải tất cả trẻ em bị ho và thở khò khè từng cơn đều mắc hen phế quản. Thở khò khè và ho là triệu chứng rất thường gặp ở trẻ em.
- Một số trẻ em có ho và thở khò khè tái phát nhưng không có biểu hiện dị ứng và không có tiền sử gia đình mắc hen. Những trẻ này thường chỉ có triệu chứng khi nhiễm virus. Triệu chứng thở khò khè có liên quan tới nhiễm virus nhiều hơn là hen và hầu hết những trẻ này không có biểu hiện viêm đường thở mạn tính kéo dài.
- Một số trẻ em có triệu chứng hen suyễn và các triệu chứng của bệnh dị ứng khác hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh dị ứng, các triệu chứng vẫn xuất hiện ngoài đợt nhiễm khuẩn hô hấp. Những đứa trẻ này thường bị hen phế quản và các bệnh lý dị ứng khác.
- Một số trẻ có triệu chứng của hen phế quản nhưng triệu chứng chỉ xuất hiện trong đợt nhiễm khuẩn hô hấp hoặc trẻ em có tiền sử gia đình bị hen. Những đứa trẻ này có thể bị hen phế quản.
2. Chẩn đoán xác định hen phế quản ở trẻ em trước tuổi đến trường dựa vào dấu hiệu, triệu chứng nào?
Có thể chẩn đoán được hen phế quản ở trẻ em trước tuổi đến trường dựa vào tập hợp các yếu tố sau:
- Khai thác kỹ tiền sử, đặc biệt tiền sử ho, khó thở về đêm; tiền sử gia đình có người bị HPQ và các bệnh dị ứng.
- Có dấu hiệu ho, khò khè, khó thở tái phát nhiều lần; các dấu hiệu này thường xuất hiện về đêm.
- Bố mẹ hoặc người trông trẻ mô tả có sự cải thiện các triệu chứng khi dùng thuốc cắt cơn hen
- Tình trạng cải thiện này thấy ít nhất 2 lần ở 2 thời điểm khác nhau.
- Cải thiện triệu chứng kéo dài, đáp ứng với thuốc điều trị dự phòng hen phế quản.
3. Những yếu tố nguy cơ nào làm cho hen suyễn ở trẻ em kéo dài tồn tại cho đến khi trưởng thành?
Những yếu tố nguy cơ của hen suyễn ở trẻ em còn tồn tại ở người lớn là:
- Xuất hiện triệu chứng ở 3 năm đầu. Đặc biệt nếu triệu chứng xuất hiện thường xuyên ở tuổi sơ sinh.
- Xuất hiện > 10 đợt bùng phát
- Lưu lượng đỉnh thấp kéo dài
- Bố mẹ bị hen phế quản
- Tiếp tục tiếp xúc với dị nguyên
4. Những biện pháp can thiệp nào làm giảm nguy cơ hen phế quản ở trẻ em kéo dài cho đến khi trưởng thành?
Điều trị tốt hen phế quản có thể làm thay đổi diễn biến tự nhiên của bệnh. Trên thực tế nếu dùng corticoid dạng hít sớm có thể ngăn ngừa thay đổi cấu trúc đường thở và cho phép kiểm soát hen tốt trong thời gian dài. Sau đó nên duy trì trong thời gian dài với liều thấp.
Những thay đổi cải thiện môi trường sống cũng đặc biệt hữu ích với trẻ em mắc hen suyễn. Giảm tiếp xúc với dị nguyên ngay từ thời kỳ còn trong bào thai và trong 2 năm tuổi đầu tiên có thể làm giảm nguy cơ hen suyễn hoặc giảm mức độ nặng của hen phế quản.
5. Những người có cơ địa dị ứng, ngoài hen ra còn thường gặp những bệnh gì?
Những bệnh nhân có cơ địa dị ứng có thể có một hoặc nhiều dấu hiệu trong số các biểu hiện sau:
- Viêm da dị ứng
- Viêm mũi dị ứng
- Viêm kết mạc mắt dị ứng
- Mày đay…
6. Khi lớn lên, tôi có thể khỏi bệnh HPQ hay không?
Khi lớn lên bạn có thể khỏi được bệnh HPQ hay không, điều đó phụ thuộc vào tuổi bạn bắt đầu bị hen phế quản và mức độ nặng của bệnh HPQ mà bạn đã gặp phải.
Khoảng gần một nửa số trẻ em bị hen phế quản nhẹ sẽ không xuất hiện triệu chứng tại thời điểm trở thành thanh thiếu niên. Tuy nhiên bệnh HPQ thường tái xuất hiện ở lứa tuổi trưởng thành. Những trẻ bị hen nặng thường ít khả năng cơn hen sẽ biến mất khi lớn lên.
Hen suyễn phát triển ở tuổi trường thành thường liên quan với sự tiếp xúc với các tác nhân gây kích thích đặc hiệu trong một thời gian dài. Ví dụ như hóa chất, ô nhiễm môi trường và đôi khi được cải thiện rất nhiều nếu tránh tiếp xúc với các chất kích thích đó.
Phần lớn hen suyễn sẽ kiểm soát được bằng các thuốc điều trị thích hợp. Tuy nhiên ở người lớn dường như HPQ không khỏi hoàn toàn được.