Những điều cần biết khi mang thai để mẹ khỏe - con thông minh
01:38 - 18/11/2020 Lượt xem: 388
Những điều cần biết khi mang thai để mẹ khỏe - con thông minh. Để có một thai kỳ khỏe mạnh, bé yêu phát triển tốt nhất, mẹ và bé vượt cạn thành công là mong muốn chung của mọi mẹ bầu. Dưới đây là những điều mẹ cần lưu ý khi mang thai để có một thai kỳ khỏe mạnh.
1. Lịch khám thai định kỳ
Khám thai là một trong số những điều quan trọng không thể thiếu trong thai kỳ. Việc này giúp cả bác sĩ và ba mẹ nắm được tình hình phát triển của thai nhi, đồng thời phát hiện sớm những bất thường (nếu có) để đưa ra hướng giải quyết kịp thời.
Thông thường, mỗi tháng mẹ bầu nên đi khám thai 1 lần theo lịch hẹn của bác sĩ. Trong trường hợp mẹ bận hoặc vì lý do nào đó mà không thể khám thai thường xuyên thì cũng không được bỏ qua những mốc khám thai quan trọng sau:
- Khám thai tuần 11 – 13: Ngoài kiểm tra sự phát triển của bé, bác sĩ còn đo độ mờ da gáy – một chỉ số quan trọng giúp phát hiện sớm bệnh Down.
- Khám thai tuần 21 – 24: Kiểm tra khuyết tật bẩm sinh. Đây là thời điểm giúp bác sĩ phát hiện những bất thường ở các bộ phận như hộp sọ, tim, cột sống, phổi, thận, tay, chân… một cách tốt nhất.
- Khám thai tuần 30 – 32: Đây là mốc giúp phát hiện những dị tật xuất hiện muộn ở thai nhi như động mạch, tim, cấu trúc não. Đây cũng là thời điểm giúp bác sĩ xác định tình trạng dây rốn, vị trí nhau thai, nước ối để tư vấn cho mẹ.
Ngoài lịch khám thai bác sĩ hẹn, nếu mẹ gặp những dấu hiệu bất thường như ra huyết, đau bụng,… thì nên đi khám ngay.
2.Thời gian sinh: Ngày sinh thực tế có thể sớm, muộn hơn ngày dự sinh
Ngày dự kiến sinh dựa vào siêu âm 3 tháng đầu hay kỳ kinh cuối; nếu mẹ kinh nguyệt đều 28 ngày. Chỉ có khoảng 5 – 10% các mẹ bầu sinh con đúng ngày dự sinh; còn lại phần lớn đều sinh trước hoặc sau thời điểm đó. Vì vậy nếu đến ngày dự sinh mà chưa có dấu hiệu chuyển dạ thì bạn cũng không nên lo lắng. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn thì mẹ bầu nên đi khám thai định kỳ để nắm được tình hình của bé.
Nhiều mẹ bầu khá lo lắng khi ngày dự sinh của mình thay đổi qua mỗi lần siêu âm. Thực tế, lúc này ngày dự sinh được máy tính toán dựa trên sự phát triển của thai nhi. Chính vì vậy nếu thai nhi phát triển nhanh hay chậm hơn bình thường cũng sẽ ảnh hưởng tới kết quả.
3. Chế độ ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng
Dinh dưỡng thai kỳ vô cùng quan trọng. Không hẳn là mang thai thì mẹ phải ăn uống nhiều gấp hai lần mà cần ăn đủ cho cả mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Mẹ bầu nên ăn các nhóm thực phẩm sau
– Tinh bột: Ngũ cốc, gạo, bánh mì,… (tuy nhiên tránh thức ăn quá nhiều tinh bột )
– Chất đạm: Thịt, cá, trứng, ngũ cốc, đậu…
– Ăn nhiều rau xanh, trái cây, tránh hoa quả hay nước ép quá ngọt vì có thể gây rối loạn dung nạp đường huyết
– Chất béo: Dầu thực vật, mỡ động vật, bơ,…
– Bổ sung sắt, canxi, axit folic, vitamin A, D…
– Uống đủ nước: 2 – 3l nước mỗi ngày
Thực phẩm mẹ bầu nên tránh:
- Rượu, bia, chất kích thích, thuốc lá, nước ngọt có gas
- Những thực phẩm nóng như: Ớt, hạt tiêu, mù tạt…
- Ba tháng đầu, mẹ bầu nên hạn chế những thực phẩm có tính hàn như nước dừa, rau ngót…
- Những loại cá sống dưới tầng nước sâu có chứa thủy ngân không tốt cho thai nhi: Cá thu, cá ngừ
- Những thực phẩm gây co thắt, làm mềm tử cung như dứa, đu đủ xanh
- Những thực phẩm tái, sống như các món gỏi, tái chanh…
- Thực phẩm chưa được tiệt trùng, thịt muối,…
4. Những hoạt động mẹ bầu nên tránh
- Không xoa bụng hay massage bụng khi mang thai có thể gây kích thích sinh non.
- Không nên lạm dụng siêu âm, vừa tốn kém về kinh tế vừa không cần thiết.
- Vận động nhẹ nhàng, không tập các bài tập quá sức; xin ý kiến bác sĩ về những hoạt động nên làm và nên tránh.
- Không tự ý sử dụng các loại thuốc đông tới tây mà không có tư vấn; giám sát của bác sĩ.
3 tháng đầu là thời điểm nhạy cảm nhất trong suốt thai kỳ. Vì thế, để mẹ và bé được khỏe mạnh chào đời, ngoài việc chuẩn bị thật tốt kiến thức mang thai thì mẹ bầu cũng cần chú ý đến việc sàng lọc dị tật thai nhi ở tuần 12. Đây chính là mốc khám thai, sàng lọc quan trọng nhất ở tam cá nguyệt thứ nhất mà mẹ không nên bỏ qua.