Những ưu điểm của xét nghiệm HbA1c so với xét nghiệm glucose máu
02:11 - 14/01/2021 Lượt xem: 1391
Nhiều bệnh nhân thắc mắc khi đã làm xét nghiệm glucose máu rồi thì có cần thiết phải làm xét nghiệm HbA1c nữa hay không? Dưới đây là những ưu điểm của xét nghiệm HbA1c so với xét nghiệm glucose máu. 1. Có thể lấy xét nghiệm vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày […]
Nhiều bệnh nhân thắc mắc khi đã làm xét nghiệm glucose máu rồi thì có cần thiết phải làm xét nghiệm HbA1c nữa hay không? Dưới đây là những ưu điểm của xét nghiệm HbA1c so với xét nghiệm glucose máu.
1. Có thể lấy xét nghiệm vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày
Sau bữa ăn thông thường, trong máu sẽ xuất hiện thành phần Chylomicron gây đục huyết tương và là nguyên nhân chủ yếu gây nhiễu kết quả các xét nghiệm máu. Vì vậy, đa số các xét nghiệm máu nói chung và xét nghiệm glucose máu nói riêng, để có một kết quả xét nghiệm chính xác thì nên lấy máu vào buổi sáng sau thời gian đói qua đêm, ít nhất 8 tiếng trước khi lấy máu.
Xét nghiệm HbA1c phản ánh tỷ lệ phần trăm glucose gắn với hemoglobin trong hồng cầu khoảng 3 tháng gần đây, cho nên việc ăn uống ở thời điểm hiện tại không làm thay đổi kết quả xét nghiệm HbA1c. Do đó, xét nghiệm có thể tiến hành vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày và không nhất thiết phải nhịn ăn, mà vẫn đảm bảo kết quả chính xác.
2. Không chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như stress, vận động …
Khi cơ thể bị stress, tuyến thượng thận sẽ giải phóng vào máu một số hormone (adrenaline và norepinephrine) làm tăng glucose máu, glucose được coi là “nhiên liệu” cung cấp năng lượng cho các hoạt động thể chất, tinh thần chống lại tình trạng căng thẳng. Stress không chỉ giới hạn ở sự lo âu mà còn cả về những tổn thương thực thể, bệnh tật, hay một sang chấn tâm lý như sự qua đời của người thân.
Xét nghiệm HbA1c không chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như trên mà chịu ảnh hưởng nếu cơ thể có tình trạng xuất huyết, thiếu máu nặng…
3. Xét nghiệm HbA1c phản ánh glucose máu trong thời gian dài trước đó 8 – 12 tuần
Chỉ số đường máu được đánh giá ở thời điểm làm xét nghiệm và chỉ phản ánh giá trị tại thời điểm xét nghiệm máu.
Với xét nghiệm HbA1c, glucose gắn với hemoglobin một cách tự nhiên, lượng glucose gắn với protein này tỷ lệ thuận với nồng độ glucose trong máu. Bởi vì các hồng cầu tồn tại trong máu 8-12 tuần trước khi được đổi mới, nên định lượng HbA1c có thể sử dụng để phản ánh mức đường huyết trung bình trong thời gian đó, cung cấp một biện pháp kiểm soát đường huyết dài hạn.
4. Nồng độ ổn định trong thời gian bảo quản
Trong hồng cầu và bạch cầu đều chứa enzyme glycolytic tiêu thụ glucose trong máu toàn phần, do đó làm giảm nồng độ glucose theo thời gian, tỷ lệ giảm có thể là 5 – 7% mỗi giờ, nhưng cũng có thể giảm nhanh lên tới 40% trong 3 giờ. Vậy nên, khi tiến hành xét nghiệm glucose máu chậm trễ có thể làm giảm giả tạo nồng độ glucose của bệnh nhân, đánh lạc hướng chẩn đoán của bác sỹ lâm sàng.
Xét nghiệm HbA1c được thực hiện trên máu toàn phần, nếu không được tiến hành ngay, xét nghiệm vẫn đảm bảo tính chính xác khi được bảo quản ở nhiệt độ 2 – 80C trong 1 tuần. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, HbA1c có thể bảo quản trong 8 tuần ở 40C, tùy thuộc vào phương pháp xét nghiệm.
5. Xét nghiệm HbA1c dùng để hướng dẫn điều trị và kiểm soát bệnh đái tháo đường
Kết quả xét nghiệm HbA1c chủ yếu để theo dõi kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường. Mục tiêu của những bệnh nhân đái tháo đường là giữ lượng đường huyết của mình càng gần với giá trị bình thường càng tốt vì điều này sẽ làm hạn chế những biến chứng gây ra bởi nồng độ đường trong máu tăng kéo dài, chẳng hạn như tổn thương thận, mắt, hệ tim mạch và các dây thần kinh.
Xét nghiệm HbA1c cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh về lượng đường trung bình trong máu 3 tháng gần đây. Nó giúp bệnh nhân và bác sĩ đánh giá được sự kiểm soát đường huyết có thành công không hay là cần phải được điều chỉnh lại. Xét nghiệm HbA1c thường được thử ở những bệnh nhân mới được chẩn đoán là đái tháo đường để xác định xem mức đường huyết không được kiểm soát đã tăng cao như thế nào.