Nồng độ HCG cao và nồng độ HCG thấp trong thai nghén
02:26 - 13/04/2020 Lượt xem: 793
HCG sinh ra với vai trò là nuôi dưỡng và bảo vệ thai. Vì vậy khi nồng độ HCG nằm ngoài ngưỡng bình thường cao quá hoặc thấp quá đều là những dấu hiệu không tốt trong thai kỳ. 1. Nồng độ hormon HCG thấp có sao không? Nếu mức HCG của thai phụ thấp […]
HCG sinh ra với vai trò là nuôi dưỡng và bảo vệ thai. Vì vậy khi nồng độ HCG nằm ngoài ngưỡng bình thường cao quá hoặc thấp quá đều là những dấu hiệu không tốt trong thai kỳ.
1. Nồng độ hormon HCG thấp có sao không?
Nếu mức HCG của thai phụ thấp hơn với mức bình thường; bác sĩ sẽ chỉ định hàng loạt các xét nghiệm nồng độ hCG sau mỗi hai đến ba ngày để so sánh các kết quả. Một kết quả xét nghiệm duy nhất là chưa đủ để đưa ra kết luận. Đôi khi, mức hCG thấp cũng không phải là điều đáng lo ngại; vì HCG có thể sẽ tăng sau 2-3 ngày. Do mức HCG giữa các cá thể rất khác nhau; không quan trọng là HCG thấp hay cao mà chủ yếu là HCG có tăng giảm theo từng giai đoạn thai kỳ hay không; nhiều phụ nữ có mức HCG thấp nhưng thai nhi vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp mức HCG thấp là biểu hiện của một số nguy cơ như như:
Tuổi thai bị tính sai:
Tuổi thai được tính theo ngày đầu tiên của kỳ hành kinh cuối cùng. Nếu phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc không nhớ chắc chắn về ngày kinh nguyệt thì dễ tính sai. Nếu tính tuổi thai sai, có thể kết quả xét nghiệm HCG sẽ thấp so với cách tính tuổi thai của mẹ.
Sảy thai:
Đôi khi nồng độ HCG thấp là biểu hiện phụ nữ đã bị sảy thai hoặc sẽ bị sảy thai. Sảy thai thường xảy ra trước tuần 20 của thai kỳ. Do HCG được tiết từ nhau thai nên khi thai không phát triển nhau; nồng độ HCG sẽ giảm. Sau khi sảy thai 4-6 tuần; nồng độ HCG của cơ thể mẹ sẽ trở về mức bình thường như trước khi sinh là <5mUI/ml. Các dấu hiệu thường gặp khi sảy thai là: chảy máu âm đạo, đau trằn bụng dưới hoặc đau âm ỉ ở vùng hạ vị, sốt, ớn lạnh, mệt lả, vã mồ hôi, mất các dấu hiệu mang thai,…
Hỏng trứng:
Hỏng trứng là tình trạng trứng sau khi thụ tinh bám vào tử cung nhưng không tiếp tục phát triển thành phôi thai. Khi túi thai phát triển, hormon HCG có thể được giải phóng nhưng mức độ không tăng lên do phôi thai không phát triển. Hỏng trứng thường xảy ra rất sớm và phụ nữ có thể không biết mình đã mang thai, các biểu hiện không khác gì chu kỳ kinh nguyệt bình thường; lượng máu kinh có thể tăng một chút.
Thai ngoài tử cung:
Thai ngoài tử cung là khi thai không làm tổ trong tử cung mà lại nằm ở các vị trí bên ngoài như vòi tử cung; trong buồng trứng; cổ tử cung…Đây là một tình trạng sản khoa gây nguy hiểm cho tính mạng người mẹ. Khi có tình trạng thai ngoài tử cung nồng độ HCG thường thấp hơn so với bình thường. Các dấu hiệu của thai ngoài tử cung là chậm kinh; ra máu âm đạo bất thường; đau bụng kéo dài, âm ỉ, mức độ đau bụng tăng dần… Để chẩn đoán thai ngoài tử cung; ngoài đo nồng độ HCG, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm ổ bụng hoặc siêu âm đầu dò qua đường âm đạo để xác định vị trí túi thai.
2. Nồng độ HCG cao thì xảy ra trong trường hợp nào ?
Tính tuổi thai không chính xác
Tuổi thai được tính từ ngày có kinh đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng; nếu không nhớ rõ hoặc chu kỳ kinh nguyệt không đều thì rất dễ tính sai tuổi thai. Kết quả xét nghiệm HCG cao vì có thể tuổi thai thật đang cao hơn tuổi thai mà bạn nghĩ.
Đa thai
Đa thai là hiện tượng có nhiều thai cùng phát triển trong tử cung của mẹ. Phụ nữ mang đa thai sẽ có các triệu chứng thai nghén nặng hơn; ngực đau và phát triển; tăng cân nhanh hơn và nồng độ HCG cũng tăng cao hơn khoảng 30-50% so với phụ nữ mang đơn thai thông thường. Tuy nhiên, một mình xét nghiệm HCG là không đủ để chẩn đoán đa thai, bác sĩ phải chỉ định nhiều xét nghiệm và các phương pháp thăm dò khác, đặc biệt là siêu âm.
Thai trứng
Thai trứng (hay chửa trứng) là tình trạng bệnh lý trong đó có sự phát triển bất thường của lớp tế bào nuôi có trong nhau thai, tạo thành những túi chứa đầy dịch, dính vào nhau như chùm nho. Chửa trứng thường là một dạng khối u lành tính và không phải là một bào thai thực sự, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp chửa trứng là ác tính, gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Trong chửa trứng, nồng độ HCG thường tăng rất cao, có thể trên 30.000 mUI/ml.
Xét nghiệm nồng độ HCG cũng được chỉ định để theo dõi sự đáp ứng sau điều trị chửa trứng. Bệnh nhân có thể phải xét nghiệm HCG định kỳ trong hai năm kể từ khi điều trị để đảm bảo sức khỏe đã ổn định và không xuất hiện các biến chứng.
Bệnh down
Hội chứng down là tình trạng rối loạn nhiễm sắc thể trong quá trình phân chia tế bào dẫn đến thừa 1 nhiễm sắc thể số 21. Yếu tố nguy cơ của bệnh down là thai phụ tuổi cao hoặc bố mẹ mang gien biến đổi. Khi thai nhi mắc bệnh down, nồng độ HCG trong máu mẹ tăng trong khi lượng AFP máu giảm.
3. Điều trị
Nồng độ HCG thấp trong trường hợp sẩy thai bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc hoặc dùng thủ thuật nạo hút để loại bỏ những mô thai còn sót lại.
Đối với thai ngoài tử cung thường sẽ có chỉ định mổ lấy khối chửa để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Nồng độ HCG cao trong trường hợp chửa trứng bác sĩ sẽ chỉ theo dõi beta thường xuyên, thăm khám định kì theo chỉ định bác sĩ thời gian là ít nhất 2 năm hoặc đến khi beta trở về bình thường.
Trong chẩn đoán dị tật down bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu và kết hợp siêu âm để xác định tình trạng dị tật từ đó sẽ đưa ra lời khuyên cho mẹ bầu.