Phân biệt độ lọc cầu thận và độ thanh thải của thận
00:53 - 21/06/2020 Lượt xem: 3162
1. Độ lọc của cầu thận (GFR: Glomerular filtration rate) Độ lọc cầu thận được định nghĩa là lượng huyết tương được lọc qua cầu thận trong một đơn vị thời gian. Nói cách khác là lượng nước tiểu đầu được toàn bộ cầu thận của cả hai thận tạo ra trong một đơn vị […]
1. Độ lọc của cầu thận (GFR: Glomerular filtration rate)
Độ lọc cầu thận được định nghĩa là lượng huyết tương được lọc qua cầu thận trong một đơn vị thời gian. Nói cách khác là lượng nước tiểu đầu được toàn bộ cầu thận của cả hai thận tạo ra trong một đơn vị thời gian, người ta thường dùng đơn vị phút.
Mỗi ngày có khoảng 180 lít huyết tương được lọc qua cầu thận vào khoang Bowman (tức là có 180 lít nước tiểu đầu được cầu thận tạo ra) hay độ lọc cầu thận (GFR) là 180 lít/24 giờ = 125 ml/phút. Như vậy độ lọc cầu thận là khái niệm chỉ xem xét đến khả năng lọc máu của cầu thận mà không có sự tham gia của hệ thống ống thận.
GFR phản ánh chức năng lọc của thận và là thông số được dùng làm đại diện để đánh giá chức năng chung của thận, trong lâm sàng dùng để đánh giá mức độ suy giảm chức năng thận và phân loại giai đoạn bệnh thận mạn (CKD: chronic kidney disease).
Tuy nhiên người ta không thể trực tiếp đo được mức lọc cầu thận, vì vậy phải tìm một cách khác để biết được mức lọc cầu thận. Người ta biết một số chất có độ thanh thải đúng bằng mức lọc cầu thận, nếu đo độ thanh thải của các chất này thì biết được mức lọc cầu thận.
2. Độ thanh thải của thận (Renal clearance)
Nếu chúng ta xem xét khả năng lọc của toàn bộ thận từ khi cầu thận lọc cho đến nước tiểu cuối cùng (là nước tiểu được chứa trong bàng quang và bài xuất ra ngoài); thì chúng ta có khái niệm độ thanh thải của thận.
Vì nước tiểu đầu (dịch lọc ban đầu của cầu thận vào khoang Bowman) phải đi qua hệ thống ống thận để tới đài và bể thận. Hệ thống ống thận tái hấp thu hoặc bài tiết thêm các chất vào dịch lọc, làm cho nồng độ các chất này bị thay đổi khi ra khỏi ống thận để vào hệ thống dẫn nước tiểu (từ đài, bể thận tới bàng quang), nghĩa là nồng độ của các chất này trong nước tiểu chính thức khác với nồng độ của chúng trong nước tiểu đầu. Như vậy độ thanh thải của thận là khái niệm xem xét đến toàn bộ chức năng của cả cầu thận và ống thận.
Độ thanh thải của thận với một chất được định nghĩa là thể tích huyết tương chứa chất đó khi qua thận được thận (không phải chỉ cầu thận) loại bỏ hết chất đó trong một đơn vị thời gian.
3. Các trường hợp của độ lọc cầu thận và độ thanh thải của thận
Do các quá trình tái hấp thu, bài tiết và chuyển hóa các chất của ống thận. Nên khối lượng một chất được lọc qua cầu thận có thể khác với lượng chất đó trong nước tiểu thải ra khỏi thận. Đây là các yếu tố làm cho độ lọc cầu thận của một chất khác với độ lọc của thận với chất đó.
Như vậy chúng ta thấy có các trường hợp sau xảy ra:
3.1. Trường hợp thứ nhất độ thanh thải của thận với chất đó chính bằng độ lọc cầu thận.
Nếu có một chất nào đó trong huyết tương có các tính chất:
– Được lọc qua cầu thận một cách dễ dàng không bị cản trở; chất này sẽ có nồng độ trong nước tiểu đầu bằng nồng độ trong huyết tương.
– Không được ống thận bài tiết thêm vào nước tiểu
– Không bị ống thận tái hấp thu
– Không bị chuyển hóa hay tích trữ tại thận
Các chất thỏa mãn với tính chất trên thì lượng chất đó được lọc qua cầu thận trong một đơn vị thời gian sẽ bằng với lượng chất đó trong nước tiểu thải ra ngoài trong cùng một đơn vị thời gian.
3.2. Trường hợp thứ hai: độ thanh thải của thận lớn hơn độ lọc cầu thận.
Nếu có một chất nào đó trong huyết tương có các tính chất:
– Được lọc dễ dàng qua cầu thận
– Được tế bào ống thận bài tiết thêm vào nước tiểu
– Không bị ống thận tái hấp thu
– Không bị chuyển hóa hay tích trữ tại thận
3.3. Trường hợp thứ ba: độ thanh thải của thận thấp hơn độ lọc cầu thận.
Nếu có một chất nào đó trong huyết tương có các tính chất:
– Được lọc dễ dàng qua cầu thận
– Không được ống thận bài tiết thêm
– Được tế bào ống thận tái hấp thu
– Không bị chuyển hóa hay tích trữ tại thận
3.4. Trường hợp thứ tư
Nếu lượng tái hấp thu nhiều hơn bài tiết thì độ thanh thải của thận thấp hơn độ lọc cầu thận, nếu lượng bài tiết nhiều hơn tái hấp thu thì hệ số thanh thải của thận lớn hơn độ lọc cầu thận. Nếu có một chất nào đó trong huyết tương có các tính chất:
– Được lọc dễ dàng qua cầu thận
– Được tế bào đoạn ống thận này tái hấp thu
– Được tế bào đoạn ống thận khác bài tiết
– Không bị chuyển hóa hoặc tích trữ tại thận
4. Công thức tính độ thanh thải của thận với một chất
Vì độ lọc cầu thận là thông số được dùng để đại diện cho chức năng của thận. Trong lâm sàng dùng để đánh giá mức độ suy chức năng thận và phân loại giai đoạn tiến triển của bệnh thận mạn tính; nên cần phải đo độ lọc cầu thận. Nhưng không thể trực tiếp đo được lượng dịch lọc của cầu thận, vì vậy phải dùng biện pháp đo gián tiếp.
Trong đó
Ccre: Độ thanh thải creatinin nội sinh (ml/ph)
U: Nồng độ creatinin trong nước tiểu (mmol/ml)
V: Thể tích nước tiểu trong một phút (ml/ph)
P: Nồng độ creatinin trong huyết tương (mmo/l)
Vì nồng độ creatinin trong máu phụ thuộc vào khối lượng cơ của cơ thể; nên để chính xác người ta điều chỉnh theo diện tích bề mặt cơ thể bằng nhân kết quả với 1.73/S (1.73 là diện tích da người Châu Âu trung bình nặng 70kg, S là diện tích da của bệnh nhân).
4. Mối liên hệ giữa Creatinine huyết tương và độ lọc cầu thận
Sự liên hệ giữa nồng độ creatinine huyết tương và độ lọc cầu thận không phải là quan hệ tuyến tính; mà là quan hệ lũy thừa. Trong đó, nồng độ creatinine huyết tương không bất thường cho đến khi GFR giảm còn một nửa giá trị bình thường.
Do đó, khi nồng độ creatinine trong huyết tương bình thường, chúng ta không kết luận là bệnh nhân không bị suy thận; và không thể dựa vào nồng độ creatinin huyết tương để đánh giá mức độ suy thận. Chẳng hạn người già 80 tuổi thường có độ lọc cầu thận giảm một nửa so với lúc trẻ (GFR chỉ khoảng 60 ml/ph), nhưng nồng độ creatinin trong máu vẫn trong giới hạn bình thường.
Tài liệu tham khảo: PGS. TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103: Hahoangkiem.com.