Phòng ngừa tiền sản giật cho phụ nữ mang thai
10:16 - 24/02/2022 Lượt xem: 807 Tác giả: Lê Huyền Trang
Tiền sản giật là một trong những biến chứng y tế nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi. Tuy chưa xác định rõ nguyên nhân nhưng dựa vào các yếu tố nguy cơ có thể giúp mẹ bầu có một vài biện pháp để phòng ngừa tiền sản giật.
1. Tiền sản giật là gì?
- Tiền sản giật là rối loạn chức năng nhiều cơ quan liên quan đến thai nghén đặc trưng với sự xuất hiện triệu trứng huyết áp và protein niệu hoặc các triệu chứng lâm sàng liên quan đến tổn thương nhiều cơ quan do ảnh hưởng của tiền sản giật.
- Sản giật là sự xuất hiện những cơn co cứng - co giật khu trú hoặc toàn thân có hoặc không kèm theo hôn mê xảy ra trên những bệnh nhân có triệu chứng của tiền sản giật sau khi đã loại trừ cơn co giật do những nguyên nhân khác như động kinh, nhồi máu não, xuất huyết não hoặc do sử dụng thuốc. Sản giật được xem là một biến chứng biểu hiện tình trạng nặng của tiền sản giật, có thể xảy ra trong thai kỳ hoặc thời kỳ hậu sản.
2. Tiền sản giật ảnh hưởng thế nào đến mẹ bầu và thai nhi.
Biến chứng tiền sản giật cho mẹ:
- Hệ thần kinh trung ương sản giật: Phù não, xuất huyết não - màng não.
- Mắt: Phù võng mạc, mù mắt.
- Thận: Suy thận cấp.
- Gan: chảy máu dưới bao gan, vỡ gan, suy gan.
- Tim, phổi: suy tim cấp, phù phổi cấp (gặp trong tiền sản giật nặng).
- Rối loạn đông - chảy máu, đông máu rải rác trong lòng mạch, giảm tiểu cầu.
- Tăng huyết áp mạn, viêm thận mạn.
Biến chứng cho thai:
- Thai chậm phát triển trong tử cung (Trên 50%).
- Thai chết lưu trong tử cung.
- Đẻ non (40%) do tiền sản giật nặng.
- Tử vong chu sinh (10%): Tỷ lệ tử vong chu sinh tăng cao nếu đẻ non hoặc biến chứng rau bong non.
Tiền sản giật nặng có thể tiến triển thành hội chứng HELLP
Tiền sản giật nặng có thể tiến triển thành hội chứng HELLP – tan huyết, tăng các men gan và giảm tiểu cầu. Hội chứng này có thể đe dọa tính mạng cho cả mẹ và con.
3. Các yếu tố nguy cơ của tiền sản giật
Tiền sản giật dễ xảy ra khi có các yếu tố thuận lợi, bao gồm:
- Đa thai đa ối.
- Mẹ sinh con khi trên 35 tuổi, dưới 18 tuổi hoặc mẹ hút thuốc lá.
- Mang thai vào mùa lạnh ẩm.
- Chửa trứng, biểu hiện tiền sản giật thường biểu hiện sớm.
- Thai nghén ở phụ nữ đái tháo đường, tăng huyết áp mạn tính, béo phì.
- Tiền sử có tiền sản giật - sản giật ở lần mang thai trước.
4. Các biện pháp phòng ngừa tiền sản giật
Hiện nay các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra tiền sản giật trong thai kỳ, tuy nhiên một số nghiên cứu cho rằng, việc sử dụng aspirin liều thấp và bổ sung đủ canxi trong quá trình mang thai có thể hạn chế được nguy cơ tiền sản giật.
Ngoài ra, dựa vào một số yếu tố nguy cơ cao có thể dẫn đến tiền sản giật có thể rút ra các biện pháp phòng ngừa như :
- Ăn uống dinh dưỡng ,bổ sung vitamin và khoáng chất, bao gồm: các vitamin C, B, E; axit folic, sắt, iốt, phốt pho, magie và canxi…Đối với sức khỏe mẹ bầu, các vitamin nhóm B rất quan trọng giúp tăng khả năng sinh sản và giảm tình trạng ốm nghén. Trong khi đó, trái cây họ cam quýt là một nguồn giàu vitamin C và E, giúp tăng sức đề kháng…
- Vitamin D: Mỗi ngày, bạn hãy đảm bảo dành khoảng 20 phút hoạt động ngoài trời để cơ thể duy trì được mức vitamin D cần thiết.Ngoài ra, bạn nên trao đổi với bác sĩ sản khoa để được bổ sung vitamin D phù hợp.
- Không ăn quá nhiều các loại thức ăn nhiều tinh bột, nhiều đường.
- Không sử dụng thuốc lá, các chất kích thích.
- Đối với các bà mẹ có cân nặng lớn trước mang thai, nên dùng hạn chế lượng muối trong bữa ăn, hạn chế chiên xào, các loại mắm,.. ưu tiên các món hấp luộc, ăn uống nhiều trái cây và rau củ.
- Tập thể dục thường xuyên: Mẹ bầu thể dục thường xuyên với cường độ vừa phải sẽ nhận được rất nhiều lợi ích. Những lợi ích bao gồm: duy trì cân nặng khỏe mạnh, củng cố hệ miễn dịch, giảm viêm, thúc đẩy cơ thể chống lại căng thẳng, có một thai kỳ khỏe mạnh, giảm nguy cơ gặp phải biến chứng thai kỳ, trong đó có tiền sản giật
- Mẹ bầu nên sinh hoạt điều độ, nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, tinh thần luôn vui vẻ, thoải mái.
- Thực hiện chăm sóc tốt giai đoạn trước sinh cũng như khám thai định kỳ đúng hẹn để được bác sĩ thăm khám và tư vấn đầy đủ về thai kỳ.
- Mẹ bầu cũng cần phải chú ý quan sát các biểu hiện bất thường của cơ thể, nhằm phát hiện sớm và giúp cho quá trình điều trị tiền sản giật hiệu quả.