Phòng tránh bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh
08:28 - 21/03/2020 Lượt xem: 472
Vàng da sơ sinh là hiện tượng vàng da sinh lí thường gặp ở trẻ trong vòng 2 – 5 ngày sau sinh. Tuy nhiên cha mẹ cần phân biệt vàng da sinh lý với vàng da bệnh lý ở trẻ. Trẻ vàng da sinh lý vẫn ăn ngủ bình thường và bệnh sẽ tự […]
Vàng da sơ sinh là hiện tượng vàng da sinh lí thường gặp ở trẻ trong vòng 2 – 5 ngày sau sinh. Tuy nhiên cha mẹ cần phân biệt vàng da sinh lý với vàng da bệnh lý ở trẻ. Trẻ vàng da sinh lý vẫn ăn ngủ bình thường và bệnh sẽ tự khỏi, không cần điều trị. Trẻ bị vàng da bệnh lý nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh (còn gọi là vàng da nhân) mà hậu quả là trẻ sẽ bị tử vong hoặc bị bại não suốt đời. Vậy có cách nào để phòng tránh vàng da ở trẻ em. Hãy tìm hiểu bài viết dưới đây.
1. Phân biệt vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý
Vàng da sinh lý
- Thường xuất hiện từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 sau khi trẻ mới sinh và khỏi trong vòng 10 ngày với một số đặc điểm như:
- Màu vàng nhẹ và có xu hướng nhạt dần từ mặt đến các chi
- Phân màu vàng và nước tiểu trong.
- Tốc độ vàng da tăng chậm đạt mức độ cao nhất vào ngày thứ 3 – 4 (trẻ đủ tháng); ngày thứ 5 – 6 (trẻ đẻ non) rồi giảm dần.
- Mức độ vàng da được đánh giá nhẹ.
Vàng da bệnh lý
- Vàng da bệnh lý kéo dài trên hai tuần và xuất hiện rất sớm, khoảng 2 ngày sau khi sinh.
- Màu vàng xuất hiện toàn thân và tăng dần lên đến các chi.
- Nếu bé bị vàng da bệnh lý sức khỏe suy giảm, nước tiểu có màu vàng còn phân thì có màu vàng hay bạc màu.
- Ngoài ra trẻ còn có thể bị sốt, co giật hay không muốn bú, bụng chướng, xuất hiện cơn ngưng thở, nhịp thở nhanh, nhịp tim chậm, hạ thân nhiệt, sụt cân, xanh tái, ban xuất huyết, ngủ li bì… Vì vậy, khi sau 10 ngày mà các biểu hiện vàng da của con chưa hết, các mẹ nên chủ động đưa con đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
2. Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị vàng da
– Trẻ sơ sinh non tháng là những trẻ sinh ra trước 37 tuần
– Bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con: sẽ xảy ra hiện tượng các kháng thể phá huỷ các tế bào hồng cầu và làm bilirubin của bé tăng cao đột ngột.
Các yếu tố nguy cơ khác của vàng da trẻ sơ sinh:
– Bầm tím khi sinh hoặc xuất huyết nội tạng nhiều
– Bệnh lý về gan, mật
– Nhiễm trùng
– Thiếu hụt enzyme
– Bé có sự bất thường về hồng cầu.
3. Cách phòng tránh vàng da ở trẻ sơ sinh
- Phụ nữ mang thai cần khám thai định kỳ, đặc biệt là các tháng cuối
- Có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để không bị sinh non. Khi sinh cần đến cơ sở y tế để được cán bộ có chuyên môn theo dõi và đỡ đẻ.
- Nếu trẻ bị vàng da ở mức độ nhẹ có thể điều trị tại nhà bằng cách tắm nắng mỗi sáng vào khoảng 7 giờ đến 9 giờ sáng
- Nên cởi bớt quần áo của trẻ cho trẻ tắm nắng dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp sao cho tia nắng mặt trời chiếu đến toàn bộ cơ thể của trẻ.
- Phòng trẻ phải có đủ ánh sáng để có thể dễ dàng theo dõi màu sắc da của trẻ.
- Cho trẻ bú nhiều lần trong ngày vì sữa mẹ giúp đào thải nhanh bilirubin qua đường tiêu hoá.
- Hàng ngày cần theo dõi mức độ tiến triển vàng da của trẻ. Theo dõi liên tục trong vòng 7 – 10 ngày sau sinh.
Vàng da là hiện tượng sinh lý bình thường của phần lớn trẻ sơ sinh. Tuy nhiên một số trường hợp vàng da có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển về mọi mặt của trẻ.