Phù chân khi mang thai có làm sao không?
09:24 - 27/03/2020 Lượt xem: 887
Mang thai là khoảng thời gian cơ thể người phụ nữ có rất nhiều thay đổi, trong đó phù chân khi mang bầu là hiện tượng rất thường gặp. Vậy tại sao thai phụ lại hay bị phù chân, thai phụ có thể làm gì để giảm phù chân? 1. Nguyên nhân phù chân khi […]
Mang thai là khoảng thời gian cơ thể người phụ nữ có rất nhiều thay đổi, trong đó phù chân khi mang bầu là hiện tượng rất thường gặp. Vậy tại sao thai phụ lại hay bị phù chân, thai phụ có thể làm gì để giảm phù chân?
1. Nguyên nhân phù chân khi mang thai
Có rất nhiều yếu tố khác nhau gây nên hiện tượng phù ở người phụ nữ trong khi mang thai; không chỉ là phù chân khi mang thai mà còn phù ở cả bàn tay, mặt.
- Khi mang thai, cơ thể sản xuất ra lượng máu và dịch cơ thể nhiều hơn khoảng 50% so với bình thường để đáp ứng được nhu cầu của thai nhi đang phát triển.
- Cơ thể tái hấp thu và giữ lại nhiều dịch hơn so với bình thường. Với mục đích làm mềm cơ, tạo điều kiện cho cơ thể dễ thích nghi khi thai nhi to dần lên; đồng thời giúp chuẩn bị cho các mô và khớp ở tiểu khung dễ mở rộng vào thời điểm chuyển dạ để sinh nở.
- Tử cung phát triển to dần lên (vì thai nhi lớn dần lên); tạo áp lực lên các tĩnh mạch, gây ảnh hưởng tới dòng máu theo tĩnh mạch quay trở về tim.
- Các thay đổi về nội tiết tố cũng đóng một vai trò nhất định.
2. Thời điểm nào thai phụ bắt đầu bị phù chân
Trên thực tế phụ nữ mang thai có thể xuất hiện phù chân ở bất kỳ thời điểm nào trong quá trình mang thai.
Với ba tháng đầu thai kỳ:
Đây là khoảng thời gian ít bị phù nhất. Nếu có phù thì người phụ nữ có thể thoáng thấy phù nhẹ ở chân, tay hoặc mặt; (thường gặp ở các mẹ làm văn phòng do tư thế ngồi lâu hoặc đứng lâu). Nhưng khi các mẹ bầu vận động thì hiện tượng phù sẽ biết mất (hiện tượng phù sinh lý). Nếu thấy phù nhiều ở giai đoạn này, đặc biệt là kèm theo các triệu chứng khác như chóng mặt, đau đầu, chảy máu… thì cần đi thăm khám ngay lập tức.
Với ba tháng giữa thai kỳ:
Ba tháng giữa là khoảng thời gian hiện tượng phù có thể thấy rõ. Nhưng hiện tượng phù chân khi mang thai tháng thứ 5 trở đi của thai kỳ rất phổ biến; trừ những rường hợp thai phụ đứng rất nhiều hoặc ngồi lâu; hoặc thời tiết nóng bức, thực hiện các hoạt động thể chất kéo dài, chế độ ăn ít kali, …
Với ba tháng cuối thai kỳ:
Đây là lúc hiện tượng phù chân khi mang bầu xuất hiện rõ nhất và phổ biến nhất. Càng tiến gần tới thời điểm chuyển dạ thì phù chân sẽ ngày càng nặng hơn. Và thường sau khi sinh nở từ vài ngày tới vài tuần thì tình trạng phù cũng tự biến mất.
3. Trường hợp phù chân nào khi mang thai cần đi thăm khám bác sĩ?
Hiện tượng phù chân khi mang thai là hiện tượng phổ biến và rất bình thường, không có gì phải quá lo lắng. Thông thường sau khi sinh nở từ vài ngày tới vài tuần phù sẽ tự biến mất mà không cần can thiệp gì. Tuy nhiên phù cũng có thể là biểu hiện của tình trạng tiền sản giật trong quá trình mang thai. Do đó bạn hãy đi thăm khám bác sĩ ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu sau:
- Phù xuất hiện đột ngột ở tay, chân, mặt hoặc quanh mắt, mức độ tăng nặng nhanh chóng.
- Chóng mặt hoặc nhìn mờ.
- Đau đầu nghiêm trọng
- Khó thở.
4. Mẹ bầu nên làm gì để hạn chế phù chân trong khi mang thai?
Phù nói chung, phù chân nói riêng là hiện tượng bình thường trong thời kỳ mang thai, phổ biến, và thường tự biến mất sau khi sinh nở. Trong thai kỳ, để giảm những hiện tượng này, thai phụ có thể:
Giảm áp lực lên hai chân:
Phụ nữ mang thai không nên đứng quá lâu, ngồi lâu trong thời gian dài. Trong lúc ngồi nếu có thể hãy giúp bàn chân được kê cao ngang bằng với hông, đồng thời thường xuyên xoay cổ chân và nhẹ nhàng gấp duỗi hai bàn chân nhằm làm giãn cơ ở cẳng chân. Kê cao hai chân khi nằm (Nếu thấy thoải mái).
Nằm ngủ ở tư thế nghiêng bên trái:
Nghiêng bên trái trong khi ngủ là tư thế tốt nhất giúp tránh tạo áp lực lên tĩnh mạch chủ dưới (là một tĩnh mạch lớn đưa máu từ phần dưới cơ thể quay trở về tim). Cũng một phần giúp mẹ bầu đỡ bị khó thở khi thai to chèn ép.
Năng hoạt động thể chất mỗi ngày và thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng:
– Đi bộ, đạp xe trên máy tập đạp là những hoạt động thể chất rất tốt cho các thai phụ.
– Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, đủ dưỡng chất, giảm lượng natri thu nhận, tăng sử dụng các thức ăn giàu kali và hạn chế tiêu thụ các đồ ăn, thức uống có thành phần chứa caffeine.
– Giảm lượng nước uống vào không có ích trong việc phòng tránh phù chân khi mang thai. Theo khuyến cáo của Học viện y khoa (The Institute of Medicine) Hoa Kỳ thì phụ nữ mang thai cần uống khoảng 2,4 lít nước mỗi ngày.
– Có thể ngâm chân với nước muối ấm có gừng (khoảng 30 phút) sau đó xoa bóp giúp bàn chân giảm phù. Một số nghiên cứu gợi ý các phương pháp xoa bóp và bấm huyệt bàn chân (về bản chất là tạo áp lực lên những vùng nhất định của bàn chân) có thể giúp giảm phù chân và phù mắt cá chân trong khi mang thai.
– Mặc quần áo rộng rãi: Quần áo chật có thể làm giới hạn các luồng chảy của mạch máu, do đó không nên mặc các loại quần và tất áp chặt lên vùng cơ sinh đôi ở cẳng chân.