Phụ nữ từng mắc tiểu đường thai kỳ có nguy cơ bị tiểu đường type II
09:44 - 11/06/2020 Lượt xem: 506
Bạn có biết 20-50% phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ có nguy cơ bị tiểu đường type II trong 5-10 năm sau đó.
1. Đái tháo đường gây nguy hiểm như thế nào đến thai kỳ ?
Trong ĐTĐTK, nếu đường máu của người mẹ kiểm soát không được tốt; sẽ có rất nhiều nguy cho mẹ và thai nhi.
Nguy cơ cho mẹ:
- Tăng nguy cơ tiền sản giật – sản giật gấp 4 lần.
- Đa ối chiếm tỉ lệ khá cao 27-30%.
- Thai to có thể gây rối loạn tuần hoàn và hô hấp cho mẹ, nhiễm trùng rất dễ xảy ra.
- Thai to dễ gây sang chấn đường sinh dục người mẹ trong quá trình sinh.
- Tỉ lệ mổ lấy thai cao.
- Những nguy cơ do phẫu thuật cũng tăng như dễ bị nhiễm trùng mết mổ hay tầng sinh môn; thai phụ dễ băng huyết sau sinh.
Mẹ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ cao mắc tiền sản giật
Nguy cơ cho thai:
- Sinh non
- Trong lượng thai tăng gây sinh khó và sang chấn thai nhi lúc sanh làm trật khớp vai, gãy xương đòn,…
- Suy hô hấp do sự trưởng thành của phổi bị ảnh hưởng do insulin tăng cao.
- Rối loạn chuyển hóa như hạ đường huyết, hạ canxi huyết.
- Tỉ lệ tử vong chu sinh tăng gấp 2-5 lần.
2. Vậy bạn có biết đái tháo đường thai kỳ là gì không ?
Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là tình trạng rối loạn dung nạp glucose; khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong quá trình mang thai; tình trạng này có thể tồn tại sau thai kỳ và cũng không loại trừ tình trạng rối loạn dung nạp glucose này có thể đã xảy ra trước hay bắt đầu đồng thời với quá trình mang thai.
Trong đa số trường hợp ĐTĐTK thai phụ sẽ trở lại bình thường sau sinh. Tuy nhiên một số bệnh nhân có thể có rối loạn dung nạp glucose ở lần sinh sau. Ước tính 5-10 năm những phụ nữ đã từng bị ĐTĐTK có nguy cơ bị ĐTĐ type 2 nhiều gấp 7 lần so với thai phụ không bị ĐTĐTK.
3. Phải làm sao để tầm soát bệnh đái tháo đường thai kỳ
ĐTĐTK thường ít có triệu chứng vì vậy xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là cách tốt nhất để phát hiện bệnh sớm.
- Ngay từ lần khám thai đầu tiên, sản phụ sẽ được bác sỹ sản khoa đánh giá nguy cơ.
- Nếu thai phụ có các yếu tố nguy cơ cao như tuổi > 35, béo phì, tiền căn ĐTĐTK, đường niệu (+), tiền căn gia đình bị ĐTĐ; sẽ được bác sĩ chỉ định làm nghiệm pháp dung nạp đường trong 3 tháng đầu thai kỳ. Nếu kết quả bình thường cũng nên lặp lại nghiệm pháp này khi thai từ 24 đến 28 tuần (vì mốc này bánh nhau phát triển hoàn thiện nhất; tăng sản xuất các nội tiết tố kích thích tiết hormon có tác dụng làm tăng đường máu; đề kháng hormon có tác dụng làm giảm lượng đường máu, giảm dự trữ).
- Nếu thai phụ không có yếu tố nguy cơ: Khi thử đường huyết lúc đói, nếu kết quả < 5.9 mmol/dl (với thai dưới 12 tuần) và < 5.1 mmol/dl với thai trên 12 tuần; mẹ bầu sẽ tầm soát bằng nghiệm pháp dung nạp đường khi thai 24 – 28 tuần.
4. Phòng tránh bệnh tiểu đường thai kỳ
Duy trì cân nặng lý tưởng trước khi có thai
Khi quyết định có em bé, bạn hãy cố gắng duy trì cân nặng lý tưởng trước khi mang thai. Khi bạn bị thừa cân, không chắc chắn là bạn sẽ bị đái tháo đường thai kỳ; nhưng bạn sẽ tăng yếu tố nguy cơ mắc bệnh hơn một người có cân nặng bình thường. Một người có chỉ số khối cơ thể BMI hơn 30 có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ gấp 3 lần người có BMI nhỏ hơn 25.
Chế độ ăn lành mạnh
Có rất nhiều lý do bạn nên có một chế độ ăn lành mạnh, không phải chỉ trong thai kỳ mà còn suốt cuộc đời. Đối với người mẹ mang thai, duy trì chế độ ăn lành mạnh còn giúp giảm nguy cơ đái tháo đường thai kỳ. Một chế độ ăn hợp lý, cân bằng lượng tinh bột và các nhóm thức ăn còn lại có thể giúp đường huyết không tăng quá cao sau ăn. Chọn nguồn tinh bột giàu chất xơ, ưu tiên nguồn chất béo tốt cho sức khỏe; ăn thêm rau xanh, sữa và các sản phẩm từ sữa; bảo đảm đủ hàm lượng chất đạm trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Giữ thói quen vận động:
Vận động rất quan trọng trong khi mang thai. Bạn nên dành ra 30 phút mỗi ngày để tập thể dục. Lựa chọn các bài tập phù hợp như yoga dành cho bà bầu, bơi lội, đi bộ… giúp kiểm soát lượng đường trong máu, cải thiện sức khỏe tim mạch cũng như tăng cường chất lượng cuộc sống. Đồng thời giúp cơ thể thư giãn, tinh thần thoải mái giảm stress, căng thẳng khi mang thai giúp thai nhi phát triển toàn diện.
Ngoài chế độ ăn uống và tập luyên bạn cần khám thai định kỳ, tuân thủ chỉ định của bác sĩ và thường xuyên kiểm tra đường máu để có thể có biện pháp can thiệp kịp thời.
Đái tháo đường thai kỳ gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi vì vậy cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Thai phụ bị tiểu đường thai kỳ có chế độ ăn uống và vận động hợp lý sẽ giúp kiểm soát đường huyết và hạn chế được những biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ.
Tài liệu tham khảo: Hội nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam/Tạp chí nội tiết đái tháo đường – Xuất bản tháng 12 năm 2016.
Để cập nhật kiến thức về sản, phụ khoa và chế độ dùng thuốc canxi trong quá trình mang thai. Bạn có thể truy cập website: SAN43NGUYENKHANG.VN; để đặt lịch khám truy cập TẠI ĐÂY hoặc liên hệ Zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.