Phù rau thai - Biến chứng sản khoa nguy hiểm
07:54 - 27/04/2021 Lượt xem: 852
Phù nhau thai là một bệnh lý làm mô nhau ứ nước, tăng thể tích, trọng lượng và làm mất các chức năng của lá nhau. Bệnh này thường kèm theo phù dây rốn và thai nhi cũng bị phù nề, tràn dịch đa màng, dị tật, dị dạng, bất thường như: bất thường về tim mạch, lồng ngực, đường tiêu hóa, hiện tượng truyền máu thai nhi ở song thai…
1. Phù rau thai là gì?
Phù rau thai là tình trạng thai tích dịch từ 2 khoang cơ thể trở lên hoặc tích dịch 1 khoang kèm với phù da, có thể do những bất thường như: bất thường về tim mạch, đường tiêu hóa, lồng ngực, truyền máu thai nhi ở song thai…
Phù rau thai có tỷ lệ mắc khá thấp, xảy ra ở 1/1000 ca sinh. Nếu bạn đang mang thai và em bé của bạn được chẩn đoán mắc phù rau thai, bác sĩ có thể yêu cầu gây chuyển dạ sớm. Tuy nhiên, ngay cả khi được điều trị, hơn một nửa số trẻ sơ sinh bị phù rau có nguy cơ tử vong ngay trước hoặc sau khi sinh.
Phân loại phù rau thai
Có hai loại phù rau thai: miễn dịch và không miễn dịch. Chúng phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra phù rau thai.
Phù rau thai không miễn dịch là loại phổ biến nhất. Ví dụ:
- Thiếu máu nghiêm trọng, bao gồm cả thalassemia
- Xuất huyết thai nhi
- Thai nhi bị dị tật tim hoặc phổi
- Rối loạn di truyền và chuyển hóa, bao gồm hội chứng Turner và bệnh Gaucher
- Nhiễm virus và vi khuẩn như Parvovirus B19, Cytomegalovirus (CMV), bệnh toxoplasmosis, giang mai và herpes
- Dị tật mạch máu
- Khối u
Phù rau thai miễn dịch thường xảy ra khi nhóm máu của mẹ và thai nhi không tương thích với nhau, hay còn gọi là không tương thích yếu tố Rh. Nếu bạn là Rh âm tính và có em bé Rh dương, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ tấn công các tế bào hồng cầu của thai nhi. Điều này gây ra thiếu máu. Loại phù rau thai này không phổ biến hiện nay vì phụ nữ Rh âm thường được điều trị bằng immunoglobulin Rh để ngăn ngừa vấn đề này.
2. Triệu chứng của phù rau thai
Phụ nữ mang thai có thể gặp các triệu chứng sau đây nếu thai nhi bị phù rau thai:
- Đa ối (polyhydramnios)
- Bánh rau dày
Thai nhi cũng có thể có lá lách, tim hoặc gan to lớn bất thường và có thể quan sát được chất lỏng bao quanh tim hoặc phổi qua siêu âm.
Một em bé sinh ra mắc phù rau thai có thể có các triệu chứng sau đây:
- Da nhợt nhạt
- Bầm tím
- Sưng (phù), đặc biệt là ở bụng
- Gan và lá lách to bất thường
- Khó thở
- Vàng da nặng
3. Chẩn đoán phù nhau thai
Chẩn đoán phù nhau thai thường được thực hiện trong siêu âm thai. Bác sĩ có thể nhận thấy thai nhi bị phù nhau thai khi siêu âm trong khám thai định kỳ. Siêu âm sử dụng sóng âm thanh tần số cao để chụp ảnh trực tiếp bên trong cơ thể. Bạn cũng có thể được siêu âm trong thai kỳ nếu bạn nhận thấy em bé di chuyển ít thường xuyên hơn hoặc bạn gặp phải các biến chứng thai kỳ khác, chẳng hạn như huyết áp cao.
Các xét nghiệm chẩn đoán khác có thể được thực hiện để giúp xác định mức độ nghiêm trọng hoặc nguyên nhân của tình trạng. Bao gồm:
- Xét nghiệm máu thai nhi
- Chọc ối
- Siêu âm tim thai để kiểm tra các khiếm khuyết cấu trúc của tim.
4. Điều trị phù rau thai
Phù rau thai thường không thể điều trị trong khi mang thai. Ttrong một số trường hợp, bác sĩ có thể truyền máu cho em bé (truyền máu thai nhi trong tử cung) để giúp tăng khả năng em bé sẽ sống sót cho đến khi ra đời.
Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ cho chuyển dạ sớm để cho em bé cơ hội sống sót cao nhất. Điều này được thực hiện với thuốc gây chuyển dạ sớm hoặc mổ lấy thai khẩn cấp.
Khi em bé được sinh ra, việc điều trị có thể sử dụng như:
- Sử dụng kim tiêm để loại bỏ chất lỏng dư thừa từ không gian xung quanh phổi, tim hoặc bụng (lồng ngực)
- Hỗ trợ hô hấp bằng máy trợ thở
- Sử dụng thuốc để kiểm soát suy tim
- Sử dụng thuốc giúp thận loại bỏ chất lỏng dư thừa
Đối với phù nhau thai miễn dịch, em bé có thể được truyền trực tiếp các tế bào hồng cầu phù hợp với nhóm máu của bé. Nếu thai nhi bị phù nhau thai do một tình trạng tiềm ẩn khác, trẻ cũng sẽ được điều trị cho tình trạng đó. Ví dụ, thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng giang mai do trẻ bị lây từ mẹ.
Tiên lượng của thai nhi phù nhau thai phụ thuộc vào tình trạng bệnh, nhưng ngay cả khi điều trị, tỷ lệ sống sót của em bé vẫn khá thấp. Thực tế chỉ khoảng 20% thai nhi được chẩn đoán phù nhau thai có thể sống sót cho đến lúc chào đời, và trong số những đứa trẻ đó, chỉ khoảng một nửa sẽ sống sót sau khi sinh.