googleb578e89369db4e48.html

Phương pháp thụ thai nhờ xin trứng – Bạn đã biết

09:19 - 24/04/2020 Lượt xem: 1722

Trước đây khi các phương pháp hỗ trợ sinh sản chưa phát triển, một số phụ nữ lớn tuổi hoặc mãn kinh sớm muốn có con là một điều rất khó. Tuy nhiên, giờ đây khoa học công nghệ phát triển, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm ra đời và phát triển mạnh, đã […]

Trước đây khi các phương pháp hỗ trợ sinh sản chưa phát triển, một số phụ nữ lớn tuổi hoặc mãn kinh sớm muốn có con là một điều rất khó. Tuy nhiên, giờ đây khoa học công nghệ phát triển, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm ra đời và phát triển mạnh, đã giúp cho nguyện vọng của những phụ nữ này thành hiện thực nhờ việc xin trứng từ một người khỏe mạnh khác.

1. Những trường hợp cần phải xin trứng

Trường hợp cần xin trứng khi dự trữ buồng trứng cạn kiệt; không còn trứng hoặc còn một ít nang chất lượng không tốt, nên không thể tạo thành phôi. Các trường hợp này thường do một số nguyên nhân sau:

      • Phụ nữ lớn tuổi > 40 tuổi: số lượng và chất lượng trứng giảm tự nhiên theo tuổi.
      • Suy buồng trứng sớm nguyên phát không rõ nguyên nhân, biểu hiện mất kinh sớm.
      • Suy buồng trứng thứ phát: xảy ra sau phẫu thuật bóc nang buồng trứng hoặc cắt một buồng trứng, hóa trị hoặc xạ trị ung thư. Mô lành buồng trứng bị phá hủy, dẫn đến giảm số lượng trứng.
 Xin trứng trong trường hợp bị suy buồng trứng sớm

Nếu những phụ nữ trong trường hợp này muốn mang thai thì phải xin trứng của người phụ nữ có dự trữ buồng trứng bình thường để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng của chồng người nhận trứng. Khi đó sẽ chuyển phôi này vào tử cung người nhận để mang thai.

2. Quy trình xin cho trứng

Sau khi tìm được người cho trứng thì cần làm xét nghiệm xem người này có đủ điều kiện để cho trứng hay không. Các xét nghiệm được chia làm 3 nhóm tùy theo mục đích:

      • Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh truyền nhiễm gồm HIV, giang mai, viêm gan siêu vi B

      • Đánh giá dự trữ buồng trứng:

Dựa vào tuổi người cho trứng (khuynh hướng càng trẻ số lượng trứng càng nhiều và chất lượng trứng càng tốt).

Siêu âm đếm số nang noãn trên buồng trứng (thường thực hiện vào những ngày đầu của chu kỳ kinh).

Xét nghiệm máu AMH đánh giá khả năng sinh sản của buồng trứng (FSH, LH, E2), xét nghiệm này có thể làm vào bất cứ ngày nào của chu kỳ kinh.

   Siêu âm đếm số lượng nang noãn trong buồng trứng
      • Xét nghiệm tiền mê:

Chọc hút lấy trứng được thực hiện với gây mê nhẹ trong khoảng 5 phút. Trước khi gây mê, người cho trứng sẽ được xét nghiệm và khám tổng quát để đảm bảo đủ sức khỏe để trải qua quá trình gây mê.

Quy trình thực hiện:

Bước 1: Dùng thuốc chỉnh kinh

Khi người cho trứng đạt đủ điều kiện để cho trứng, bạn và người cho trứng sẽ được cho toa thuốc để chỉnh kinh. Để bạn và người cho trứng có kinh cùng một lúc.

Bước 2: Chuẩn bị nội mạc

Khi cả hai người đã ra kinh giống nhau, người nhận trứng sẽ được tiếp tục uống thuốc để chuẩn bị nội mạc tử cung là nơi phôi sẽ làm tổ và phát triển thành thai.

Bước 3: Kích trứng

Người cho trứng sẽ được bắt đầu tiêm thuốc để kích thích buồng trứng, để buồng trứng có nhiều nang trứng phát triển. Thời gian kích thích buồng trứng trung bình khoảng 10-12 ngày, mỗi ngày tiêm từ 1-3 loại thuốc tùy theo đáp ứng của buồng trứng. Việc tiêm thuốc có thể được thực hiện tại nhà. Trong thời gian tiêm thuốc, người cho trứng và nhận trứng sẽ được siêu âm để theo dõi sự phát triển của các nang noãn từ 2-4 lần.

Bước 4: Chọc hút trứng

Khi nang trứng đã phát triển đầy đủ, người cho trứng sẽ được chọc hút trứng qua ngả âm đạo dưới hướng dẫn của gây mê. Thời gian chọc hút trứng chỉ kéo dài khoảng 5 phút. Sau đó, người cho trứng được theo dõi tại bệnh viện cho đến khi tình trạng ổn (thời gian theo dõi trung bình khoảng 2 giờ).

Bước 5: Tạo phôi và chuyển phôi

2 ngày sau khi người cho trứng được chọc hút trứng; người chồng của người nhận cũng sẽ được lấy tinh trùng để tạo thành phôi; phôi tạo thành sẽ được chuyển vào buồng tử cung của người nhận trứng.

3. Rủi ro người cho trứng có thể gặp phải

Hiện nay, các phác đồ kích thích buồng trứng dành cho người cho trứng khá an toàn, ít biến chứng. Tỉ lệ biến chứng xảy ra cho người cho trứng rất hiếm (<0,1%). Bên cạnh đó, người cho trứng sẽ được theo dõi sát sau thủ thuật chọc hút trứng cho đến khi đảm bảo không có biến chứng xảy ra. Vì vậy, các biến chứng nếu có xảy ra thường sẽ được phát hiện và điều trị sớm.

Một số biến chứng có thể xảy ra:

      • Xoắn buồng trứng:

là tình trạng dây treo buồng trứng bị xoắn, khiến máu đến nuôi  buồng trứng giảm. Triệu chứng: đau bụng dữ dội vùng bụng dưới bên trái hoặc bên phải, đau từng cơn, kèm nôn ói, tiêu chảy. Điều trị: nội soi tháo xoắn buồng trứng.

      • Xuất huyết buồng trứng:

là tình trạng chảy máu ở buồng trứng. Triệu chứng: đau bụng, có thể đau lan lên vai, mệt mỏi, xanh xao, chóng mặt. Điều trị: dùng thuốc cầm máu, nếu điều trị nội thất bại, cần nội soi cầm máu buồng trứng

      • Xuất huyết bàng quang:

là tình trạng chảy máu ở bàng quang. Triệu chứng: tiểu đỏ. Điều trị: uống nhiều nước, thuốc cầm máu. Trường hợp nặng: súc rửa bàng quang.

Điều may mắn là những biến chứng nêu trên rất hiếm xảy ra. Khi có một trong các triệu chứng bất thường kể trên hoặc triệu chứng nào khác, bạn cần báo ngay với bác sĩ điều trị để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Phương pháp thụ thai nhờ xin trứng là một phương pháp hỗ trợ sinh sản mang lại tỷ lệ thành công tương đối cao có thể lên đến 50% nếu tìm được người cho trứng phụ hợp; đem lại niềm hạnh phúc cho các bà mẹ có dự trữ buồng trứng kém.

 

Bài viết liên quan

Lạc nội mạc tử cung, phụ nữ còn cơ hội mang thai không?
Cảnh báo nguy cơ ung thư vú từ Liệu pháp thay thế hormone
Cảnh báo tình trạng ung thư vú ở người trẻ tuổi
4 Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung bạn nên biết
Tầm soát ung tư cổ tử cung bằng xét nghiệm HPV