Phương pháp thụ tinh nhân tạo (IUI) và những điều bạn cần biết
07:01 - 13/04/2020 Lượt xem: 304
Thụ tinh nhân tạo ( IUI) là phương pháp hỗ trợ sinh sản cho những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn. Nhờ kĩ thuật y học ngày càng tiên tiến, hiện đại ngày nay phương pháp này được sử dụng phổ biến, với chi phí thấp mà hiệu quả đem lại tương đối cao. […]
Thụ tinh nhân tạo ( IUI) là phương pháp hỗ trợ sinh sản cho những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn. Nhờ kĩ thuật y học ngày càng tiên tiến, hiện đại ngày nay phương pháp này được sử dụng phổ biến, với chi phí thấp mà hiệu quả đem lại tương đối cao.
1. Thụ tinh nhân tạo là gì ?
Thụ tinh nhân tạo (IUI) – còn gọi là thụ tinh bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung – được tiến hành bằng cách chọn lọc tinh trùng khỏe nhất của người chồng; sau đó bơm vào buồng tử cung của người vợ ở thời điểm rụng trứng. Phương pháp này nhằm giúp tăng khả năng đậu thai cho những cặp vợ chồng bị hiếm muộn do tinh trùng yếu, ít; cổ tử cung yếu; lạc nội mạc tử cung nhẹ… hoặc vô sinh hiếm muộn không rõ nguyên nhân.
2. Trường hợp nào nên sử dụng phương pháp này ?
Đối với nữ giới:
- Hiếm muộn không rõ nguyên nhân.
- Bất thường yếu tố cổ tử cung: chất nhầy cổ tử cung không thuận lợi (đặc hoặc có thể có kháng thể kháng tinh trùng).
- Lạc nội mạc tử cung nhẹ.
- Rối loạn phóng noãn.
- Rối loạn chức năng tình dục, giao hợp.
- Viêm cổ tử cung mãn tính.
- Yếu tố miễn dịch: Kháng thể kháng tinh trùng.
Đối với nam giới:
Thường gặp phải ở những người có vấn đề liên quan đến rối loạn phóng tinh và các bất thường trong tinh dịch như:
- Rối loạn phóng tinh: Lỗ tiểu đóng thấp, xuất tinh ngược dòng, bất lực do nguyên nhân thực thể hoặc tâm lý…
- Tinh trùng ít, yếu, dị dạng mức độ nhẹ.
Tuy nhiên, để thực hiện phương pháp này thì người phụ nữ phải có ít nhất 1 trong 2 vòi trứng không bị tắc và buồng trứng còn hoạt động; đồng thời tinh dịch đồ của người nam bình thường hoặc bất bình thường nhưng ở mức độ cho phép thực hiện được.
3. Điều kiện và thời gian tiến hành thụ tinh nhân tạo
Phương pháp thụ tinh nhân tạo được thực hiện với các điều kiện: người vợ có tử cung (giúp trứng thụ tinh có nơi làm tổ); buồng trứng bình thường và ít nhất một vòi trứng không bị tắc; đồng thời người chồng có tinh trùng đạt tiêu chuẩn.
Thời gian tiến hành thụ tinh nhân tạo thường diễn ra khoảng 10 -14 ngày. Trường hợp người vợ có buồng trứng đa nang, thời gian có thể mất 4 tuần.
4. Ưu điểm của kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI)
- Chọn được các tinh trùng chất lượng, có độ di động tốt; đồng thời cô đặc tinh trùng trong một thể tích nhỏ, thuận lợi cho phương pháp điều trị.
- Loại bỏ được các tế bào chết; hầu hết các vi sinh vật và phần lớn các chất độc với tinh trùng.
- Loại bỏ được phần lớn prostaglandins/ tinh dịch; hạn chế hiện tương co thắt tử cung sau IUI.
- Kích thích sự hoạt hóa đầu tinh trùng; sự tăng động của tinh trùng, tạo thuận lợi cho quá trình thụ tinh của tinh trùng với trứng.
- Giảm nguy cơ nhiễm trùng từ tinh dịch do các phương pháp chuẩn bị tinh trùng hiện nay có thể phát hiện và loại bỏ hầu hết các vi sinh vật có trong tinh dịch.
- Tránh được nguy cơ sốc phản vệ đôi khi xảy ra khi tinh dịch vào buồng tử cung.
5. Chi phí thu tinh nhân tạo là bao nhiêu ?
Chi phí: Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) là phương pháp đầu tiên được khuyên áp dụng cho các cặp vợ chồng. Do mức độ can thiệp ít và chi phí không cao như phương pháp hỗ trợ sinh sản khác. Mức chi trả thường rơi vào 5 – 10 triệu/lần IUI.
Thụ tinh nhân tạo tuy có chi phí tiết kiệm nhưng chỉ dành cho những cặp vợ chồng nhất định. Tỷ lệ thành công của phương pháp này chỉ đạt khoảng 20%; thấp hơn so với thụ tinh trong ống nghiệm (tỷ lệ thành công trung bình khoảng 40-45%). Trường hợp thụ tinh nhân tạo nhiều lần thất bại; hoặc người chồng có tinh trùng yếu, ít tinh trùng, tinh trùng dị dạng; người vợ bị tắc vòi trứng hoặc lớn tuổi (≥ 40 tuổi); bệnh nhân sẽ được tư vấn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, có hay không kèm các kỹ thuật liên quan như tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), phẫu thuật lấy tinh trùng (PESA/ MESA), trưởng thành trứng trong ống nghiệm (IVM), kỹ thuật hỗ trợ thoát màng…