googleb578e89369db4e48.html

Phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương trứng ICSI

09:56 - 22/04/2020 Lượt xem: 455

Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản giúp tăng tỉ lệ thành công khi điều trị hiếm muộn, vô sinh. Kỹ thuật này là lựa chọn duy nhất trong trường hợp nam giới có tinh trùng ít, yếu và dị dạng nặng. Với tỷ lệ thành công […]

Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản giúp tăng tỉ lệ thành công khi điều trị hiếm muộn, vô sinh. Kỹ thuật này là lựa chọn duy nhất trong trường hợp nam giới có tinh trùng ít, yếu và dị dạng nặng. Với tỷ lệ thành công tương đương với phương pháp IVF nên phương pháp này cũng là lựa chọn tốt cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn.

1. Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) là gì ?

ICSI (intra cytoplasmic sperm injection) là tiêm tinh trùng trực tiếp vào bào tương trứng trưởng thành để tạo phôi. Kỹ thuật này có sự hỗ trợ của hệ thống vi thao tác và kính hiển vi đảo ngược với độ phóng đại 200-300 lần. Nhờ kỹ thuật ICSI phôi được tạo ra chỉ từ duy nhất 1 trứng và 1 tinh trùng; do đó ICSI có thể thực hiện được trong những trường hợp thiểu năng tinh trùng nặng; hoặc tinh trùng được lấy từ mào tinh hoặc tinh hoàn, tăng tỉ lệ thụ tinh.

2. Trong trường hợp nào thì nên thực hiện ICSI?

ICSI thường được sử dụng với những cặp vợ chồng bị vô sinh do yếu tố nam. Vô sinh do yếu tố nam có thể bao gồm những yếu tố sau: số lượng tinh trùng ít, di động kém, dị dạng nặng; hay tinh trùng không có khả năng thâm nhập vào trứng; hoặc không có tinh trùng do tắc nghẽn.

Không tinh trùng (Azoospermia) là trường hợp không phát hiện tinh trùng trong tinh dịch của người nam khi xuất tinh. Có hai trường hợp không tinh trùng: tắc nghẽn và không tắc nghẽn. Không tinh trùng do tắc nghẽn có thể do các nguyên nhân sau:

      • Tiền sử thắt ống dẫn tinh.
      • Bẩm sinh không có ống dẫn tinh.
      • Sẹo do nhiễm trùng trước đó.
      • Không tinh trùng không do tắc nghẽn; xảy ra khi tinh hoàn bị khiếm khuyết dẫn đến không sản xuất tinh trùng.

ICSI cũng có thể được chỉ định trong trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân; vô sinh do yếu tố người vợ và bất thường tinh trùng nhẹ; hay những bệnh nhân nghi ngờ sẽ thất bại thụ tinh nếu thực hiện IVF cổ điển.

ICSI từng được đề nghị để thay thế hoàn toàn IVF cổ điển do tỷ lệ có thai được cải thiện. Tuy nhiên, đây là kỹ thuật tốn kém và tốn nhiều thời gian; đòi hỏi nhiều thiết bị, kỹ năng chuyên môn cao và có tính xâm lấn.

3. Ưu điểm của ICSI là gì ?

Ưu điểm của kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn trong điều trị hiếm muộn, vô sinh:

      • Giúp điều trị vô sinh ở nam giới: ICSI là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiên tiến; giúp điều trị vô sinh ở nam giới hiệu quả. Phương pháp này giúp nam giới ít tinh trùng, chất lượng tinh trùng kém… cơ hội làm cha.
      • Tăng cơ hội thụ tinh thành công: nếu quy trình thụ tinh ống nghiệm (IVF) trước đó không thành công do trục trặc trong quá trình thụ tinh; do trứng thì việc sử dụng kỹ thuật ICSI vào lần điều trị tiếp theo sẽ giúp làm tăng cơ hội thụ thai thành công vì bác sĩ sẽ giám sát chặt chẽ quá trình thụ tinh trong phòng thí nghiệm.
      • Hiệu quả khi dùng trứng đông lạnh: các chuyên gia tin rằng kỹ thuật ICSI sẽ giúp việc thụ tinh đạt hiệu quả cao hơn nếu sử dụng trứng đông lạnh. Vì vậy, trứng để đông lạnh từ những lần IVF trước có thể được sử dụng trong phương pháp ICSI; giúp tiết kiệm nhiều chi phí và công sức cho bệnh nhân.

4. Quy trình thực hiện tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI)

Bước 1: Tập hợp tinh trùng

Người chồng cung cấp mẫu tinh dịch. Bác sĩ có thể canh thời gian lấy tinh trùng gần với thời gian lấy trứng; hoặc thu thập tinh trùng trước và trữ đông tới khi trứng từ người vợ sẵn sàng thụ tinh.

Vi phẫu: nếu mẫu tinh dịch có ít hoặc không có tinh trùng; người chồng không thể xuất tinh thì bác sĩ sẽ tiến hành vi phẫu để lấy tinh trùng từ tinh hoàn hoặc các ống dẫn tinh.

Lấy mẫu mô: nếu vi phẫu thất bại, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô từ bên trong tinh hoàn – nơi có thể chứa tinh trùng. Hoặc khi không có tinh trùng, bác sĩ có thể đề nghị dùng tinh trùng được hiến tặng để thụ tinh.

Bước 2: Tập hợp trứng

Người vợ được tiêm gonadotropin để kích thích buồng trứng sản xuất ra nhiều trứng trưởng thành để thụ tinh. Bác sĩ sẽ tiến hành gây mê, đưa đầu dò siêu âm vào âm đạo để quan sát buồng trứng, tìm các nang trứng. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa qua thành âm đạo một cây kim mảnh để chọc hút trứng từ các nang, lấy đi khoảng 8 – 15 trứng.

Bước 3: Thụ tinh

Bác sĩ thực hiện tiêm từng tinh trùng trực tiếp vào mỗi trứng. Ba ngày sau, trứng được thụ tinh thành công và trở thành phôi thai.

Bước 4: Chuyển phôi

Tùy thuộc vào tuổi tác người vợ và những yếu tố khác; bác sĩ sẽ luồn một catheter mảnh qua cổ tử cung để đưa 1 – 5 phôi thai vào tử cung.

Bước 5: Nuôi dưỡng phôi thai

Nếu thành công, phôi thai sẽ làm tổ ở thành tử cung và phát triển thành thai nhi. Các phôi thai còn dư có thể được trữ đông để dùng trong các chu trình thụ tinh ống nghiệm trong tương lai. Nếu chuyển hơn 1 phôi thai vào tử cung thì cơ hội đậu thai sẽ cao hơn nhưng thai phụ cũng có nguy cơ mang đa thai.

Bước 6: Thử thai

Người vợ sẽ được thử thai 2 tuần sau khi phôi thai được đặt vào tử cung.

Lưu ý:

Thời gian hoàn thành một chu trình thụ tinh ống nghiệm với kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn là 4 – 6 tuần. Để thực hiện phương pháp này, cặp vợ chồng phải chờ buồng trứng đáp ứng với thuốc để trứng trưởng thành. Trong thời gian đó, cứ cách 2 – 3 ngày người vợ phải kiểm tra máu và siêu âm một lần.

Vào ngày lấy trứng, cả vợ và chồng đều cần dành thời gian ở bệnh viện để thu thập trứng và tinh trùng. Sau 3 – 5 ngày, người vợ sẽ tới bệnh viện để chuyển phôi vào tử cung và sau 2 tuần có thể thử thai.

Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản giúp tăng tỉ lệ thành công khi điều trị hiếm muộn, vô sinh tuy nhiên phương pháp này khá phức tạp đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm, chuyên môn cao do đó bạn cần phải lựa chọn cơ sở y tế uy tín chuyên về lĩnh vực này để đạt kiết quả tốt nhất.

 

Bài viết liên quan

Ra máu giữa chu kỳ là dấu hiệu của bệnh gì?
Lạc nội mạc tử cung, phụ nữ còn cơ hội mang thai không?
Cảnh báo nguy cơ ung thư vú từ Liệu pháp thay thế hormone
Cảnh báo tình trạng ung thư vú ở người trẻ tuổi
4 Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung bạn nên biết