Quá trình mang thai ảnh hưởng như thế nào đến tim mạch ?
08:45 - 21/02/2020 Lượt xem: 601
Khi mang thai toàn bộ cơ thể tham gia vào quá trình thai nghén, kể cả tim mạch gây ra các biến đổi trong hệ tuần hoàn của người mẹ. Vì vậy những mẹ bầu có tiền sử bệnh tim cần thăm khám định kì để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai […]
Khi mang thai toàn bộ cơ thể tham gia vào quá trình thai nghén, kể cả tim mạch gây ra các biến đổi trong hệ tuần hoàn của người mẹ. Vì vậy những mẹ bầu có tiền sử bệnh tim cần thăm khám định kì để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
1. Trong lúc có thai
Do nuôi dưỡng thai nên nhu cầu oxy tăng lên từ 15 đến 20% do vậy tim phải hoạt động nhiều hơn biểu hiện ở:
Lưu lượng tim tăng:
Lưu lượng bình thường từ 3-5 lít/ phút trong vài tuần đầu.
Tăng nhanh vào tháng thứ 3, đạt tối đa vào tháng thứ 7 ( tuần lễ thứ 23 theo Lequime); tỉ lệ tăng có thể từ 40%-50%. Sau đó giảm từ từ ở những tuần cuối và trở lại bình thường ở hai tuần sau sinh.
Lưu lượng tim tăng phần lớn do nhịp tim tăng; nhưng cũng do khả năng co bóp tăng, biểu hiện ở chỉ số tim tăng ( bình thường khoảng 2,3 lít/phút).
Tốc độ tuần hoàn tăng:
Tốc độ tuần hoàn bình thường khoảng 7s với tiểu tuần hoàn và 14s với đại tuần hoàn. Khi mang thai thì bắt đầu tăng từ tháng thứ 3 – tháng thứ 9 và giảm dần trong những tuần cuối.
Tốc độ tuần hoàn tuy tăng nhưng vì áp lực ngoại biên hạ nên huyết áp động mạch không đổi.
Thay đổi lượng máu:
Khi mang thai lượng máu tăng nhanh vào 3 tháng giữa của thai kỳ và tăng cường song song với cung lượng tim. Lượng máu này trở lại bình thường sau khi đẻ. Lượng máu tăng trung bình là 34%.
Lượng máu tăng này phần lớn do huyết tương tăng hơn là huyết cầu ( máu tăng 34% nhưng huyết tương tăng 40%, huyết cầu chỉ tăng 20%), do đó độ quánh máu giảm; Hematocrit hạ, chỉ còn khoảng 25-30% ( bình thường trên 40%).
2. Trong lúc chuyển dạ
Trong thời kỳ này, nhu cầu oxy tăng cao, lại thêm tử cung co bóp mạnh khi thai phụ rặn, nên:
- Huyết áp tăng (huyết áp tối đa tăng từ 10 – 20 mmHg) và giảm ngay sau khi sinh.
- Áp lực tăng ở các buồng tim phải, nhất là nhĩ phải, từ 5cm nước lên quá 20cm (Theo Hamilton).
- Nhịp tim tăng về tần số. Nhịp nhanh này hết sau khi đẻ và có thể trở nên chậm trong những ngày sau.
3. Thời kì sổ rau
Đặng điểm của thời kỳ này là đột nhiên tuần hoàn trong tử cung không còn nữa thai phụ bị giảm đột ngột áp lực bên trong khoang bụng, lại còn mất máu nên:
- Huyết áp thường hạ thấp, sau đó lại trở lại bình thường.
- Tim mạch trở lại thích nghi nhanh chóng với điều kiện huyết động mới. Ở người không có bệnh tim, sự thích nghi này dễ dàng. ở người có bệnh tim, sự thích nghi khó khăn hơn.
Theo Berry – Hart thời kỳ sổ rau là thời kỳ nguy hiểm nhất, vì biến chứng thường nặng.
4. Vì sao lại có những biến đổi này
Những biến đổi nói trên với tim mạch trong thời kỳ mang thai có thể có nhiều cơ chế, người ta thường nghĩ đến:
– Do máu động mạch chuyển thẳng sang tĩnh mạch ở rau cho nên:
- Cung lượng tim tăng
- Lượng huyết tương tăng
- Tăng gánh nặng hơn cho tim phải.
– Do thai lớn lên:
Khi thai to làm tăng áp lực bên trong khoang bụng, cơ hoành bị đẩy lên, tim xoay nằm ngang, các mạch máu lớn bị đè ép, tâm thất phải bị ép vào cơ hoành, đều có thể khó khăn cho hoạt động của tim.
– Do sự thay đổi nội tiết:
Khi mang thai estrogen, progesteron và nhất là aldosteron tăng từ tháng thứ 3 cho đến lúc đẻ, làm ứ nước và muối gây tăng chướng ngại cho tim.
Tăng tiết hormon, tuyết giáp gặp trên khoảng 38% thai phụ, có thể gây mạch nhanh, lưu lượng tim tăng.
Tóm lại có 3 thời kỳ trong quá trình mang thai có thể ảnh hưởng xấu đến tim mạch của người mẹ:
- Từ tháng thứ 7 đến lúc đẻ: Dễ bị suy tim do phải làm việc nhiều và gặp nhiều trở ngại.
- Lúc đẻ: Tai biến ít hơn, có thể phù phổi cấp do huyết áp tăng, thai phụ rặn.
- Thời kỳ sổ rau: Đáng sợ nhất là trụy tim do huyết áp tụt quá nhanh, tim kém thích nghi.
Vì vậy đối với các mẹ bầu bình thường hay có bệnh tim đều cần phải khám thai định kỳ để được bác sẽ theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và bé một cách toàn diện nhất, tránh các biến chứng nguy hiểm trong quá trình sinh đẻ.