googleb578e89369db4e48.html

Quản Lý Tiền Sản Giật Trong Thai Kỳ

16:10 - 15/02/2022 Lượt xem: 645 Tác giả: Lê Huyền Trang

Tiền sản giật là một trong những bệnh lý có thể gặp phải trong thai kỳ, việc sớm sàng lọc và phát hiện giúp thai phụ tránh được nguy cơ, biến chứng nguy hiểm. Vậy nên quản lý tiền sản giật trong thai kỳ là vô cùng cần thiết cho mẹ và bé.

 

1. Tiền sản giật là gì?

- Tiền sản giật là rối loạn chức năng nhiều cơ quan liên quan đến thai nghén đặc trưng với sự xuất hiện triệu chứng tăng huyết áp và protein niệu hoặc các triệu chứng lâm sàng liên quan đến tổn thương nhiều cơ quan do ảnh hưởng của tiền sản giật.

- Sản giật là sự xuất hiện những cơn co cứng - co giật khu trú hoặc toàn thân có hoặc không kèm theo hôn mê xảy ra trên những bệnh nhân có triệu chứng của tiền sản giật sau khi đã loại trừ cơn co giật do các nguyên nhân khác như động kinh, nhồi máu não, xuất huyết não hoặc do sử dụng thuốc. Sản giật được xem là một biến chứng biểu hiện tình trạng nặng của tiền sản giật, có thể xảy ra trong thai kỳ hoặc thời kỳ hậu sản.

2. Nguyên tắc sàng lọc tiền sản giật.

- Tích hợp sàng lọc tiền sản giật thực hiện thường quy vào quy trình quản lý thai, khám thai cho tất cả mọi thai phụ.

- Thực hiện sàng lọc tiền sản giật theo mô hình hai giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: tại thời điểm thai 11 tuần - 13 tuần 06 ngày, mục tiêu tập trung vào sàng lọc tiền sản giật sớm và can thiệp dự phòng,
  • Giai đoạn 2: vào 3 tháng giữa và/hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, sàng lọc tiền sản giật được tiếp tục thực hiện cho cả tiền sản giật sớm và tiền sản giật muộn, nhằm mục đích quản lý phù hợp các trường hợp nguy cơ cao, xác định thời điểm, địa điểm và cách thức kết thúc thai kỳ hợp lý cho từng trường hợp.

3. Quản lý tiền sản giật trong thai kỳ.

quản lý tiền sản giật

3.1. Sàng lọc tiền sản giật dựa vào các yếu tố nguy cơ mẹ

- Yếu tố nguy cơ mẹ liên quan tiền sản giật gồm các đặc điểm mẹ, tiền sử bệnh tật, tiền sử sản khoa, đặc điểm bệnh lý, là những yếu tố cần được xác định sớm trong quản lý thai nghén. Sàng lọc tiền sản giật dựa vào các yếu tố nguy cơ mẹ có thể dự báo được khoảng 30% tiền sản giật ở mọi thời điểm.

- Sàng lọc tiền sản giật nên được thực hiện cho tất cả mọi thai kỳ và cần tích hợp trong quy trình khám thai, quản lý thai.

- Sàng lọc tiền sản giật dựa vào yếu tố nguy cơ mẹ là cách tiếp cận phù hợp với tuyến y tế cơ sở, khi đây là phương pháp có tính khả thi cao, có thể xác định từ rất sớm trong thai kỳ và không cần đòi hỏi các xét nghiệm phức tạp.

3.2.Sàng lọc tiền sản giật ở quý I (3 tháng đầu):

Mô hình dự báo nguy cơ hình thành tiền sản giật tại thời điểm 3 tháng đầu thai kỳ dựa vào phối hợp nhiều yếu tố:

Các đặc điểm mẹ:

  • Tuổi mẹ: tính đến ngày sinh.
  • Chiều cao (cm), cân nặng (kg), BMI.
  • Cách thức thụ thai: tự nhiên, có dùng thuốc kích thích rụng trứng, thụ tinh trong ống nghiệm.
  • Hút thuốc lá trong thai kỳ.
  • Mẹ thai phụ có tăng huyết áp.

Tiền sử nội khoa:

  • Tăng huyết áp mạn tính.
  • Đái tháo đường typ 1.
  • Đái tháo đường typ 2.
  • Lupus ban đỏ hệ thống.
  • Hội chứng kháng phospholipid.

Tiền sử sản khoa:

  • Con so (chưa sinh lần nào ở tuổi thai > 24 tuần), hoặc con rạ (ít nhất một lần sinh ở tuổi thai > 24 tuần).

Đặc điểm thai:

  • Tuổi thai từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày (tính theo chiều dài đầu mông (CRL) trong khoảng 45 - 84 mm), đơn thai/song thai 1 rau/song thai 2 rau.

Huyết áp động mạch

  • Tại thời điểm thai 11-13 tuần 6 ngày, sàng lọc TSG bằng phối hợp các đặc điểm mẹ và HATB cho tỷ lệ phát hiện TSG sớm, TSG muộn và tăng HA thai nghén khoảng 50-75%, với tỷ lệ dương tính giả khoảng 10%.

Siêu âm chỉ số xung động mạch tử cung (PI)

  • Tại thời điểm thai 11 - 13 tuần 6 ngày, siêu âm đường bụng, đo chiều dài đầu - mông (CRL trong khoảng 45 - 84mm), tính tuổi thai theo siêu âm, đo độ mờ da gáy, xác định hiện diện xương mũi. Thực hiện siêu âm Doppler động mạch tử cung, đo PI động mạch tử cung 2 bên và xác định giá trị PI trung bình để sử dụng trong sàng lọc tiền sản giật.

Các chất chỉ điểm sinh hóa

- FIGO khuyến cáo tốt nhất sử dụng PlGF trong mô hình sàng lọc TSG ở 3 tháng đầu thai kỳ. PAPP-A sử dụng trong trường hợp xét nghiệm PlGF không sẵn có.

Xác định nguy cơ tiền sản giật theo mô hình dự báo:

- Xác định nguy cơ tiền sản giật dựa vào phối hợp các yếu tố trên bằng thuật toán tính nguy cơ của Hiệp hội Y học thai nhi - FMF, có thể sử dụng:

  • Phần mềm sàng lọc tiền sản Astraia Obstetrics module, phần First Trimester Risk Analysis
  • Tính toán trực tuyến tại địa chỉ web của Hiệp hội Y học thai nhi https://fetalmedicine.org, trong phần Calculators chọn mục “Prediction: Preeclampsia”.

- Nhóm nguy cơ cao: nếu chỉ số nguy cơ tiền sản giật non tháng (< 37 tuần): ≥ 1/100.

3.3.Sàng lọc tiền sản giật giai đoạn 2 (3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ)

Sử dụng hai xét nghiệm sFlt-1 và PlGF

- Tỷ sFlt-1/PlGF có triển vọng trong dự báo khả năng không xuất hiện bệnh. Thời điểm tối ưu để bắt đầu xét nhiệm tỷ số sFlt-1/PlGF ở nhóm nguy cơ cao từ 24 đến 26 tuần thai kỳ. Tỷ sFlt-1/PlGF có vai trò trong dự báo TSG ngắn hạn để hạn chế được những trường hợp nhập viện theo dõi và can thiệp không cần thiết.

- Ngưỡng tỷ số sFlt-1/PlGF được chia thành các nhóm sau:

  • Nếu tỷ số sFlt-1/PlGF ≤ 38: dự báo nhiều khả năng không xảy ra TSG hoặc các kết quả thai kỳ bất lợi trong 1 tuần cho mọi tuổi thai, giá trị dự đoán âm tính là 99,3% (95%CI: 97,9-99,9); độ nhạy 80,0% (95%CI: 51,8-95,7), độ đặc hiệu 78,3% (95%CI: 74,6-81,7).
  • Nếu tỷ số sFlt-1/PlGF > 38: dự báo xuất hiện TSG trong 4 tuần có giá trị dự đoán dương tính 36,7% (95%CI: 28,4-45,7), độ nhạy 66,2% (95%CI: 54,9-77,0), độ đặc hiệu 83,1% (95%CI: 79,4-86,3).

 Tiền sản giật có biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên nếu phát hiện sớm có thể được theo dõi và điều trị kịp thời. Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang – Cầu Giấy hay còn được gọi là phòng khám bác sĩ Vĩ với tiền thân là phòng khám 89B dốc phụ sản Hà Nội và phòng khám 36 Trung Hòa là địa chỉ khám lớn và uy tín nhất Hà Nội. Với bề dày hoạt động trên 15 năm cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi; giàu kinh nghiệm đến từ các viện sản lớn như bệnh viện Phụ sản Trung Ương; bệnh viện Phụ sản Hà Nội… sẽ theo dõi và khảo sát thai kỳ; để các thai phụ có thể yên tâm chào đón những thiên thần khỏe mạnh. Để đặt lịch khám quý khách vui lòng truy cập TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.

 Nguồn: Quyết định 1911/QĐ-BYT 2021

Bài viết liên quan

Dấu hiệu đau bụng mẹ cần phải đi khám ngay
CẢNH BÁO các vấn đề về sức khỏe mẹ bầu thường gặp phải trong mùa lạnh
Dinh dưỡng đối với thai phụ bị bệnh tim
Dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con
Viêm gan C với thai nghén