Quy trình hiến máu nhân đạo

08:38 - 27/05/2020 Lượt xem: 1074

Hiến máu không những không ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn có một số tác dụng bất ngờ nếu người tham gia hiến máu thực hiện đúng quy trình hiến máu mà các tình nguyện viên và nhân viên y tế hướng dẫn. Bước 1: Đăng ký và Tư vấn sức khoẻ  Người hiến […]

Hiến máu không những không ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn có một số tác dụng bất ngờ nếu người tham gia hiến máu thực hiện đúng quy trình hiến máu mà các tình nguyện viên và nhân viên y tế hướng dẫn.

    • Bước 1: Đăng ký và Tư vấn sức khoẻ 

Người hiến máu xuất trình giấy tờ tùy thân và nhận được một bản đăng ký; điền đầy đủ các thông tin cần thiết và ký tên. Trong khi điền phiếu đăng ký người hiến máu có thể trao đổi bất cứ thắc mắc về vấn đề sức khỏe, hiến máu như thế nào với các nhân viên y tế và các bạn tuyên truyền viên. Đảm bảo người hiến máu thật sự thoải mái và tự nguyện khi hiến máu đồng thời đã được tìm hiểu thông tin về hiến máu cũng như tình trạng sức khỏe bản thân.

quy trình hiến máu
Khi điền thông tin đăng ký hiến máu bạn sẽ được giải đáp các thắc mắc liên quan
    • Bước 2: Khám kiểm tra sức khỏe

Người hiến máu sẽ được các bác sỹ khám sức khỏe tổng quát để khai thác các tiền sử bệnh lý liên quan tới sức khỏe, kiểm tra các bệnh về huyết áp, tim mạch; giải đáp thắc mắc về tình hình sức khỏe và các bệnh lý liên quan nếu có.

Nếu người hiến máu đảm bảo không có tiền sử mắc các bệnh mãn tính, không có bệnh về huyết áp, tim mạch, không có tiền sử dùng các chất kích thích thì tiếp theo bác sĩ sẽ khai thác các yếu tố nguy cơ dẫn đến các bệnh có thể lây nhiễm qua đường máu như vấn đề quan hệ tình dục lành mạnh, trong thời gian gần đây có bị tai nạn không, có dẫm phải kim tiêm hoặc vật gì gây chảy máu không, vợ hoặc chồng có mắc các bệnh lây truyền qua đường máu không?…

Quy trình hiến máu
Bạn sẽ được kiểm tra sức khỏe trước khi hiến máu
    • Bước 3: Xét nghiệm máu nhanh

Sau các câu hỏi nhanh người hiến máu sẽ được lấy máu làm các xét nghiệm kiểm tra trước hiến máu, bao gồm:

+ Huyết sắc tố: hay còn gọi là Hemoglobin là thành phần quan trọng của hồng cầu; xét nghiệm này nhằm đảm bảo máu đủ chất lượng theo quy định để truyền cho người bệnh. Đạt tiêu chuẩn hiến máu khi lượng huyết sắc tố đạt trên 120gam/lít.

+ Xét nghiệm virus HIV, viêm gan B: bằng kít xét nghiệm nhanh; để đảm bảo những người có vi rút HIV, viêm gan B không tham gia hiến máu.

Hiện nay, người hiến máu có thể lựa chọn tiến hành thêm các xét nghiệm khác tùy vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe, cụ thể như:

+ Đối với người trẻ, đặc biệt là ở lứa tuổi sinh đẻ; nên chọn xét nghiệm đánh giá tình trạng sinh máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu); hấp thu sắt, sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh…

+ Người hiến máu sau tuổi 35: có thể lựa chọn các xét nghiệm sàng lọc tiểu đường, chuyển hóa đạm; mỡ, chức năng gan, thận, xét nghiệm nồng độ axit uric trong máu để phát hiện nguy cơ bệnh gút,…

+ Người hiến máu sau tuổi 45: ngoài các xét nghiệm kể trên có thể lựa chọn thêm các xét nghiệm sàng lọc một số dấu ấn có liên quan đến tình trạng của phổi, gan, tiêu hóa, thận, tiền liệt tuyến, tử cung, buồng trứng,…

Mục đích tiến hành các xét nghiệm này, ngoài để đảm bảo chất lượng máu hiến tặng, còn có ích cho người hiến máu khi biết tình trạng sức khỏe của chính mình. Sau các test kiểm tra nhanh các bác sỹ sẽ đọc kết quả và kiểm tra tổng thể một lần cuối cùng và kết luận người hiến máu đó có đủ điều kiện để cho máu không.

    • Bước 4: Hiến máu

Người hiến máu sau khi được bác sĩ khẳng định đủ điều kiện hiến máu sẽ chờ để gọi tên vào bàn hiến máu. Tại đây người hiến máu sẽ được các nhân viên y tế hướng dẫn những điều cần chú ý trước; trong và sau khi lấy máu. Cần phối hợp tốt để việc lấy máu diễn ra nhanh và thuận lợi hơn.

Mỗi người sẽ dành trung bình 5 phút cho việc hiến máu với lượng máu hiến mỗi lần là 250ml; 350ml hoặc 450ml (tùy theo thể trạng từng người và do bác sỹ chỉ định). Chỉ rời bàn lấy máu khi được sự cho phép của nhân viên y tế; nếu thấy bất cứ biểu hiện gì khác thường cần báo cho nhân viên y tế.

    • Bước 5: Nghỉ ngơi và nhận giấy chứng nhận sau hiến máu

Sau hiến máu người hiến máu sẽ nghỉ tại chỗ ít nhất 10 phút; được phục vụ ăn nhẹ và được khuyến cáo uống nhiều nước sau khi hiến máu. Người hiến máu sẽ được trao giấy xác nhận hiến máu và quà lưu niệm trước khi ra về.

Giấy chứng nhận cấp cho người tham gia hiến máu tình nguyện

Với tấm lòng nhân ái, vì cuộc sống của người bệnh và sức khỏe của cộng đồng, các cán bộ, công nhân viên của Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang luôn nhiệt tình hưởng ứng và tham gia phong trào hiến máu tình nguyện. Mỗi giọt máu cho đi – một cuộc đời ở lại. Đó là nghĩa cử cao đẹp mà cán bộ, nhân viên phòng khám luôn nhận thức sâu sắc; lan tỏa sự sẻ chia đến với cộng đồng.

Bài viết liên quan

Vì sao các mẹ bầu lựa chọn phòng khám 43 Nguyễn Khang để khám thai?
Phòng khám 43 Nguyễn Khang đồng hành cùng Festival Mẹ bầu và em bé 2023
Hướng dẫn chi tiết cách đặt lịch Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang
Khám phụ khoa ở đâu tốt? - Địa chỉ khám phụ khoa uy tín Hà Nội
Những điều bí mật của phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang