Rối loạn chức năng tuyến giáp khi mang thai
11:24 - 12/10/2022 Lượt xem: 656 Tác giả: Thu Hoàng
Các bệnh lý rối loạn chức năng tuyến giáp khi mang thai có ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi và có thể gây ra biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con.
1. Rối loạn chức năng tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết có kích thước nhỏ, nằm ở cổ nhưng có vai trò quan trọng, nơi sản xuất nhiều hormone có chức năng điều tiết quá trình chuyển hóa của cơ thể.
Các bệnh lý thường gặp trong rối loạn chức năng tuyến giáp:
Suy giáp
Suy giáp là tình trạng chức năng tuyến giáp suy giảm, hormone tuyến giáp không được sản xuất đủ khiến các quá trình chuyển hóa liên quan bị ảnh hưởng. Suy tuyến giáp có thể do vấn đề ở cơ quan này hoặc tuyến nội tiết liên quan khác như vùng hạ đồi, tuyến yên.
Cường giáp
Trái với suy giáp, cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức nên lượng hormone tuyến giáp được sản sinh quá nhiều. So với suy giáp, cường giáp khá ít gặp song cũng ảnh hưởng nhiều đến quá trình chuyển hóa trong cơ thể.
Nhân tuyến giáp
Đây là bệnh lý do những u hoặc khối xuất hiện bất thường bên trong tuyến giáp, ảnh hưởng tới khả năng sản xuất hormone và kích thước của cơ quan này. Nhân giáp có thể là nang giáp, ung thư tuyến giáp hoặc bướu giáp lành tính, cần xét nghiệm kiểm tra mới xác định được chính xác tính chất của nhân giáp.
Bướu giáp
Bướu giáp đơn thuần có thể lan toả hoặc có nhân, là tình trạng tuyến giáp to không phải ung thư, không có cường giáp, suy giáp hoặc viêm.
Ung thư tuyến giáp
Đây là bệnh lý tuyến giáp nguy hiểm nhất, thường gặp ở phụ nữ trưởng thành song nam giới và những đối tượng khác vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Thực tế có nhiều thể ung thư tuyến giáp được phân biệt dựa trên loại tế bào đặc hiệu mắc bệnh trong tuyến giáp.
So với các bệnh ung thư khác, ung thư tuyến giáp có tiên lượng sống tốt hơn, tỉ lệ sống sót cao, nhất là khi phát hiện bệnh sớm ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên nếu ung thư tuyến giáp tiến triển muộn, di căn xa, điều trị vẫn khó khăn và có nguy cơ tử vong.
Như vậy, rối loạn chức năng tuyến giáp có thể gặp ở bất cứ ai, với phụ nữ mang thai tỉ lệ mắc bệnh ở khoảng 3 - 4% từ mức độ nhẹ đến nặng. Hầu hết vấn đề chức năng tuyến giáp xảy ra là do chế độ ăn hàng ngày của phụ nữ mang thai bị thiếu hụt iot, vì thế rối loạn chủ yếu ở dạng suy chức năng tuyến giáp.
2. Nguyên nhân gây rối loạn chức năng tuyến giáp
Do có sự thay đổi hàng loạt yếu tố sinh lý trong thai kỳ như tăng Beta HCG, tăng TBG, tăng bài tiết iod niệu, tăng thể tích huyết tương, thay đổi miễn dịch…, sinh lý tuyến giáp cũng có sự thay đổi. tuy nhiên quan trọng nhất là sự thay đổi hocmon và kích thước.
Thay đổi về hocmon: Khi mang thai cơ thể người mẹ sẽ sản sinh ra 2 hormon chính: βhCG (human chorionic gonadotropin) và estrogen. Việc tăng βhCG trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể làm giảm nhẹ hormon TSH (hormon kích thích giáp trạng), lúc này gọi là cường giáp cận lâm sàng. TSH sẽ tăng trở lại ở giai đoạn sau của thai kỳ. Estrogen (hormon sinh dục nữ) sẽ làm tăng hormon tuyến giáp gắn protein trong huyết thanh, tuy nhiên hormon tuyến giáp tự do (FT3, FT4) không tăng, do đó không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp.
Thay đổi về kích thước: Tuyến giáp có thể thay đổi về kích thước trong quá trình mang thai: Kích thước lớn hơn khoảng 10- 15%,
Chính sự thay đổi này làm cho các xét nghiệm và hình ảnh học có sự thay đổi giá trị tham chiều ở trong thai kỳ.
3. Rối loạn chức năng gây ảnh hưởng thế nào đến thai kỳ?
Trong giai đoạn thai kỳ, thai nhi phát triển trong bụng mẹ đến khoảng tuần thai thứ 13 mới có thể sản sinh hormone tuyến giáp để sử dụng. Vì thế trong 13 tuần đầu tiên này, thai nhi sẽ cần dùng hormon tuyến giáp mà cơ thể mẹ sản sinh và cung cấp qua rau thai. Hormone tuyến giáp cũng có vai trò rất quan trọng trong việc phân chia tế bào, hình thành và phát triển các cơ quan của thai nhi nên sự thiếu hụt hormone sẽ gây ra những biến chứng nặng nề cho thai.
Tùy vào mức độ thiếu hụt và loại hormone tuyến giáp thiếu hụt, sự phát triển của thai sẽ bị ảnh hưởng khác nhau, nhẹ có thể chậm phát triển trí tuệ, nặng có thể đần độn, trí thông minh kém,… Ngoài ra, nếu thai phụ bị suy tuyến giáp trong thai kỳ, nhất là những tuần đầu thì có nguy cơ đối mặt với biến chứng: sảy thai, thai chết lưu, rau bong non, đẻ non,…
Phụ nữ mang thai ít bị cường chức năng tuyến giáp hơn, biến chứng gây ra cho thai nhi cũng không nguy hiểm như suy giáp. Các biến chứng do cường giáp khi mang thai có thể gặp gồm: sảy thai, thai nhẹ cân, sinh non, tiền sản giật,… Cần đặc biệt cẩn thận với cơn cường giáp cấp khi chuyển dạ ở phụ nữ mang thai có nguy cơ, nó có thể gây tử vong cho cả mẹ và trẻ.
Bạn hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé. Để đặt lịch khám tại phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang, tham gia các lớp học tiền sản tại phòng khám bạn có thể đặt lịch TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342 318 318 để được hướng dẫn.