Sau chuyển phôi nên ăn gì và kiêng ăn gì để dễ đậu thai
16:52 - 12/04/2023 Lượt xem: 388 Tác giả: Thu Hoàng
Dinh dưỡng đóng vai trò khá quan trọng để hỗ trợ quá trình cấy ghép của phôi vào tử cung và tạo nền tảng thật tốt cho những bước phát triển đầu tiên của thai nhi. Đôi khi, việc thay đổi chế độ ăn uống sẽ góp phần làm tăng cơ hội thụ thai. Và ăn gì, kiêng gì trong giai đoạn sau chuyển phôi trở thành mối quan tâm hàng đầu của các bà mẹ đang mong con. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn giải đáp thắc mắc này.
1. Sau chuyển phôi nên ăn gì?
Theo Hội nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM (HOSREM), trong suốt quá trình kích thích buồng trứng và sau chuyển phôi, các chuyên gia khuyên chị em phụ nữ không cần kiêng cữ bất cứ thức ăn gì, nên ăn uống bình thường, đủ chất. Riêng với những bệnh nhân có nguy cơ quá kích buồng trứng cao nên ăn tăng chất đạm (thịt, cá) có thể giúp giảm nhẹ tình trạng quá kích buồng trứng.
Nhiều chị em quan niệm ăn uống như thể mình đã mang thai sau khi tiến hành IVF, không chỉ gia tăng cơ hội làm tổ của phôi mà còn đảm bảo có được sức khỏe và thể trạng tối ưu ngay từ giai đoạn đầu của thai kỳ nếu chu kỳ IVF đó thành công.
Các nhóm thực phẩm thường dùng trong thực đơn sau chuyển phôi là:
Thực phẩm giàu protein
Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết protein có vai trò kiểm soát việc sản xuất nội tiết tố (hormone) của cơ thể. Các hormone này quyết định số lượng và chất lượng trứng ở người phụ nữ. Trứng có chất lượng tốt sẽ là nền tảng của ca IVF thành công. Vì thế, hãy đảm bảo rằng khẩu phần ăn của bạn gồm đầy đủ các loại thực phẩm giàu protein như thịt đỏ (heo, bò, dê…), thịt trắng (gà, vịt, ngan…), cá, trứng, sữa, các loại đậu, các loại hạt…
Thực phẩm giàu carbohydrate tốt
Carbohydrate lành mạnh là nguồn cung cấp năng lượng dồi dào cho phụ nữ trước và sau khi chuyển phôi. Hãy bổ sung vào thực đơn hàng ngày những món giàu carbohydrate tốt như: bánh mì nguyên cám, gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây, các loại đậu…
Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh
Có nhiều loại chất béo khác nhau: chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa, chất béo chuyển hóa. Trong đó, chất béo không bão hòa là chất béo lành mạnh. Nghiên cứu cho thấy ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo không bão hòa giúp tăng khả năng mang thai lên 3-4 lần. Cá có dầu (cá hồi, cá thu, cá ngừ…), rau quả lá xanh, cây họ đậu, dầu hạt cải, dầu ô liu… rất giàu loại chất béo này. Trong khi đó, bạn nên tránh chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa (chất béo xấu), có nhiều trong thịt mỡ, khoai tây chiên, gà rán, bánh quy, thức ăn nhanh…
Thực phẩm chống viêm
Tình trạng viêm là căn nguyên gây ra một loạt vấn đề trên cơ thể, và đặc biệt có hại cho những phụ nữ đang cố gắng mang thai. Khi cơ thể bị viêm, các tế bào sẽ chống lại và từ chối tiếp nhận tinh trùng, làm trầm trọng tình trạng mất cân bằng nội tiết tố và biến tử cung trở thành một nơi không thích nghi cho phôi thai phát triển.
Không có hợp chất kỳ diệu nào có thể cải thiện tình trạng viêm hoàn toàn. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chứng minh các chất chống oxy hóa có tác dụng rất tốt trong việc giảm viêm. Vì thế, bạn nên ăn nhiều loại thực phẩm chống viêm và tránh các thực phẩm gây viêm. Cụ thể, hãy ăn nhiều rau, trái cây, quả hạch và cố gắng ăn tươi, tránh tối thiểu việc chế biến. Thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là những thực phẩm có chất bảo quản, carbohydrate đơn hoặc dầu tinh luyện là nhóm thực phẩm cần hạn chế tối đa.
Thực phẩm bổ máu
Phôi thai đang phát triển cần được cung cấp đủ máu; tử cung và nội mạc tử cung cũng vậy. Vì thế, các thực phẩm bổ máu rất hữu ích để hỗ trợ quá trình tái tạo tự nhiên của các tế bào sau chuyển phôi. Đặc biệt, nếu bạn dễ bị thiếu máu, hoa mắt, kinh nguyệt ra ít hoặc dễ bị bầm tím, cần ưu tiên ăn nhiều thịt bò, thịt gà, rau lá màu xanh đậm như cải xoăn, cải thìa, bông cải xanh, quả mọng như mâm xôi, dâu tằm, nho…
Uống đủ nước
Dù ở giai đoạn nào của chu trình IVF, bạn cũng cần cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể (2-3 lít/ngày) để thanh lọc và giải độc. Lượng nước này đến từ nước lọc, sữa, nước trái cây nguyên chất, sinh tố rau quả… Nếu bạn bị dị ứng với sữa bò, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm giải pháp thay thế.
2. Sau chuyển phôi nên kiêng gì?
Bên cạnh các nhóm thực phẩm cần tăng cường, phụ nữ sau chuyển phôi nên tránh những thức ăn dưới đây để quá trình IVF diễn ra thuận lợi:
- Thực phẩm chế biến sẵn: Cần tránh hầu hết các loại thực phẩm được chế biến sẵn ở dạng đóng gói như: xúc xích, dăm bông, thịt xông khói, lạp xưởng…
- Thực phẩm nhiều đường: Cần theo dõi hàm lượng đường trong khẩu phần ăn hàng ngày của bạn để tránh tiêu thụ quá nhiều đường. Nếu bạn không thể hạn chế đồ ngọt hoàn toàn, hãy chọn thực phẩm chứa đường tự nhiên chứ không phải chất tạo ngọt nhân tạo.
- Thực phẩm cay nóng là một trong những nguyên nhân dẫn tới nguy cơ tuột thai sau khi chuyển phôi.
- Thực phẩm có khả năng gây sảy thai như rau răm, đu đủ sống, nước dừa tươi, măng, khổ qua…
- Hạn chế caffein: Nếu bạn muốn đạt được thành công khi chuyển phôi trong IVF, hãy giảm lượng caffein nạp vào xuống mức tối thiểu. Nguyên nhân là nó gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bạn. Khi trạng thái sức khỏe không tốt, thất bại sau chuyển phôi là điều khó tránh.
- Thức uống có cồn: Rượu bia không chỉ có hại cho sức khỏe của bạn mà còn không tốt cho phôi được chuyển vào cơ thể. Vì thế, hãy nói “không” với rượu trong giai đoạn bạn mới chuyển phôi IVF.
Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang – Cầu Giấy hay còn được gọi là phòng khám bác sĩ Vĩ với tiền thân là phòng khám 89B dốc phụ sản Hà Nội và phòng khám 36 Trung Hòa là địa chỉ khám lớn và uy tín nhất Hà Nội. Với bề dày hoạt động trên 15 năm cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi; giàu kinh nghiệm đến từ các viện sản lớn như bệnh viện Phụ sản Trung Ương; bệnh viện Phụ sản Hà Nội … sẽ theo dõi và khảo sát thai kỳ; để các thai phụ có thể yên tâm chào đón những thiên thần khỏe mạnh. Để đặt lịch khám thai, khám phụ khoa, siêu âm thai, ổ bụng, xét nghiệm máu quý khách vui lòng truy cập TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.