Sự phát triển của thai 19 tuần
09:48 - 20/02/2020 Lượt xem: 700
1. Thai 19 tuần phát triển như thế nào? Ở tuần thai thứ 19, bé yêu nặng chừng 300gr, bộ não của bé đã phát triển hàng triệu tế bào nơ-ron vận động. Em bé sẽ có khả năng thực hiện được các cử động có ý thức cũng như vô thức. Em bé có […]
1. Thai 19 tuần phát triển như thế nào?
Ở tuần thai thứ 19, bé yêu nặng chừng 300gr, bộ não của bé đã phát triển hàng triệu tế bào nơ-ron vận động. Em bé sẽ có khả năng thực hiện được các cử động có ý thức cũng như vô thức.
Em bé có thể mút ngón tay, xoay đầu, hoặc các cử động khác mà mẹ có thể cảm thấy được.
Mỗi bé có các kiểu vận động khác nhau, nhưng nếu sản phụ lo lắng hoặc nếu thấy cử động giảm tần suất hoặc cường độ thì hãy đến cơ sở y tế để khám sớm.
Da bé lúc này được bọc thêm một lớp bọc bảo vệ màu trắng như sáp gọi là bã nhờn. Bên dưới lớp bã nhờn, có lớp lông mịn gọi là lông tơ tiếp tục mọc phát triển trên da của bé.
2. Những thay đổi của mẹ
Bạn có cảm nhận được cơ thể mình đã to lớn hơn khá nhiều không? Bụng của mẹ bầu sẽ bắt đầu phát triển nhanh hơn trong những tuần tiếp theo.
Thỉnh thoảng mẹ sẽ cảm nhận vài cơn đau ở vùng bụng dưới hoặc thậm chí bị nhói bất chợt ở cả hai bên bụng – đặc biệt khi mẹ di chuyển nhiều hoặc sau một ngày làm việc căng thẳng. Có thể đây là dấu hiệu của đau dây chằng tròn- một dây chằng giữ đáy tử vào thành chậu.
Cơ thể của sản phụ lúc này đang tích cực sản xuất thêm máu.
Sản phụ đôi lúc bị xây xẩm, nôn nao, cảm giác muốn ói; có khi bị ngất nếu sản phụ đang nằm hay ngồi mà đứng lên quá nhanh.
Vào khoảng tuần 19 của thai kỳ, sản phụ có thể bị nghẹt mũi; chảy máu cam, nhức đầu, do lượng máu lưu chuyển nhiều hơn. Sản phụ cũng có thể bị sưng đau hay chảy máu lợi răng.
Ở tuần thứ 19 của thai kỳ, dung tích phổi của sản phụ cũng tăng thêm; nhịp thở sản phụ có thể nhanh hơn và mẹ có lúc thấy hụt hơi.
Bầu vú của sản phụ cũng to ra do các tuyến sữa tăng lên và lưu lượng máu tăng theo.
3. Mẹ bầu cần làm gì
Mẹ có thể nghĩ đến những chuyến đi ngắn ngày cùng Bố vào lúc này để thư giãn. Đây chính là thời điểm có thể nghĩ đến chuyện tạm nghỉ ngơi trước khi sinh, tạo sự thư giãn và đặc biệt lúc này cơ thể của Mẹ chưa quá nặng nề cho những chuyến du lịch.
Mẹ nên đi mua đồ cho bé từ tháng 4-5 của thai kỳ; vì lúc này sức khoẻ mẹ tốt hơn cả, cơ thể chưa nặng nề.
Trong tháng đầu bé lớn rất nhanh, nên mẹ mua quần áo rộng hơn tí, có thể mặc được thêm 3-6 tháng. Mẹ đừng quên mua quần áo dài tay, mũ ấm, bao tay chân, chăn, khăn và tã nhé. Tốt nhất mẹ nên lập một danh sách những vật dụng cần chuẩn bị cho bé và mẹ để dành thời gian mua sắm dần dần từng ít một cùng Bố.
Thời điểm này thai nhi có thể nghe được âm thanh từ bên ngoài. Vì vậy cha mẹ cũng nên tìm hiểu và đặt cho con một cái tên ở nhà cũng như tên chính thức để gọi con mỗi lần trò chuyện với bé.