Sự phát triển của thai nhi 34 tuần
08:06 - 10/03/2020 Lượt xem: 637
Thai nhi 34 tuần tuổi sẽ tiếp tục phát triển để đạt đến đỉnh cao của các chỉ số cơ thể. Các hệ cơ quan (tiêu hóa, hô hấp, …) đã được hoàn thiện. Đây cũng là thời điểm mà mẹ bầu sẽ đối mặt với một số biểu hiện đặc biệt trên cơ thể, […]
Thai nhi 34 tuần tuổi sẽ tiếp tục phát triển để đạt đến đỉnh cao của các chỉ số cơ thể. Các hệ cơ quan (tiêu hóa, hô hấp, …) đã được hoàn thiện. Đây cũng là thời điểm mà mẹ bầu sẽ đối mặt với một số biểu hiện đặc biệt trên cơ thể, nhất là khi bụng mẹ đã đạt kích thước khá lớn so với các tuần trước đó rồi.
1. Thai nhi 34 tuần phát triển như thế nào?
Sang tuần thai 34, em bé của bạn đã nặng khoảng 2,1 kg và cao khoảng 45cm. Lớp lông tơ mềm bảo vệ làn da của bé rất hiệu quả trong nhiều tháng trước giờ gần như biến mất. Làn da của bé cũng bớt đỏ và ít nhăn nheo hơn; bé trông bụ bẫm hơn nhờ các mô mỡ.
Bé đã quay đầu và di chuyển xuống phía xương chậu chuẩn bị thuận lợi cho quá trình sắp sinh. Tuy nhiên vẫn có trường hợp thai 34 tuần ngôi ngược; không quay đầu thì mẹ cần thăm khám nghe tư vấn của bác sĩ.
Các cơ quan nội tạng như gan, thận, tim, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết, hệ hô hấp…đều đã hoàn thiện và tiếp tục hoạt động hết công suất để đảm bảo cho trẻ có thể thích nghi được với môi trường bên ngoài bụng mẹ. Tinh hoàn đã được hình thành ở ổ bụng và đang trong giai đoạn di chuyển đến bìu. Trong khoảng 3 – 4% bé trai, quá trình di chuyển tinh hoàn đến bìu diễn ra lâu hơn.
Bé sẽ không ngừng trôi tuột đầu về vị trí xương chậu của mẹ và sẵn sàng cho tư thế thoát ra ngoài. Thai 34 tuần gò nhiều và các hoạt động chân tay của bé dần bị hạn chế do không gian trong bụng mẹ đã quá chật chội.
2. Sự thay đổi của mẹ khi mang thai nhi 34 tuần
Bụng bạn ngày một to lên. Cân nặng ngày càng tăng khiến mẹ trở nên nặng nề, khó chịu, đau lưng.
Mẹ có thể thấy bụng mình xuống thấp và nghiêng hơn về phía trước . Hiện tượng sa bụng có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng mang thai ở phần trên cơ thể, như là hụt hơi, ợ nóng. Tuy nhiên ngược lại mẹ có thể cảm thấy tăng áp lực ở vùng chậu, hông và bàng quang. Việc này có thể gây khó chịu như việc đi tiểu són hoặc tiểu thường xuyên hơn.
Hiện tượng xuống máu chân khi mang thai sẽ xuất hiện từ tuần 34 – tuần 37. Hãy ngâm chân bằng nước muối ấm, ngủ gác cao chân, ăn nhạt giảm muối và khám thai định kỳ để tầm soát tiền sản giật.
Các cơn gò tử cung có thể xuất hiện vào lúc này hoặc những tuần sau đó. Đôi khi mẹ sẽ thấy bụng dưới của mình nhói lên một chút rồi lại thôi. Đây là những biểu hiện thường gặp của các mẹ khi ngày sinh gần kề.
3. Chế độ dinh dưỡng của mẹ khi mang thai 34 tuần
Cân nặng của thai nhi phụ thuộc phần lớn vào chế độ ăn của mẹ. Nếu mẹ ăn không đủ chất, thiếu chất sẽ dẫn tới việc thai nhi chậm phát triển; chỉ số cân nặng thấp hơn mức bình thường.
Mẹ có thể căn cứ vào lần siêu âm gần nhất và so sánh với bảng cân nặng chuẩn thai nhi để biết bé yêu đã đủ cân, thừa hay thiếu cân để điều chỉnh chế độ ăn phù hợp.
Hãy chọn những món giàu đạm, chất xơ, canxi, sắt, vitamin B và C… Ăn nhạt, không ăn các thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp.
Đừng quên rau củ quả và những loại thức ăn giàu chất xơ trong các bữa ăn hàng ngày bạn nhé. Chế độ ăn này sẽ giúp bạn hạn chế được tối đa các triệu chứng khó chịu do ợ nóng; táo bón, hạ huyết áp, giãn tĩnh mạch gây ra suốt giai đoạn này. Bạn nên bổ sung thêm sữa chua, nước hoa quả ít đường để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Mẹ nhồi nhét một lượng thức ăn quá mức sẽ khiến các chất dinh dưỡng không vào con nữa mà chỉ dồn vào mẹ. Điều này khiến mẹ dễ bị tăng cân; gây béo phì kéo theo rất nhiều bệnh khác như tiểu đường thai kỳ, bệnh tim… Mẹ cần phải xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, cân đối và đa dạng. Đảm bảo 4 nhóm chất chính gồm: bột đường 37%, đạm 25%; chất béo 10%, vitamin và khoáng chất 28%. Thay đổi thường xuyên các món ăn để kích thích vị giác và không gây dư thừa chất dinh dưỡng.
4. Bố mẹ nên làm gì khi thai nhi 34 tuần tuổi.
Siêu âm, khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ
Bố mẹ nên cùng nhau luyện tập một số bài thể dục nhẹ nhàng hoặc đến các lớp học tiền sản để chia sẻ những kiến thức sinh đẻ hoặc nuôi dưỡng con nhỏ.
Tình trạng táo bón khi mang thai có thể sẽ khiến mẹ bị trĩ sau sinh. Vì vậy mẹ cần uống thật nhiều nước và bổ sung nhiều rau xanh cho cơ thể để hạn chế trường hợp này xảy ra.
Hãy nói chuyện thường xuyên với con để con quen với giọng của mình; hoặc lưu lại những hình ảnh của con khi con đang trong bụng mẹ.
Mẹ nên đi bộ nhanh, lớp yoga; bơi hoặc chạy bộ sẽ làm tăng lưu lượng máu và tăng cường endorphin. Hoạt động thể chất cũng giúp phụ nữ mang thai ngủ ngon hơn. Điều này cũng sẽ giúp chống lại sự mệt mỏi vào ban ngày.
Trên đây là sự hình thành phát triển của thai nhi 34 tuần tuổi và những thay đổi của mẹ cùng với những lời khuyên dành cho mẹ trong giai đoạn này. Nếu có thắc mắc hay có bất kì câu hỏi nào các mẹ có thể liên hệ qua Zalo: 0342318318, Facebook: https://www.facebook.com/san43nguyenkhang.vn hoặc đặt lịch qua website: DK.SAN43NGUYENKHANG.VN để được tư vấn. Chúc các mẹ luôn vui vẻ và hãy đồng hành cùng chúng tôi về sự phát triển của thai nhi ở những tuần tiếp theo nhé!