Sự phát triển của thai nhi qua từng tháng
08:19 - 21/11/2020 Lượt xem: 360
Chắc hẳn nhiều bà bầu sẽ rất tò mò về quá trình phát triển của thai nhi, nhất là những người mới mang thai lần đầu. Trong suốt thai kỳ, em bé sẽ phát triển trong bụng mẹ khoảng 9 tháng 10 ngày và sau đó mới ra đời. Để tìm hiểu thêm những thông […]
Chắc hẳn nhiều bà bầu sẽ rất tò mò về quá trình phát triển của thai nhi, nhất là những người mới mang thai lần đầu. Trong suốt thai kỳ, em bé sẽ phát triển trong bụng mẹ khoảng 9 tháng 10 ngày và sau đó mới ra đời. Để tìm hiểu thêm những thông tin thú vị về sự phát triển của bé trong giai đoạn này, cha mẹ hãy tham khảo bài viết sau nhé.
1. Tháng 1
Khuôn mặt ban đầu của phôi thai sẽ có hình dạng với vòng tròn mắt lớn. Miệng, hàm dưới, cổ họng đang hình thành; cùng với đó là các tế bào máu, hệ thống tuần hoàn. Đến cuối tháng đầu tiên, em bé nhỏ bằng khoảng hạt vừng.
2. Tháng 2
Các đặc điểm trên khuôn mặt bé tiếp tục phát triển. Thai nhi ở tháng thứ 2 có cái đầu lớn bằng ngang với phần còn lại của cơ thể em bé. Vào tuần thứ 6, nhịp tim của bé thường được phát hiện bởi bác sĩ chuyên khoa.
Vào cuối tháng thứ 2, em bé dài khoảng 1,6cm và nặng 1g, có kích thước bằng một hạt đậu nhỏ. Sau tuần thứ 8, em bé của mẹ chính thức được gọi là bào thai hoặc thai nhi.
3. Tháng 3
Ở tháng thứ 3 thai kỳ, tay, bàn tay, ngón tay, bàn chân và ngón chân của em bé đã được hình thành đầy đủ, thậm chí bé có thể di chuyển tay. Móng tay và móng chân đang bắt đầu phát triển, phần tai ngoài cũng được hình thành.
Vào cuối tháng thứ 3, thai nhi đã được hình thành hoàn thiện; bé nặng khoảng 25g và dài từ đầu đến mông khoảng 8,7cm.
Vì hầu hết những sự phát triển quan trọng nhất đã hoàn thiện nên kể từ sau 3 tháng đầu, nguy cơ sảy thai sẽ giảm đáng kể.
4. Tháng 4
Nhịp tim của bé có thể nghe được qua dụng cụ Doppler. Các ngón tay và ngón chân của bé đã được xác định rõ. Mí mắt, lông mày, lông mi, móng tay và tóc đã được hình thành. Chồi răng và xương trở nên cứng hơn. Em bé tháng thứ 4 thậm chí có thể mút ngón tay cái, ngáp hay nhăn mặt.
Hệ thần kinh của thai nhi cũng đang bắt đầu hoạt động. Các cơ quan sinh dục đã phát triển đầy đủ và có thể nhìn thấy qua màn hình siêu âm đó là một bé trai hay một bé gái.
Vào cuối tháng thứ 4, thai nhi dài khoảng 14,2cm và nặng từ 180-200g.
5. Tháng 5
Mẹ có thể đã cảm nhận được những chuyển động của bé vì thai nhi đang phát triển cơ bắp rất mạnh mẽ.
Tóc của bé cũng bắt đầu mọc còn trên vai, lưng; của bé được bao phủ bởi một lớp lông mềm gọi là lông tơ. Lớp lông này sẽ có nhiệm vụ bảo vệ bé trong thời gian nằm trong bụng mẹ và sẽ rụng dần trong tuần đầu sau khi chào đời.
Đến cuối tháng thứ 5 thai kỳ, em bé dài khoảng 25cm tính từ đầu đến gót chân và nặng khoảng 300g.
6. Tháng 6
Da của thai nhi tháng thứ 6 có màu đỏ, nhăn và lớp tĩnh mạch có thể nhìn được qua lớp da mỏng. Mí mắt cũng đã xuất hiện và đôi mắt đã có thể đóng mở.
Bé phản ứng với âm thanh bằng cách chuyển động hoặc đá, đạp trong bụng mẹ. Ngoài ra, mẹ có thể cảm nhận được những chuyển động giật giật đều nhau là khi bé đang nấc cụt.
Nếu sinh non, em bé có thể sống sót sau tuần 23 thai kỳ với sự chăm sóc đặc biệt.
Vào cuối tháng thứ 6, em bé dài khoảng 35cm và nặng khoảng 660g.
7. Tháng 7
Em bé của mẹ sẽ tiếp tục tăng trưởng và tích trữ lớp mỡ dưới da. Vào thời gian này, em bé cũng sẽ chuyển động mạnh mẽ hơn và phản ứng rõ rệt với âm thanh, ánh sáng từ bên ngoài. Nước ối giai đoạn này sẽ bắt đầu giảm bớt.
Vào cuối tháng thứ 7, thai nhi dài khoảng 41cm và nặng khoảng 1,5kg. Nếu sinh non, em bé có khả năng sống sót cao từ cuối tháng thứ 7.
8. Tháng 8
Thai nhi tiếp tục phát triển lượng mỡ trên cơ thể. Thai nhi vẫn đang tiếp tục chuyển động nhiều hơn và bộ não của bé đang phát triển nhanh chóng, bé đã có thể nhìn và nghe được. Hầu hết các cơ quan trong cơ thể bé đã phát triển hoàn thiện nhưng phổi thì có thể chưa trưởng thành.
Em bé ở cuối tháng thứ 8 dài khoảng 46cm và nặng khoảng 2,3kg.
9. Tháng 9
Thai nhi tháng thứ 9 vẫn tiếp tục phát triển và phổi gần như đã trưởng thành hoàn toàn. Bé đã có những phản xạ rõ rệt như chớp mắt, nhắm mắt lại, xoay đầu; nắm tay khi tiếp xúc với âm thanh, ánh sáng hoặc bị đau…
Người mẹ có thể nhận thấy em bé ít chuyển động hơn do không gian trong tử cung đã khá chật hẹp. Vị trí em bé đã nằm ở vị trí ngôi thuận: đầu quay xuống dưới, mặt úp vào trong bụng mẹ để dễ dàng chào đời.
Em bé ở cuối tháng thứ 9 có cần nặng từ 2,8-3,5kg và có thể chào đời bất cứ lúc nào.
Bố mẹ hãy theo dõi thai kỳ sát sao để nắm bắt được tình hình cụ thể của bé từ đó chuẩn bị tốt nhất cho quá trình bé chào đời.