Tại sao cần sàng lọc bệnh lý tuyến giáp trong thai kỳ?

11:40 - 12/10/2022 Lượt xem: 194 Tác giả: Thu Hoàng

Cứ 8 phụ nữ sẽ có 1 người bị mắc bệnh tuyến giáp, đặc biệt phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị mắc bệnh tuyến giáp hơn bình thường do ảnh hưởng của việc thay đổi nội tiết tố. Trong thai kỳ, thai phụ có thể có các rối loạn chức năng tuyến giáp như cường giáp hoặc suy giáp.

1. Vai trò của tuyến giáp trong thai kỳ

Hormone tuyến giáp có trách nhiệm chính trong việc kiểm soát tốc độ trao đổi chất của cơ thể. Vì vậy, hormone tuyến giáp ảnh hưởng đến hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể, thậm chí là nhịp đập của tim.

Hormone tuyến giáp có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển bình thường của não nói riêng và hệ thần kinh nói chung của thai nhi. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào hormone tuyến giáp của mẹ để phát triển. Ở tuần thứ 12 tuyến giáp của bé bắt đầu tự hoạt động nhưng không tạo ra đủ lượng hormone và vẫn cần hormone tuyến giáp của mẹ cho tới tuần thứ 18 – 20 của thai kỳ. Như vậy, hormone tuyến giáp của mẹ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi từ 3 đến 5 tháng đầu.

2. Vì sao cần sàng lọc bệnh lý tuyến giáp trong thai kỳ

Trong 10-12 tuần đầu của thai kỳ, thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào chức năng tuyến giáp của người mẹ. Cũng trong giai đoạn này, bắt đầu sự hình thành và phân chia các cơ quan trong cơ thể trẻ diễn ra. Chính vì vậy, các bệnh lý tuyến giáp trong thai kỳ có ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi và có thể gây ra biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con.

3. Đối tượng nào cần tầm soát chức năng giáp trong thai kỳ ?

Những sản phụ cần thực hiện tầm soát chức năng tuyến giáp trong thai kỳ khi có các yếu tố nguy cơ sau:

Thai phụ có bệnh lý giáp từ trước: basedow, suy giáp, cường giáp, bướu cổ đơn thuần, bướu nhân tuyến giáp…

  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp
  • Thai phụ đã bị bệnh tuyến giáp ở những lần thai trước
  • Thai phụ có tiền sản sản khoa không tốt như sảy thai, lưu thai, sinh non, sinh con dị tật bẩm sinh…
  • Phụ nữ mắc tiểu đường type 1
  • Phụ nữ mắc các bệnh tự nhiễm như lupus, viêm khớp dạng thấp…
  • Phụ nữ đang điều trị suy giáp
  • Phụ nữ có tiền sử đã phẫu thuật cắt tuyến giáp, điều trị phóng xạ cùng cổ, đầu…

4. Làm cách nào để phát hiện bệnh tuyến giáp trong thời gian mang thai?

Những người nghi ngờ bị bệnh hoặc có nguy cơ cao bị bệnh tuyến giáp cần đi khám tại các khoa nội tiết ngay khi biết mình có thai, bao gồm: Khám lâm sàng kiểm tra xem có bướu cổ không; Làm xét nghiệm máu các hormon FT4 và TSH; Những trường hợp nghi ngờ sẽ được cho làm thêm siêu âm tuyến giáp và một số xét nghiệm máu đặc biệt.

Những thai phụ được chẩn đoán rõ có bệnh tuyến giáp sẽ được điều trị ngay để đưa nồng độ hormon giáp về bình thường càng nhanh càng tốt. Những trường hợp nghi ngờ sẽ được kiểm tra lại sau vài tuần để xác định chắc chắn. Một điều may mắn là các thuốc điều trị bệnh tuyến giáp (cả cường và suy giáp) đều không đắt, dùng đường uống được và an toàn cho thai nhi.

Rối loạn chức năng tuyến giáp trong thời kỳ mang thai rất nguy hiểm với cả sức khỏe của mẹ và sự phát triển của trẻ. Sàng lọc phát hiện sớm rối loạn tuyến giáp và điều trị kịp thời rất quan trọng với phụ nữ mang thai, nhất là các đối tượng nguy cơ cao.

Bạn hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé. Để đặt lịch khám tại phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang, tham gia các lớp học tiền sản tại phòng khám bạn có thể đặt lịch TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342 318 318 để được hướng dẫn.