Tăng huyết áp trong thai kỳ
10:29 - 30/03/2022 Lượt xem: 2474 Tác giả: Lê Huyền Trang
Tăng huyết áp trong thai kỳ là gì?
Được gọi là tăng huyết áp thai kỳ khi tăng huyết áp xuất hiện sau tuần thai thứ 20, xét nghiệm nước tiểu không có protein và huyết áp trở lại bình thường sau khi sinh. Tăng huyết áp khi mang thai ảnh hưởng đến khoảng 5-10% phụ nữ mang thai. Bệnh nếu không được phát hiện sớm, kiểm soát hoặc điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm cho cả thai nhi và mẹ.
Phụ nữ mang thai được chẩn đoán có tăng huyết khi huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90mmHg.
Phân loại rối loạn tăng huyết áp trong thai kỳ.
Tăng huyết áp mạn tính (pre-existing hypertension): xuất hiện trước thai kỳ hoặc tuần 20 của thai kỳ. Tình trạng này thường kéo dài hơn 42 ngày sau sanh và có thể liên quan với tiểu đạm.
Tăng huyết áp thai kỳ (Gestational hypertension): xuất hiện sau tuần 20 của thai kỳ và thường hồi phục trong vòng 42 ngày sau sanh.
Tiền sản giật (Pre-eclampsia): tăng huyết áp do thai với tiểu đạm ý nghĩa (> 0,3 g/24 giờ hoặc tỉ số albumin:creatinin niệu (ACR) ≥ 30 mg/mmol). Thể lâm sàng này xuất hiện thường xuyên hơn trong lần mang thai đầu tiên, đa thai, thai trứng, hội chứng kháng phospholipid hoặc tăng huyết áp mạn tính, bệnh thận hoặc đái tháo đường. Tiền sản giật thường liên quan với chậm phát triển thai do suy nhau và là nguyên nhân thường gặp của sinh non. Vì tiểu đạm có thể là biểu hiện muộn nên bác sĩ cần nghi ngờ tiền sản giật khi tăng huyết áp mới mắc đi kèm với đau đầu, rối loạn thị giác, đau bụng hoặc bất thường xét nghiệm đặc biệt là tiểu cầu thấp và/hoặc bất thường chức năng gan.
Tăng huyết áp mạn tính cộng với tăng huyết áp thai kỳ kèm tiểu đạm
Tăng huyết áp không phân loại được trước sinh (Antenatally unclassifiable hypertension): thuật ngữ này được sử dụng khi huyết áp được đo lần đầu sau tuần 20 của thai kỳ và tăng huyết áp được chẩn đoán xác định; bệnh nhân cần được đánh giá lại sau 42 ngày hậu sản.
Yếu tố nguy cơ của tiền sản giật
- Thừa cân hoặc béo phì: Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Sức khỏe, Dân số và Dinh dưỡng , béo phì trước khi mang thai, tăng cân quá mức khi mang thai và tăng năng lượng là những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây ra tăng huyết áp thai kỳ.
- Lối sống ít vận động: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những phụ nữ hoạt động thể chất nhiều hơn trong thai kỳ có xu hướng giảm nguy cơ tiền sản giật, trong khi những phụ nữ có mức độ hoạt động ít vận động có nguy cơ cao hơn.
- Huyết áp cao trước khi thụ thai: Phụ nữ bị tăng huyết áp trước khi mang thai tiếp tục gặp phải tình trạng này trong thai kỳ này. Hơn nữa, khi một phụ nữ bị tăng huyết áp từ trước hoặc xảy ra tăng huyết áp trước tuần thứ 20 của thai kỳ, nó được gọi là tăng huyết áp mãn tính.
- Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Thực nghiệm và Điều trị cho biết, mang thai kỹ thuật hỗ trợ như IVF– Sử dụng các công nghệ hỗ trợ, chẳng hạn như thụ tinh trong ống nghiệm, trong quá trình thụ thai cũng làm tăng nguy cơ huyết áp cao ở phụ nữ mang thai .
Các yếu tố khác:
- Mang thai lần đầu
- Mang đa thai.
- Thụ tinh ống nghiệm (IVF)
- Tuổi mẹ >35
- Có tiền sản giật ở thai kỳ trước.
- Có bệnh lý: tăng huyết áp mạn, bệnh thận, đái tháo đường, bệnh tự miễn như Lupus, hội chứng kháng Phospholipid.
- Béo phì, BMI>30.
- Tiền sử gia đình có mẹ hoặc chị em gái bị tiền sản giật.
Nhận biết triệu chứng huyết áp cao khi mang thai
Tùy theo cơ địa từng thai phụ mà bệnh có thể có những triệu chứng khác nhau, tuy nhiên có những trường hợp thai phụ không có bất cứ dấu hiệu nào. Thông thường các dấu hiệu cao huyết áp ở phụ nữ mang thai xuất hiện trong giai đoạn nửa sau của thai kỳ gồm:
- Sưng phù chân, tay;
- Tăng cân đột ngột;
- Rối loạn thị lực (nhìn mờ, nhìn đôi, mất thị lực thoáng qua,…);
- Buồn nôn, nôn mửa;
- Đau đầu dữ dội, đau vùng thượng vị, đau ngực sau xương ức và khó thở.
Cao huyết áp khi mang thai có nguy hiểm không?
Ảnh hưởng tới mẹ bầu
Những người phụ nữ bị cao huyết áp khi mang thai có thể có nguy cơ cao gặp phải một số vấn đề như:
- Tiền sản giật: Có khoảng một phần tư phụ nữ bị tăng huyết áp thai kỳ tiếp tục tiến triển nhanh thành tiền sản giật trong quá trình mang thai, chuyển dạ hoặc ngay sau khi sinh. Tiền sản giật thường xảy ra ở nửa sau của thai kỳ nên nguy cơ này sẽ tăng gấp đôi nếu thai phụ bị tăng huyết áp thai kỳ trước tuần thứ 30. Tiền sản giật là một bệnh lý nguy hiểm vì có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thai trong tử cung người mẹ. Bệnh còn ảnh hưởng đến gan, thận, máu, tim, mắt và hệ thần kinh của người mẹ.
- Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của thai phụ sau sinh, khả năng hồi phục sau sinh chậm.
- Tăng nguy cơ cao huyết áp cho lần mang thai sau: Những người bị tăng huyết áp ở lần mang thai đầu có nguy cơ cao bị tăng huyết áp ở lần mang thai sau. Họ còn có nguy cơ bị tăng huyết áp và đột qụy cao sau này.
- Có nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan như tim mạch, thận…
- Hội chứng HELLP – HELLP là viết tắt của tan máu, men gan cao và số lượng tiểu cầu thấp. Tình trạng hiếm gặp này đi kèm với các triệu chứng khác, bao gồm buồn nôn, nôn, đau đầu và đau bụng trên. Trong trường hợp có bất kỳ triệu chứng, cần phải có sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
Ảnh hưởng tới thai nhi
Thai phụ bị cao huyết áp, em bé có nguy cơ gặp phải một số biến chứng như:
- Chậm phát triển hoặc chết lưu. Thai nhi không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng từ mẹ khiến bé chậm phát triển, không đạt cân nặng trung bình theo tiêu chuẩn, trường hợp xấu nhất sẽ dẫn đến hiện tượng thai lưu khi còn trong bụng mẹ.
- Sinh non: Mặc dù đã được điều trị nhưng một số trường hợp thai phụ bị huyết áp cao hoặc sản giật có thể cần sinh sớm hơn để tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mẹ và bé. Những em bé sinh non, không đủ sức khỏe có nguy cơ tử vong cao.
Ngăn ngừa huyết áp cao khi mang thai
Mặc dù một số nguyên nhân gây ra huyết áp cao như tiền sử gia đình hoặc các vấn đề liên quan đến tuổi tác không thể kiểm soát được, nhưng có một số bước có thể được thực hiện để giảm nguy cơ phát triển huyết áp cao khi mang thai.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Tập thể dục: Hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ và yoga để giữ cho bản thân hoạt động thể chất và giảm nguy cơ tăng huyết áp khi mang thai.
- Thăm khám trước khi sinh thường xuyên là rất quan trọng để kiểm tra thai đang phát triển.
- Không sử dụng thuốc lá và rượu.
- Tránh muối dư thừa: Muối dư thừa có thể dẫn đến tăng huyết áp, do đó, hạn chế lượng muối bạn tiêu thụ.
- Giảm căng thẳng: Tránh bị căng thẳng và lo lắng khi mang thai vì những điều này sẽ dẫn đến tăng huyết áp.