Táo bón khi mang thai và thuốc điều trị

16:33 - 26/04/2024 Lượt xem: 17 Tác giả: Thanh Nga

Táo bón là nỗi phiền toái của rất nhiều người, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Rất nhiều sản phụ mắc vấn đề táo bón trong thai kỳ nhưng đa số chưa biết cách làm sao điều trị và giảm tình trạng táo bón. Biết được những lo lắng đó, phòng khám 43 Nguyễn Khang đưa ra một vài thông tin cơ bản cho mẹ về tình trạng táo bón khi mang thai và thuốc điều trị trong bài viết dưới đây.

Nguyên nhân dễ gây táo bón khi mang thai?

Phụ nữ mang thai thường mắc chứng táo bón do nhiều nguyên nhân như:

  • Thay đổi nồng độ hormon trong cơ thể: tăng nồng độ progesterone làm giãn cơ trơn tại ruột, làm chậm quá trình di chuyển thức ăn qua đường ruột dẫn đến táo bón.
  • Tử cung phát triển chèn ép một số dây thần kinh, tĩnh mạch vùng chậu và tĩnh mạch dưới. Thai nhi chiếm chỗ trong ổ bụng, chèn ép thu hẹp không gian của đường tiêu hóa, cũng làm thức ăn di chuyển chậm hơn.
  • Bổ sung thừa sắt: việc sử dụng thực phẩm bổ sung sắt chưa đúng cách cũng có thể làm tăng khả năng tạo ra phân nặng và khô, góp phần gây ra tình trạng táo bón.
  • Thiếu chất xơ và nước: chất xơ thiếu làm giảm tính đàn hồi của ruột và gây ra táo bón. Thiếu nước, cơ thể sẽ hấp thu lại nước từ phân, làm cho phân khô và khó đi qua ruột.
  • Chế độ ăn uống thay đổi, ít vận động cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng ruột
  • Ngoài ra, thói quen nhịn đi vệ sinh gây rối loạn tiêu hoá hay việc ăn uống quá nhiều, cơ thể không hấp thu và tiêu hoá kịp cũng dẫn đến táo bón.

táo bón

Táo bón qua các giai đoạn thai kỳ

Giai đoạn 3 tháng đầu

Ở giai đoạn đầu mang thai, đây là thời kì cơ thể người mẹ tiết ra nhiều hormone, nhất là progesterone cùng với việc ít vận động, chế độ dinh dưỡng không khoa học dễ gây táo bón. Táo bón trong giai đoạn này có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề như bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn, sa trực tràng, gây ra cơn đau bụng, đại tiện có thể đi kèm với máu và cảm giác đau rát ở hậu môn.

Giai đoạn 3 tháng giữa và cuối

Trong 3 tháng giữa, việc bổ sung quá nhiều canxi và sắt cho sự phát triển xương của thai nhi cũng có thể gây táo bón. Nồng độ hormone progesterone tăng cao, thêm vào đó, đây là giai đoạn thai nhi phát triển mạnh mẽ, kích thước của thai nhi lớn dẫn đến áp lực lên ruột, vận động khó khăn hơn, do đó mẹ bầu dễ bị táo bón. Nếu điều trị táo bón không đúng cách có thể gây ra các hậu quả:

  • Mẹ bầu đại tiện khó khăn, nếu cố dùng sức rặn ra ngoài có thể dẫn đến nguy cơ sảy thai hoặc sinh non.
  • Phân bị tích tụ trong ruột lâu sẽ khiến các chất độc như phenol, indol, amoniac...bị hấp thụ ngược lại vào máu có thể gây nhiễm độc mạn, ảnh hưởng đến thai nhi.
  • Táo bón gây nên tâm lý mệt mỏi, lo lắng, dễ cáu gắt
  • Thiếu hụt chất dinh dưỡng: táo bón khiến bà bầu có cảm giác đầy bụng, buồn nôn và khó chịu do các chất thải và chất khí không được tống ra ngoài dẫn đến tâm lí chán ăn, ăn không ngon, gây thiếu hụt dưỡng chất cho mẹ và suy dinh dưỡng cho thai nhi
  • Táo bón cũng chính là nguyên nhân dễ gây bệnh trĩ, viêm đại tràng,…

táo bón

Hạn chế táo bón bằng một số phương pháp đơn giản

  • Chế độ ăn nhiều chất xơ: nên ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ và dễ tiêu hóa như trái cây, rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, giúp tăng khối lượng phân và tạo điều kiện thuận lợi để chúng di chuyển qua ruột.
  • Uống đủ nước giúp phân dễ đi qua ruột.
  • Bổ sung probiotics giúp cân bằng vi khuẩn trong đường ruột hỗ trợ tiêu hoá và hấp thu chất dinh dưỡng

táo bón

  • Tập thể dục, vận động nhẹ nhàng: mẹ nên đi bộ, tập yoga để kích thích ruột tốt hơn thay vì ngồi một chỗ quá lâu.
  • Bổ sung sắt đúng cách, chọn dạng bào chế dễ hấp thu.
  • Thay đổi tư thế ngồi khi đi ngoài: hãy thử nghiêng người về phía trước, chống khuỷu tay lên đầu gối
  • Giữ tinh thần thoải mái giúp làm giảm triệu chứng táo bón.
  • Tập thói quen đi vệ sinh đúng giờ để không bị rối loạn tiêu hóa

Thuốc trị táo bón cho phụ nữ mang thai

Nếu các biện pháp trên chữa táo bón ở phụ nữ mang thai không hiệu quả, bác sĩ có thể kê một số thuốc nhuận tràng:    

  1. Thuốc nhuận tràng cơ học

Cơ chế tương tự như chất bổ sung chất xơ trong chế độ ăn uống. Thuốc giúp giữ lại nước trong phân, do đó phân sẽ trở nên mềm hơn và giúp đại tiện dễ dàng hơn. Thuốc khởi phát tác dụng trong khoảng 12–24h và không có khả năng gây ra bất kỳ tác hại nào cho thai nhi vì chúng không đi vào máu. Tuy nhiên, chúng có thể gây ra các tác dụng phụ khó chịu như đầy hơi, chướng bụng và chuột rút.

Các thuốc nhuận tràng tạo khối có thể sử dụng cho bà bầu như: Methylcellulose (Citrucel), Psyllium (Colon Care, Metamucil)), Canxi polycarbophil (Fibercon)

táo bón

  1. Thuốc nhuận tràng thẩm thấu

Loại thuốc này có chức năng rút dịch từ các mô xung quanh vào đường tiêu hóa dẫn đến tăng lượng nước trong phân và thúc đẩy nhu động ruột. Lượng nước tăng lên trong ruột sẽ làm mềm phân, giúp đại tiện dễ dàng hơn. Thuốc thường mất khoảng 30 phút đến 6 giờ mới có hiệu quả. Một số thuốc nhuận tràng thẩm thấu như: Lactulose (Duphalac), Sorbitol (Sorbitol Delalande 5g), Macrogol (Forlax)

táo bón

táo bón

  1. Thuốc làm mềm phân

Cơ chế như một chất làm giảm sức căng bề mặt của khối phân, giúp nước và chất béo dễ thấm vào, làm cho phân trở nên mềm hơn và dễ dàng đào thải ra ngoài. Thuốc này thường có hiệu quả trong 12–72h. Thuốc thường sử dụng trong nhóm này là Docusate.

  1. Thuốc nhuận tràng kích thích

Cơ chế kích thích niêm mạc thành ruột để tăng nhu động ruột, giúp phân di chuyển trong ruột một cách thuận tiên hơn. Thời gian khởi phát tác dụng khá nhanh, trong vòng 6–12 giờ. Thuốc không gây rủi ro cho thai nhi vì lượng hấp thu vào máu rất ít. Thuốc được sử dụng phổ biến là Bisacodyl ( Ducolax, Bisacodyl DHG), Picosulfate 

  1. Nhuận tràng làm trơn

Dầu parafin là chất có độ nhớt cao, tác động chủ yếu ở ruột già, làm cho phân trong ruột trơn hơn. Thời gian khởi đầu tác dụng: 1-3 ngày.
Hạn chế sử dụng cho phụ nữ có thai do:
-  Dầu parafin ảnh hưởng tới sự hấp thu các thuốc tan trong dầu và các vitamin tan trong dầu.
-  Không nên uống dầu parafin trước khi đi ngủ hoặc ở tư thế nằm (do nếu qua đường hô hấp sẽ gây ra bệnh viêm phế quản không điển hình)

Lưu ý: Chỉ nên sử dụng thuốc nhuận tràng khi đã cố gắng thay đổi chế độ ăn, lối sống nhưng vẫn không có hiệu quả. Cần phải uống nhiều nước để tăng hiệu quả điều trị của thuốc đồng thời tránh bị táo bón dội ngược.

 Đối với phụ nữ mang thai, nhóm thuốc được ưu tiên sử dụng bao gồm nhuận nhuận tràng cơ học và nhuận tràng thẩm thấu. Nên hạn chế việc sử dụng thuốc nhuận tràng làm mềm phân và nhuận tràng làm trơn. Không sử dụng nhuận tràng kích thích (dầu thầu dầu) vì chúng có thể tăng co bóp tử cung và gây ra một số tác dụng phụ cho mẹ bầu. Nhóm thuốc nhuận tràng kích thích cũng không được khuyến nghị cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kì loại thuốc trị táo bón nào cho phụ nữ cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo sức khoẻ cho cả mẹ và bé.

 

Hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé.

Để đặt lịch tới phòng khám 43 Nguyễn Khang quý khách có thể truy cập TẠI ĐÂY hoặc liên hệ zalo: 0342318318 để được hướng dẫn.

TAGS: táo bón,