Thiếu máu do thiếu sắt
06:27 - 04/04/2020 Lượt xem: 301
Thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng xảy ra khi hồng cầu bị giảm cả về số lượng và chất lượng do thiếu sắt hay nói cách khác là cơ thể bị thiếu máu vì không tổng hợp đủ hemoglobin do thiếu sắt. 1. Thiếu máu do thiếu sắt là gì? Thiếu máu dinh dưỡng là […]
Thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng xảy ra khi hồng cầu bị giảm cả về số lượng và chất lượng do thiếu sắt hay nói cách khác là cơ thể bị thiếu máu vì không tổng hợp đủ hemoglobin do thiếu sắt.
1. Thiếu máu do thiếu sắt là gì?
Thiếu máu dinh dưỡng là thiếu máu do thiếu một hay nhiều yếu tố dinh dưỡng.
Nhiều yếu tố dinh dưỡng là những yếu tố tạo máu, tham gia vào sự hình thành và trưởng thành hồng cầu, tổng hợp hemoglobin như sắt, đồng, acid folic…
Thiếu sắt là một nguyên nhân phổ biến gây thiếu máu, hay gặp ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.
2. Nguyên nhân thiếu máu do thiếu sắt
Thiếu máu thiếu sắt xảy ra do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên được phân loại theo 3 nhóm chính:
– Không cung cấp đủ nhu cầu về sắt:
- Nhu cầu về sắt tăng lên đối với trẻ em tuổi dậy thì, phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt, phụ nữ có thai, cho con bú…
- Cơ thể bị giảm hấp thu sắt do mắc một số bệnh lý như Viêm dạ dày, viêm ruột; cắt đoạn dạ dày, ruột,…
- Sử dụng một số thực phẩm làm giảm hấp thu sắt như trà, cà phê, nước uống có ga,…
- Chế độ ăn thiếu sắt: Chế độ ăn uống không cân đối, ăn kiêng, người nghiện rượu, người già,…
– Rối loạn chuyển hóa sắt bẩm sinh
Xảy ra khi cơ thể không tổng hợp được transferrin vận chuyển sắt. Bệnh này rất nguy hiểm, nó dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng cho gan, tim, xương khớp như suy tim, đau xương khớp, tiểu đường,…
– Mất máu do thiếu máu mạn
Mất máu trong các trường hợp cơ thể bị loét dạ dày, túi thừa meckel, polyp, u mạch máu, bệnh lý viêm đường ruột, viêm chảy máu đường tiết niệu; mất máu nhiều qua kinh nguyệt; sau phẫu thuật, sau chấn thương, U xơ tử cung,…
3. Triệu chứng bệnh thiếu máu do thiếu sắt
Thiếu máu thiếu sắt xảy ra tiềm tàng, bệnh nhân có thể không biết tình trạng này cho đến khi các triệu chứng nghiêm trọng.
Trong một số trường hợp, thiếu chất sắt có thể được cải thiện mà không cần can thiệp do những thay đổi sinh lý tạm thời chẳng hạn như sau khi phụ nữ sinh con. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ triệu chứng thiếu máu thiếu sắt, tốt nhất nên nói chuyện với bác sĩ. Các triệu chứng của thiếu sắt bao gồm:
- Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt
- Móng tay dễ gãy
- Đau ngực, đau đầu
- Khó thở
- Tay chân lạnh
- Đau hoặc viêm lưỡi
- Kém ăn, đặc biệt là ở trẻ em
- Chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu
- Tim đập nhanh: đây cũng là một triệu chứng do thiếu sắt gây ra nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy tim.
4. Các biện pháp chẩn đoán bệnh Thiếu máu do thiếu sắt
– Chẩn đoán dựa vào các biểu hiện lâm sàng
- Xuất hiện từ từ và phụ thuộc vào mức độ thiếu sắt
- Dấu hiệu thiếu máu: Xanh xao, da niêm nhợt, tim đập nhanh, tiếng thổi cơ năng của thiếu máu.
- Dấu hiệu thiếu oxy não: Lừ đừ, kém hoạt động, mệt mỏi, trẻ em thì có biểu hiện quấy khóc, biếng ăn.
- Dấu hiệu thiếu dinh dưỡng: đứng cân hay sụt cân, lưỡi láng, môi khô, móng biến dạng.
- Dấu hiệu bệnh nền gây thiếu máu: đau bụng, xem tính chất phân.
– Chẩn đoán dựa vào kết quả Cận lâm sàng
- Huyết đồ: giảm MCV, Giảm MCH, tăng RDW theo tuổi.
- Sinh hóa: Giảm Ferritine (Ferritin < 30ng/mL) và/ hoặc độ bão hòa transferrin < 30%.
- Phân: Tìm máu ẩn trong phân, giun móc (Trẻ trên 2 tuổi).
– Chẩn đoán phân biệt:
- Thiếu máu do viêm hay nhiễm trùng mạn tính: sắt và transferrin giảm mạn tính, ferritin tăng hay bình thường.
- Bệnh thalassemia và bệnh lý hemoglobin: điện di hemoglobin.
- Ngộ độc chì.
5. Phòng ngừa bệnh Thiếu máu do thiếu sắt
– Đa dạng dinh dưỡng trong các bữa ăn hàng ngày
- Tăng cường chế độ ăn giàu chất đạm và chất sắt, tránh các thức ăn làm giảm hấp thu sắt như sữa, ngũ cốc, trà, cà phê, trứng.
– Phòng chống nhiễm khuẩn
- Các bệnh nhiễm ký sinh trùng, sốt rét, nhiễm trùng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh lý thiếu máu do thiếu sắt trong đó có nhiễm ký sinh trùng đường ruột gây tác hại lớn nhất cho cơ thể. Do đó việc phòng các bệnh trên là rất cần thiết.
- Tẩy giun định kỳ hàng năm bằng Mebendazol và Albendazol, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em trên 2 tuổi.
- Thường xuyên vệ sinh môi trường, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh,…
– Bổ sung viên sắt cho các đối tượng nguy cơ thiếu máu cao
Theo khuyến cáo WHO năm 2011 :
- Đối với phụ nữ có thai, liều bổ sung là 60mg sắt/ngày và 400 µg folic acid trong suốt thời gian có thai.
- Sau khi sinh bổ sung tiếp 3 tháng với liều tương tự như khi có thai đối với phụ nữ cho con bú, ở khu vực thiếu máu nặng >40%.
- Đối với phụ nữ có thai thiếu máu: bổ sung sắt/acid folic mỗi ngày một viên trong suốt thời gian mang thai.
- Bổ sung sắt định kỳ cho phụ nữ không mang thai: bổ sung sắt/acid folic mỗi tuần 1 viên trong 3 tháng, 3 tháng nghỉ, sau đó tiếp tục bổ sung 3 tháng. Nếu khả thi, lặp lại chu kỳ này trong năm. Áp dụng cho những vùng có tỷ lệ thiếu máu ≥20%.
Để được tư vấn tình hình sức khỏe thai sản và chế độ dùng thuốc trong quá trình mang thai. Mẹ bầu có thể đặt lịch khám thai tới phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang qua Website: DK.SAN43NGUYENKHANG.VN hoặc liên hệ Zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.