Tiêm phòng vắc xin uốn ván cho bà bầu
14:42 - 03/06/2022 Lượt xem: 894 Tác giả: Thanh Nga
Bệnh uốn ván là một nhiễm khuẩn nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao: lên tới 25-90%; đặc biệt là uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh, tử vong trên 95%. Vì thế phụ nữ mang thai cần lưu ý tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván, do chưa có kháng thể bảo vệ, mẹ có nguy cơ mắc bệnh rất cao cũng như nguy cơ về lây nhiễm cho con. Tiêm phòng vắc xin uốn ván cho bà bầu là cần thiết, đúng thời điểm để đề phòng các tác nhân gây bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
1. Các mẹ bầu có cần thiết phải tiêm phòng vắc xin uống ván không?
Uốn ván là một chứng bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao. Nguyên nhân gây uốn ván là từ loại vi khuẩn Clostridium tetan có trong đất, bụi bẩn và chất thải động vật. Những vi khuẩn này ở dạng bào tử rất khó tiêu diệt vì chúng có khả năng chịu nhiệt cao và kháng nhiều loại thuốc cũng như hóa chất. Vi khuẩn uốn ván khi vào cơ thể sẽ tấn công trực tiếp đến hệ thần kinh và gây đau đớn cho bệnh nhân với những cơn co thắt cơ, đặc biệt ở hàm và cổ, gây nghẹt thở và có thể dẫn đến tử vong.
Theo thống kê, người bệnh mắc uốn ván có tỷ lệ tử vong lên tới hơn 90%. Tỷ lệ này còn cao hơn ở trẻ sơ sinh, lên tới 95% ca tử vong. Phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh uốn ván qua vết thương hở ngoài da, khi chuyển dạ sinh nở hoặc lúc trẻ sơ sinh được cắt dây rốn,…
Vì thế, việc tiêm phòng vắc xin uốn ván cho bà bầu là cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ở cả mẹ và bé, chuẩn bị cho thời điểm chuyển dạ sinh con quan trọng.
Vắc xin uốn ván cho bà bầu đã được kiểm định an toàn cho mẹ và bé, không ảnh hưởng đến thai nhi lại có thể bảo vệ sức khỏe tốt cho cả hai mẹ con. Vì thế, mẹ bầu không nên quá lo lắng mà nên thực hiện tiêm phòng theo đúng chỉ định.
Ngoài ra, trước khi mang thai, mẹ bầu đã cần tiêm phòng nhiều loại vắc xin phòng bệnh khác như sởi, quai bị, rubella,… Với vắc xin uốn ván, mẹ bầu cần tiêm phòng vào thời điểm thích hợp trong thai kỳ được chỉ định. Nhiều mẹ bầu không hiểu rõ vấn đề này nên còn e ngại việc tiêm phòng khi mang thai sẽ gây ảnh hưởng tới thai nhi.
2. Thời điểm tiêm phòng uốn ván cho bà bầu
- Nếu phụ nữ mới mang thai lần đầu:
Trước đó chưa hề tiêm phòng uốn ván hoặc không tiêm đủ liều vắc-xin thì liều tiêm sẽ bao gồm 2 mũi:
Mũi 1: tiêm khi thai được khoảng 20 tuần tuổi trở lên.
Mũi 2: tiêm sau mũi tiêm thứ nhất ít nhất 30 ngày và phải tiêm trước khi sinh ít nhất 30 ngày.
- Nếu phụ nữ mang thai lần hai:
Trường hợp khoảng cách giữa 2 lần mang thai là <5 năm và đã tiêm đủ 2 liều uốn ván ở lần mang thai trước thì tiêm thêm 1 liều uốn ván khi thai đủ 24 tuần tuổi.
Trường hợp khoảng cách giữa 2 lần mang thai >5 năm hoặc mới chỉ tiêm 1 liều uốn ván ở lần mang thai trước thì nên tiêm cả 2 liều như mang thai lần đầu.
3. Ảnh hưởng của bệnh uốn ván với sức khỏe của mẹ và bé
Đối với mẹ
Trong quá trình sinh nở, vi khuẩn uốn ván sẽ dễ dàng xâm nhập vào trong cơ thể thông qua đường sinh dục và tình trạng phổ biến nhất mà người mẹ có thể gặp phải là uốn ván tử cung.
Đối với em bé
Nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh thường xảy ra thông qua việc tiếp xúc giữa cuống rốn không lành với vi khuẩn uốn ván. Các chứng bệnh này thường xuất hiện trong vòng hai tuần đầu tiên sau khi sinh và liên quan đến các chứng cứng khớp, đau cơ và nếu không được điều trị cẩn thận có thể dẫn đến tử vong. Vậy nên trẻ sơ sinh cần nhận được kháng thể chống uốn ván của mẹ qua nhau thai để có thể bảo vệ bản thân khi sinh ra.
4. Những lưu ý khi tiêm phòng uốn ván
Nên tìm đến các cơ sở y tế uy tín, có chứng nhận của Bộ Y tế để đảm bảo nguồn nhập vắc-xin theo đúng tiêu chuẩn.
Phụ nữ có thể tham khảo thời gian tiêm chủng để đảm bảo sức khỏe. Nếu trong giai đoạn đầu của kỳ mang thai, mẹ bầu bị ốm nghén thì có thể xem xét việc tiêm phòng mũi đầu tiên vào khoảng giữa thai kỳ để tránh tăng sự mỏi mệt cho người mẹ và mũi tiêm thứ hai cách thời điểm sinh ít nhất hai tuần để đủ thời gian tạo miễn dịch.
Nếu bản thân có tiền sử bị dị ứng với vắc-xin hay bị các chứng bệnh khớp, thận… thì nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi tiến hành tiêm
Về các phản ứng phụ khi tiêm mà mẹ có thể gặp phải như cảm thấy buốt, phồng ở vị trí tiêm hay sốt nhẹ thì không nên quá lo lắng vì đây chỉ là những phản ứng bình thường và có thể hết sau khoảng 3-4 ngày.
Đối với những phụ nữ có dự định mang thai cũng có thể tiến hành tiêm phòng uốn ván trước như một khâu chuẩn bị để tạo hệ miễn dịch bảo vệ cho bản thân và em bé.
5. Lưu ý sau khi tiêm phòng vắc xin uốn ván cho bà bầu
Việc tiêm vắc-xin phòng uốn ván cho bà bầu có thể gây sưng đau tại chỗ hoặc gây dị ứng tại chỗ. Nhưng các mẹ cũng không nên lo lắng quá vì đây đều là những tác dụng phụ không quá nghiêm trọng, việc sưng đau sẽ tự khỏi, không cần sử dụng thuốc, hay chườm đắp vào vị trí tiêm. Ngoài ra, các mẹ bầu cũng cần lưu ý nên chọn cơ sở tiêm phòng uy tín đã được chứng nhận của Bộ y tế về tiêm chủng để đảm bảo an toàn.
Trong thời gian mang thai, Bộ y tế Việt Nam quy định phụ nữ chỉ cần tiêm vắc-xin phòng uốn ván. Tuy nhiên theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới và CDC, phụ nữ mang thai từ 27 -35 tuần có thể tiêm vắc-xin phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván để phòng ho gà sớm cho sơ sinh nếu trước khi mang bầu chưa được tiêm vắc-xin này. Trường hợp đặc biệt: nếu bị vật nuôi như chó, mèo, khỉ... cắn, chị em cần tiêm phòng dại theo sự chỉ định của bác sĩ.
Hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé.