Tìm hiểu về cuộc chuyển dạ - Phòng khám 43 Nguyễn Khang
16:55 - 26/08/2021 Lượt xem: 1215 Tác giả: Thu Hoàng
Chuyển dạ là quá trình sinh lí diễn ra bình thường ở phụ nữ mang thai chuẩn bị “vượt cạn”. Để giúp mẹ bầu không còn bỡ ngỡ cho lần chuyển dạ vất vả nhưng cũng đầy thiêng liêng này, phòng khám 43 Nguyễn Khang xin gửi đến các mẹ thông tin bổ ích về những giai đoạn chuyển dạ sinh con và một số dấu hiệu chuyển dạ cần lưu ý để nhận biết chính xác.
Chuyển dạ là quá trình sinh lí diễn ra bình thường ở phụ nữ mang thai chuẩn bị “vượt cạn”. Để giúp mẹ bầu không còn bỡ ngỡ cho lần chuyển dạ vất vả nhưng cũng đầy thiêng liêng này, phòng khám 43 Nguyễn Khang xin gửi đến các mẹ thông tin bổ ích về những giai đoạn chuyển dạ sinh con và một số dấu hiệu chuyển dạ cần lưu ý để nhận biết chính xác.
1. Dấu hiệu chuyển dạ
Mỗi thai phụ sẽ có một trải nghiệm sinh nở không giống nhau. Vì thế, dấu hiệu chuyển dạ cũng khác nhau ở mỗi người. Thông thường, quá trình chuyển dạ sẽ đi kèm với các dấu hiệu sau:
- Các cơn co thắt mạnh và thường xuyên hơn: Cơn co thắt là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của quá trình chuyển dạ. Bạn sẽ có cảm giác các cơ trong tử cung thắt chặt để chuẩn bị cho thời khắc quan trọng: đẩy em bé ra ngoài.
- Xóa cổ tử cung: Những tuần cuối của thai kỳ, đoạn dưới của tử cung thành lập kéo dãn và mỏng dần. Khi quá trình chuyển dạ bắt đầu, cổ tử cung trở nên mềm, ngắn lại và xóa mỏng.
- Mở cổ tử cung: Một dấu hiệu chuyển dạ khác là cổ tử cung bắt đầu mở (giãn ra). Trong suốt quá trình bạn chuyển dạ, nữ hộ sinh hoặc Bác sĩ sẽ khám để đánh giá sự xóa mở của cổ tử cung từ 0 (không giãn nở) đến 10cm (mở trọn).
2. Thời gian chuyển dạ kéo dài trong bao lâu?
Thời gian chuyển dạ ở thai phụ có con so lâu hơn con rạ.
Phụ nữ sinh con so (chuyển dạ lần đầu) thường chuyển dạ trong khoảng 12 đến 18 giờ. Trong khi đó, các bà mẹ sinh con rạ thì chuyển dạ chỉ mất khoảng 8-12 giờ.
Tiền chuyển dạ là giai đoạn trước chuyển dạ thật sự, có thể kéo dài một vài tuần.
Thai phụ có thể có các triệu chứng như: tiểu nhiều lần, tăng dịch tiết âm đạo, tử cung có các cơn co nhưng mức độ thưa, cường độ nhẹ và không đau rõ. Ngoài ra, thai phụ còn có thể cảm thấy đau ở các khớp vùng chậu.
3. Các giai đoạn chuyển dạ
Giai đoạn 1: Giai đoạn mở – Xóa, mở cổ tử cung
Giai đoạn đau hạ thấp tử cung, lúc này mức độ các cơn đau co thắt tử cung ngày càng tăng mạnh và cổ tử cung cũng bắt đầu được giãn ra. Có thể nói rằng đây là giai đoạn kéo dài nhất gây đau đớn, vất vả nhất mà người mẹ nào cũng cần phải trải qua trong quá trình sinh con. Thời gian của các cơn co thắt cách nhau 1 – 2 phút.
Các cơn đau dữ dội sẽ xuất hiện ở các vị trí như vùng bụng, đau lưng dưới, đau tức tầng sinh môn, chân tay run rẩy, nóng lạnh thất thường. Đây là giai đoạn bắt đầu, thường là giai đoạn dài nhất. Trong giai đoạn này, cổ tử cung sẽ phải mở ra được từ 9 -10 cm. Các cơn đau đẻ thường được ngắt quãng, kéo dài.
Giai đoạn 2: Giai đoạn đẩy bé ra – Sổ thai nhi
Khi cổ tử cung đã được giãn nở đến mức nhất định cùng với sự can thiệp của các bác sĩ chuyên khoa thì thai nhi sẽ được lấy ra ngoài qua âm đạo với những cơn co thắt. Đau mở tử cung báo hiệu sinh nở. Đối với những mẹ mang thai lần đầu đẻ thường, thời gian rặn đẻ là 1 tiếng đồng hồ còn đối với trường hợp mang thai lần thứ 2 sẽ diễn ra nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên ở giai đoạn này vẫn diễn ra các cơn đau co thắt nhưng mức độ đã giảm hơn so với ở giai đoạn 1. Giai đoạn 2 của ca sinh nở bắt đầu khi cổ tử cung đã mở ra hoàn toàn và kết thúc bằng sự kiện mà bà bầu mong đợi từ lâu: Em bé chào đời.
Giai đoạn 3: Giai đoạn sau sinh – Sổ nhau thai
Giai đoạn 3 của một ca sinh nở kéo dài từ lúc em bé ra đời cho đến khi cho ra nhau thai cùng với dây rốn. Giai đoạn này mẹ sẽ đau thúc dồn dập để đẩy em bé ra. Khi em bé đã chào đời thì cổ tử cung vẫn tiếp tục co bóp để nhau thai bong ra khỏi thành tử cung và được đẩy ra từ đường âm đạo. Lúc này mức độ đau chỉ như các cơn đau bụng ở chu kỳ kinh nguyệt, việc cần làm của các mẹ là cố rặn để đẩy hết nhau thai ra ngoài. Như vậy là hoàn tất quá trình chuyển dạ, vượt cạn an toàn.