Tìm hiểu về miếng dán tránh thai
04:36 - 28/01/2021 Lượt xem: 345
1. Miếng dán tránh thai là gì? Là một miếng dán nhỏ, kích cỡ khoảng mỏng khoảng 4.5cm2, được dán trực tiếp vào da vùng mông, bụng, lưng trên hoặc bắp tay. Miếng dán có khả năng giải phóng estrogen và progestin, các loại hormone tương tự với hormone do cơ thể sinh ra để […]
1. Miếng dán tránh thai là gì?
Là một miếng dán nhỏ, kích cỡ khoảng mỏng khoảng 4.5cm2, được dán trực tiếp vào da vùng mông, bụng, lưng trên hoặc bắp tay. Miếng dán có khả năng giải phóng estrogen và progestin, các loại hormone tương tự với hormone do cơ thể sinh ra để ngăn ngừa quá trình rụng trứng.
Miếng dán tránh thai còn giúp làm đặc chất nhầy cổ tử cung; gây khó khăn cho sự tiếp xúc giữa trứng và tinh trùng. Miếng dán tránh thai nếu được sử dụng đúng cách sẽ cho hiệu quả cao, tỷ lệ tránh thai lên tới 95%. Nếu muốn có thai trở lại, chỉ cần ngưng sử dụng miếng dán và trứng sẽ rụng trở lại sau khoảng 3 chu kỳ kinh nguyệt.
2. Ưu điểm, nhược điểm của miếng dán tránh thai
Ưu điểm
Có thể giúp cải thiện tình trạng mụn trứng cá và làm giảm hiện tượng đau nửa đầu kinh nguyệt.
Hiệu quả cao, sử dụng dễ dàng, đơn giản
Có thể hỗ trợ, giảm nhẹ các triệu chứng cho phụ nữ tiền mãn kinh
Nhược điểm
Có thể dẫn tới một số rủi ro hiếm gặp sau: gây cục máu đông ở chân, nhồi máu cơ tim và đột quỵ, sỏi túi mật và u gan. Nguy cơ này cao hơn ở một số trường hợp như phụ nữ trên 35 tuổi; người có hút thuốc lá. Do vậy, nên tham khảo ý kiến bác sĩ về những rủi ro có thể gặp phải trước khi thực hiện
Có thể gây buồn nôn, đau đầu, ngứa da hoặc nổi ban đỏ trên bề mặt da chỗ dán miếng dán.
3. Các trường hợp chống chỉ định của miếng dán tránh thai
Miếng dán tránh thai tuy tương đối an toàn nhưng vẫn có thể gây ra các rủi ro hiếm gặp. Ví dụ như thuyên tắc mạch máu, nhồi máu cơ tim… Do đó trước khi sử dụng miếng dán tránh thai, cần khám và tư vấn ở các cơ sở y tế uy tín để biết mình có thuộc nhóm đối tượng bị chống chỉ định hay không.
Các trường hợp chống chỉ định tuyệt đối
Có thai hoặc nghi ngờ có thai, đang cho con bú trong vòng 6 tuần sau khi sinh
Có nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như đối tượng từ 35 tuổi trở lên; hút thuốc lá thường xuyên, bị tăng huyết áp, đái tháo đường.
Đã và đang mắc các bệnh lý tim mạch như rối loạn đông máu, thuyên tắc phổi, thuyên tắc tĩnh mạch, bệnh lý van tim,…
Đang bị suy gan, xơ gan, u gan
Các trường hợp chống chỉ định tương đối
- Sử dụng một số thuốc chống co giật như phenytoin, carbamazepin, barbiturat, primidon, topiramate, oxcarbazepine, thuốc kháng virus, kháng sinh rifampicin…
- Phụ nữ đang cho con bú sau khi sinh từ 6 tuần đến 6 tháng hoặc phụ nữ không cho con bú trong vòng 4 tuần sau khi sinh
- Đã từng bị ung thư vú và không tái phát trong vòng 5 năm
- Bị rối loạn lipid máu