Tìm hiểu về phương pháp đặt vòng tránh thai
16:25 - 18/08/2022 Lượt xem: 1001 Tác giả: Thu Hoàng
Đặt vòng tránh thai được đánh giá là phương pháp ngừa thai có hiệu quả cao lên tới 97% và duy trì trong thời gian dài, trung bình từ 5 - 10 năm. Đặt vòng là phương pháp tối ưu đối với những cặp vợ chồng chưa muốn có con trong một thời gian dài hoặc những cặp vợ chồng trung niên không muốn sinh con và thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
1. Vòng tránh thai là gì?
Vòng tránh thai (tên tiếng Anh là Intrauterine Device – IUD) là một dụng cụ nhỏ thường có hình chữ T được đưa vào tử cung của người phụ nữ với tác dụng tránh thai tạm thời. Hiện nay có 2 loại vòng phổ biến và được sử dụng rộng rãi là:
- IUD bằng đồng (Cu-IUD): Vòng tránh thai này thường có tác dụng từ 5 đến 10 năm.
- IUD chứa nội tiết tố: Vòng tránh thai này có tác dụng trong khoảng 3- 5 năm.
Tùy nhu cầu của bản thân, chị em có thể lựa chọn loại vòng ngừa thai phù hợp.
2. Cơ chế tác dụng
Vòng TCu hay vòng Mirena có cơ chế chung là một vật lạ đối với cơ thể. Khi đưa vào buồng tử cung nó tạo nên phản ứng viêm làm cho tinh trùng không thể xuất hiện ở buồng tử cung, đồng thời nội mạc tử cung sẽ không thuận lợi cho trứng thụ tinh làm tổ.
Riêng đối với vòng Mirena có chứa nội tiết là một dạng progestin làm mỏng nội mạc tử cung, thay đổi chất nhày cổ tử cung, từ đó ảnh hưởng tới sự di động và sống sót của tinh trùng. Do đó vòng Mirena có hiệu quả tránh thai cao hơn vòng TCu và ngoài hiệu quả ngừa thai nó còn có hiệu quả điều trị một số bệnh như cường kinh, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, tăng sinh nội mạc tử cung…
3. Ưu điểm của vòng tránh thai
- Rẻ tiền, đặt một lần được nhiều năm.
- Vòng TCu: thời gian khuyến cáo là 10 năm.
- Vòng Mirena: thời gian khuyến cáo là 5 năm.
- Hiệu quả ngừa thai cao, tỷ lệ có thai ngoài ý muốn khi đang đặt vòng rất thấp:
- Vòng Tcu: 0,5-0,8% trong năm đầu tiên
- Vòng Mirena: 0,1-0,2% trong năm đầu tiên
- Khả năng có thai lại cao sau khi lấy vòng ra.
- Không có tác dụng toàn thân như các phương pháp sử dụng nội tiết toàn thân (thuốc uống ngừa thai, cấy que)
- Vòng Mirena ngoài tác dụng ngừa thai còn có tác dụng điều trị một số bệnh như: cường kinh, đau bụng kinh, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, tăng sinh nội mạc tử cung…
4. Nhược điểm của vòng tránh thai
- Rối loạn kinh nguyệt
- Đau bụng
- Dễ viêm âm đạo
- Thủng tử cung
- Có thai trong khi mang vòng
- Không ngừa được bệnh lây qua đường tình dục
5. Thời điểm đặt vòng tránh thai
Thời điểm đặt vòng tránh thai thích hợp là ngay sau khi sạch kinh. Đối với phụ nữ sau khi sinh thường, vòng tránh thai thường được đặt sau 6 tuần. Đối với sản phụ sinh mổ, thời gian đặt vòng sẽ muộn hơn, sau 3 tháng trở lên vì tử cung cần nhiều thời gian hơn để lành lại, các sợi chỉ khâu cũng hòa tan vào trong cơ tử cung. Đối với những phụ nữ sau hút thai, sau sảy thai nên đợi kinh nguyệt trở lại đều đặn mới đặt vòng tránh thai.
6. Những phụ nữ không nên đặt vòng
- Có thai hoặc nghi ngờ có thai
- Viêm nhiễm đường sinh dục
- Tiền sử bị thai ngoài tử cung
- Nghi ngờ có bệnh lý ác tính đường sinh dục
- Rong kinh, rong huyết chưa rõ nguyên nhân
- Tử cung bị dị dạng như tử cung đôi, tử cung hai sừng
- Bệnh lý van tim
- Sa sinh dục
- Dị ứng với chất đồng (TCu) hoặc levonorgestrel (vòng Mirena)
Đặt vòng tránh thai là một trong những phương pháp được áp dụng rộng rãi nhất hiện nay. Tuy nhiên bạn cần thực hiện ở những cơ sở uy tín, đảm bảo chuyên môn để được tư vấn thật kỹ lưỡng và tránh các biến chứng trong quá trình đặt bạn nhé!
Để cập nhật kiến thức về sản, phụ khoa và các kiến thức sau sinh của phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang. Bạn có thể truy cập website: SAN43NGUYENKHANG.VN; để đặt lịch khám truy cập website: DK.SAN43NGUYENKHANG.VN hoặc liên hệ Zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.