Tìm hiểu viêm tuyến Bartholin
15:20 - 06/12/2022 Lượt xem: 662 Tác giả: Thu Hoàng
Viêm tuyến Bartholin là một bệnh lý viêm phụ khoa hay gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Đây một bệnh lý chiếm tỷ lệ khoảng 2% các bệnh phụ khoa ở phụ nữ.
1. Viêm tuyến bartholin là gì?
Bartholin là một dạng tuyến nhỏ, hình cầu với đường kính khoảng 1cm và nằm ở vùng dưới da trong hai bên âm đạo. Tuyến Bartholin được cấu tạo bởi các tế bào trụ tiết nhầy, nắm giữ vai trò tiết ra chất dịch nhầy giúp giữ ẩm cho âm đạo và bôi trơn trong quá trình quan hệ tình dục.
Khi bị viêm tuyến Bartholin người bệnh sẽ bị dưới dạng u nang. Do đó, mức độ nặng nhẹ của bệnh sẽ phụ thuộc vào kích thước của u nang lớn hay nhỏ. Từ đó bác sĩ sẽ đánh giá về khả năng u nang có bị nhiễm trùng khiến cho bệnh thêm nặng hơn hay không để đưa ra được các phương pháp điều trị đúng cách.
2. Nguyên nhân viêm tuyến Bartholin
Nang hình thành là do các ống tuyến bị tắc nghẽn trong tuyến vẫn tiết ra chất nhầy làm hình thành nang có thành mỏng. Nguyên nhân gây tắc nghẽn ống tuyến thường do:
- Nhiễm trùng: những vi khuẩn gây tắc nghẽn tuyến bartholin thường là vi khuẩn có thể lây qua đường tình dục như Chlamydia, lậu, các vi khuẩn đường ruột như Escherichia coli
- Chấn thương vùng sinh dục ngoài phụ nữ.
3. Triệu chứng bệnh viêm tuyến Bartholin
Trong giai đoạn các nang tuyến Bartholin đang chỉ có kích thước nhỏ thì chúng thường sẽ không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Các nang này thường được phát hiện chỉ khi người bệnh nhận thấy một khối nhỏ, không có cảm đau ngay bên ngoài cửa vào âm đạo, hoặc bác sĩ phát hiện được trong khi kiểm tra vùng chậu thông thường.
Tuy nhiên, nếu như hình ảnh viêm tuyến Bartholin phát triển với kích thước đường kính lớn hơn 1cm thì chúng sẽ gây đau, khó chịu khi ngồi và trong lúc quan hệ tình dục. Nếu như nang bị nhiễm trùng sẽ trở nên sưng, cứng, chứa đầy mủ thì bệnh nhân sẽ có triệu chứng sốt, cảm giác rất đau và khó khăn khi ngồi hoặc đi lại. Người bệnh có nang nhiễm trùng thường sẽ tạo thành áp xe, các áp xe này sẽ thường phát triển rất nhanh chỉ trong vòng 2-4 ngày.
Viêm tuyến bartholin sẽ làm tuyến bartholin không tiết chất nhờn nữa và gây cảm giác đau rát khi quan hệ tình dục, đồng thời sẽ kích thích bàng quang nên người bệnh rất dễ bị rối loạn tiểu tiện. U nang hoặc áp xe Bartholin thông thường sẽ chỉ xảy ra ở một bên của cửa âm đạo.
4. Điều trị u nang Bartholin:
U nang Bartholin không cần điều trị, đặc biệt là nếu viêm tuyến không có thể biểu hiện triệu chứng. Khi cần thiết, chỉ định điều trị phụ thuộc vào kích thước của u nang, mức độ ảnh hưởng và liệu có tình trạng nhiễm trùng hay không.
Phương pháp điều trị:
Tắm nước ấm: Ngâm mình trong bồn chứa nước ấm vài lần một ngày, liên tục trong ba hoặc bốn ngày có thể giúp các nang nhỏ nhiễm trùng bị vỡ và tự biến mất;
Phẫu thuật dẫn lưu: Bệnh nhân có thể cần được phẫu thuật để dẫn lưu một u nang bị nhiễm trùng hoặc u nang kích thước rất lớn với sự hỗ trợ của thủ thuật gây tê hoặc giảm đau. Đối với biện pháp phẫu thuật, bác sĩ sẽ thực hiện một đường mổ nhỏ trong u nang, cho phép chất dịch bên trong chảy ra, sau đó đặt một ống cao su nhỏ (ống thông) tại vị trí mổ. Ống thông được lưu giữ đến 6 tuần sau đó để giữ cho vết mổ mở, cho phép thoát dịch hoàn toàn;
Kháng sinh: Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh nếu u nang của bệnh nhân bị nhiễm trùng hoặc trong trường hợp kết quả xét nghiệm cho thấy có tình trạng nhiễm trùng lây qua đường tình dục. Tuy nhiên, nếu áp xe được dẫn lưu đúng cách thì có thể không cần dùng kháng sinh;
Phương pháp mở thông nang: Nếu u nang tái phát hoặc ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, phương pháp mở thông nang có thể được chỉ định. Bác sĩ sẽ tạo ra một lỗ mở vĩnh viễn dài khoảng 6mm để thoát dịch từ u nang tuyến Bartholin. Một ống thông được bổ sung vào trong vài ngày sau khi làm phẫu thuật để thúc đẩy dẫn lưu và giúp ngăn ngừa tái phát.
Trong trường hợp điều trị bệnh dai dẳng không thuyên giảm bằng các biện pháp trên, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật loại bỏ tuyến Bartholin. Phẫu thuật này thường được thực hiện trong phòng mổ sau khi đã được gây mê toàn thân cho bệnh nhân. Phẫu thuật cắt bỏ tuyến Bartholin có thể dẫn đến chảy máu hoặc biến chứng khác với tỷ lệ cao hơn so với các phương pháp thông thường.
Ngoài những thông tin bài viết cung cấp ở trên các mẹ bầu hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé.