googleb578e89369db4e48.html

Trầm cảm sau sinh-những điều bạn cần biết

03:30 - 08/03/2021 Lượt xem: 621

Những ngày và tuần đầu tiên sau khi sinh con, người mẹ có thể trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Không chỉ cảm thấy những cảm xúc kì diệu như niềm vui, niềm sung sướng và hãnh diện, người mẹ cũng trải nghiệm các cảm xúc khó khăn hơn, kể cả nỗi […]

Những ngày và tuần đầu tiên sau khi sinh con, người mẹ có thể trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Không chỉ cảm thấy những cảm xúc kì diệu như niềm vui, niềm sung sướng và hãnh diện, người mẹ cũng trải nghiệm các cảm xúc khó khăn hơn, kể cả nỗi buồn. Cảm giác buồn và việc khóc sau khi sinh em bé thường được biết đến tên gọi “baby blues”.

“Baby blues” phổ biến và thường giảm dần sau 1 hoặc 2 tuần. Việc này xảy ra có thể do sự thay đổi hormone thất thường sau sinh. Tuy nhiên, khoảng một trong bảy bà mẹ sẽ trải qua cái gì đó nghiêm trọng hơn “baby blues” thông thường. Những người phụ nữ sau sinh và phải đối mặt với việc buồn chán, lo âu trong vài tuần hoặc hơn có thể đang có trầm cảm sau sinh (TCSS). “Baby blues” có xu hướng đi qua nhanh hơn, còn TCSS thường kéo dài, dai dẳng và có nhiều ảnh hưởng tới khả năng của người mẹ để thực hiện các hoạt động hằng ngày.

1. Những đối tượng dễ mắc trầm cảm sau sinh

      • Người có tiền sử bị bệnh trầm cảm sau sinh, nguy cơ lập lại 50%. Tiền sử trầm cảm ngoài thai kỳ, nguy cơ trầm cảm sau sinh 25%. Ngưng dùng thuốc chống trầm cảm lúc mang thai, 68% rơi vào trạng thái trầm cảm, nếu tiếp tục dùng thuốc thì 25% bị trầm cảm.
      • Đang trong độ tuổi < 18.
      • Trải qua những sự kiện gây căng thẳng trong thời gian trước: bệnh tật, hiếm muộn, thất nghiệp.
      • Thiếu sự giúp đỡ, đồng cảm chia sẻ của người thân, đặc biệt là người chồng
      • Mâu thuẫn vợ chồng, mâu thuẫn với mẹ chồng.
      • Thai kỳ không mong muốn
      • Biến chứng thai kỳ: thai lưu, sẩy thai.
      • Trầm cảm dễ xuất hiện ở người con so, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra ở con rạ.

2. Dấu hiệu nhận biết trầm cảm sau sinh

trầm cảm sau sinh

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC), có tới 20% các bà mẹ trải qua một hoặc nhiều triệu chứng của TCSS. Tương tự như các loại khác của trầm cảm, TCSS có thể bao gồm các triệu chứng sau:

      •  Cảm thấy chán nản hoặc tuyệt vọng trong hầu hết các ngày trong tuần hoặc nhiều hơn.
      •  Cảm thấy lãnh đạm và rút lui với gia đình, bạn bè
      • Giảm hứng thú với các hoạt động yêu thích trước đây (bao gồm tình dục)
      • Thay đổi thói quen ăn uống, ngủ nghỉ
      • Cảm thấy mệt mỏi hầu hết các ngày
      • Cảm thấy giận dữ và cáu kỉnh
      • Cảm thấy tội lỗi, không xứng đáng, không có giá trị
      • Thiếu tập trung và hay quên
      • Hay kích động hoặc trở nên thờ ơ
      • Thiếu quan tâm hoặc quan tâm quá mức tới con
      • Cảm thấy lo âu, hoảng loạn hoặc hoang tưởng
      • Gặp ác mộng
      • Lo sợ mình sẽ làm hại em bé
      • Có suy nghĩ tự sát hoặc giết con
      • Xuất hiện ảo giác, suy nghĩ kỳ quái.

Các triệu chứng của TCSS có thể bắt đầu từ những tuần đầu tiên sau sinh, thỉnh thoảng, triệu chứng của TCSS có thể không xuất hiện cho đến nhiều tháng sau sinh.

3. Cách vượt qua trầm cảm sau sinh

Điều trị trầm cảm sau sinh hoàn toàn có thể có kết quả tốt nếu thực hiện điều trị sớm. Các chuyên gia sức khỏe tâm lý có thể giúp mẹ sau sinh có hướng điều trị trầm cảm phù hợp và đúng đắn nhất. Trong đó có thể đề cập đến một số phương pháp như:

– Tham vấn tâm lý

Người mẹ trầm cảm sau sinh sẽ được nói chuyện riêng với chuyên gia sức khỏe tâm thần hoặc nhà tâm lý học. Các bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp hành vi nhận thức tức là giúp người bệnh nhận ra và thay đổi những suy nghĩ tiêu cực và hành vi của mình một cách dần dần; hoặc liệu pháp tương tác nghĩa là giúp mọi người xung quanh hiểu được và hỗ trợ người bệnh điều trị hiệu quả.

Phụ nữ trầm cảm nhẹ có thể được tư vấn điều trị. Những trường hợp nặng hơn có thể được điều trị tư vấn kết hợp với sử dụng thuốc.

– Điều trị bằng thuốc

thuốc điều trị trầm cảm

Khi người mẹ nghĩ rằng mình bị trầm cảm sau sinh thì nên tư vấn với bác sĩ càng sớm càng tốt.

Cố gắng báo với bác sĩ về tất cả các triệu chứng gây khó chịu, điều này sẽ giúp cho thầy thuốc chẩn đoán chính xác về bệnh hơn. Thuốc được kê toa thông thường hoặc là thuốc an thần hoặc là thuốc chống trầm cảm. Thuốc chống trầm cảm có tác dụng ức chế lên não bộ, điều chỉnh tâm trạng.

Tuy nhiên việc dùng thuốc chống trầm cảm cần được xem xét và theo đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu dùng thuốc không hiệu quả, hoặc người bệnh cảm thấy khó chịu, nên đến bác sĩ thay đổi thuốc hoặc liều dùng. Nếu thuốc thích hợp với bạn thì đừng nên rút ngắn thời gian điều trị, bởi trầm cảm cần thời gian điều trị kéo dài để được phục hồi hoàn toàn. Nếu sau khi ngưng thuốc, các triệu chứng tái phát thì đừng nên thất vọng, nên đến bác sĩ tư vấn thêm.

– Hỗ trợ từ người thân

Bạn bè và gia đình cần động viên; hỗ trợ và chắc chắn người mẹ đang được điều trị trầm cảm. Hãy hiểu rằng bệnh đang ở giai đoạn tạm thời và chia sẻ; đồng cảm với cảm xúc, sở thích của họ. Sự giúp đỡ từ gia đình đóng vai trò quan trọng, giúp người mẹ phục hồi nhanh chóng.

– Vai trò của bản thân

Bên cạnh các phương pháp điều trị cũng như san sẻ cùng người thân, bản thân người mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hồi phục. Người mẹ đang trải qua trầm cảm nên tin tưởng và kiên nhẫn vào khả năng cải thiện chứng trầm cảm của bản thân.

Hãy lắng nghe cơ thể mình, đừng quá lo lắng khi đau, mệt, bởi đau nhức là trạng thái các sản phụ sau sinh có thể trải qua, và mệt mỏi là nguyên nhân khiến trầm cảm trở nên trầm trọng hơn. Đồng thời lắng nghe cảm xúc của mình, thư giãn và làm những điều bản thân yêu thích.

Trầm cảm sau sinh là một tình trạng sức khỏe có thể điều trị được. Bằng cách chia sẻ cảm xúc của bạn với các chuyên gia, bạn có thể tìm được con đường tạo ra những thay đổi tích cực có tác động lớn đến hạnh phúc trọn vẹn của bạn. Để đặt lịch khám thai, khám phụ khoa tại Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang, quý khách vui lòng truy cập TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.

 

 

Bài viết liên quan

Thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng gì đối với thai nhi?
Thiếu máu trong thai kỳ và biến chứng có thể xảy ra
Mẹ bầu phù chân có nên đi bộ?
Thai bám ở sẹo mổ lấy thai có nguy hiểm?
Đi tiểu nhiều khi mang thai. Bình thường hay bất thường?