googleb578e89369db4e48.html

Trẻ uống sữa là tiêu chảy-nguyên nhân do đâu?

09:42 - 10/10/2022 Lượt xem: 583 Tác giả: Thanh Nga

Tiêu chảy ở trẻ em có rất nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân hay gặp là trẻ bất dung nạp với đường lactose, đặc biệt là trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc điều trị tiêu chảy cấp không đúng thường làm giảm lượng men lactase ở nhung mao ruột. Đây là một trong những nguyên nhân rất phổ biến làm cho tình trạng tiêu chảy kéo dài hoặc trở thành tiêu chảy mạn tính. Những trẻ này cứ uống sữa vào là tiêu chảy.

3 nguyên nhân dẫn đến bất dung nạp lactose

  • Thiếu hụt Lactase

Bệnh không dung nạp Lactose xảy ra khi ruột non không sản xuất đủ Lactase để phân giải Lactose. Thông thường, Lactase hoạt động bằng cách phân giải Lactose hấp thụ thành hai loại đường có cấu trúc đơn giản hơn là Glucose và Galactose có thể hấp thụ vào máu qua niêm mạc ruột.

Sự thiếu hụt Lactase sẽ khiến đường Lactose không được phân giải di chuyển vào đại tràng mà không qua quá trình chuyển hóa và hấp thụ. Trong đại tràng, khi vi khuẩn tương tác với Lactose chưa được tiêu hóa sẽ gây ra các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh không dung nạp được Lactose như tiêu chảy, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa.

  • Tổn thương ở ruột non

Nguyên nhân không dung nạp được Lactose này xảy ra khi ruột non ở trẻ giảm dần sự sản xuất enzyme say khi trải qua một thời gian mắc bệnh, chấn thương hoặc phẫu thuật ruột. Những bệnh gây tổn thương ở ruột non dẫn đến không dung nạp được Lactose bao gồm nhiễm trùng đường ruột, bệnh Celiac, sự phát triển đột biến của vi khuẩn hoặc do bệnh Crohn. Việc điều trị những tác nhân này có thể giúp khôi phục số lượng Lactase cần thiết từ đó cải thiện dấu hiệu và triệu chứng của bệnh không dung nạp Lactase. Tuy nhiên, để cơ thể khôi phục hoàn toàn và cân bằng lại Lactase có thể mất một khoảng thời gian dài.

  • Bẩm sinh

Nguyên nhân này có thể xảy ra nhưng theo thống kê là rất hiếm. Không dung nạp Lactose bẩm sinh là khi trẻ sinh ra cơ thể đã thiếu hụt Lactase. Rối loạn này có thể do di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong một mô hình di truyền gọi là di truyền dạng lặn của nhiễm sắc thể thường.

Điều này xảy ra khi cả cha lẫn mẹ cùng truyền một biến thể gen cho trẻ. Ngoài ra, trẻ sinh non cũng có khả năng mắc không dung nạp Lactose bẩm sinh cao hơn vì cơ thể không sản xuất đủ Lactase.

Cần làm gì khi trẻ không dung nạp lactose?

Đối với trẻ bú mẹ, dù trẻ bị tiêu chảy, các bà mẹ vẫn phải tiếp tục cho trẻ bú, không được kiêng ăn cho trẻ. Tập quán kiêng ăn, giảm ăn là nguy cơ gây tiêu chảy kéo dài và suy dinh dưỡng cho trẻ. Sữa mẹ là thức ăn thích hợp sau khi điều trị bằng dung dịch oresol cho trẻ không dung nạp lactose, vì lactose trong sữa mẹ vẫn được hệ tiêu hoá hấp thu khi thiếu men lactasa ruột.

Sữa mẹ có đầy đủ các dưỡng chất giúp trẻ nhanh phục hồi khi bị tiêu chảy. Các yếu tố miễn dịch phong phú trong sữa mẹ giúp tăng cường bảo vệ miễn dịch, bao gồm cả miễn dịch niêm mạc ruột. Các nucleotides có trong sữa mẹ cũng có tác dụng giúp tái tạo niêm mạc ruột tổn thương trong nhiễm trùng, trẻ bú mẹ khi bị tiêu chảy có số lần đi ngoài giảm hơn so với các trẻ tiếp tục bú sữa bò thông thường.

Thường khi bé bị tiêu chảy, nhiều bậc cha mẹ nghĩ ngay đến chuyện cho trẻ dùng kháng sinh, hạn chế các thực phẩm giàu dưỡng chất, không cho trẻ uống sữa. Đây là quan niệm hết sức sai lầm vì như vậy sẽ làm cho trẻ nhanh chóng thiếu hụt các chất dinh dưỡng, bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Đối với trường hợp trẻ bị tiêu chảy do không dung nạp lactose, biện pháp hết sức quan trọng là loại trừ các thực phẩm có chứa lactose, sử dụng sữa đặc chế không có lactose (hay còn gọi là lactofree) cho đến khi trẻ ngưng tiêu chảy hẳn. Sau khoảng 1 - 2 tuần, khi ruột hồi phục, men lactase được sản xuất đầy đủ thì có thể dùng trở lại chế độ ăn trước đó.

Ngay cả khi trẻ bị tiêu chảy do các nguyên nhân khác, sử dụng sữa lactofree cùng với các thức ăn khác theo tuổi vẫn là biện pháp hữu hiệu để giúp giảm nhanh tiêu chảy. Việc sử dụng sữa lactofree được xem là giải pháp dinh dưỡng giúp trẻ vượt qua giai đoạn tiêu chảy nhưng vẫn đảm bảo cung cấp nguồn dinh dưỡng đủ để trẻ phục hồi sức khỏe một cách nhanh chóng.

Ngoài ra, cần lưu ý bổ sung canxi trong chế độ ăn của trẻ ở giai đoạn này vì chế độ ăn không có lastose sẽ ngăn cản sự hấp thu canxi. Bổ sung sữa chua để hỗ trợ đường ruột sản sinh thêm nhiều lactase. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng cho bé. Nếu bé nhạy cảm với những thực phẩm từ sữa, mẹ nên tăng cường những thực phẩm giàu canxi không có nguồn gốc từ sữa như rau xanh, tôm, cua ốc... để bé phát triển xương, răng.

Khi trẻ đang ăn dặm bị tiêu chảy, cần phải tiếp tục chế độ thức ăn bổ sung bình thường với các thành phần dễ tiêu hóa như: cháo gạo, bột gạo, thịt nạc, sữa chua.

Cuối cùng, các bà mẹ cần nhớ khi trẻ bị tiêu chảy là cần phải đưa trẻ tới cơ sở khám bệnh để trẻ được điều trị và được bác sĩ tư vấn kịp thời. Nhập viện muộn là một lý do khiến trẻ mắc chứng không dung nạp lactose thứ phát. Do vậy, phòng ngừa là rất quan trọng. Tuy nhiên, khi trẻ đã bị hiện tượng không dung nạp đường lactose, giải pháp dinh dưỡng tối ưu với lựa chọn sữa hợp lý sẽ giúp trẻ nhanh chóng hồi phục.

Bạn hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé. Để đặt lịch khám tại phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang, tham gia các lớp học tiền sản tại phòng khám bạn có thể đặt lịch TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342 318 318 để được hướng dẫn.

 

Bài viết liên quan

Ra máu giữa chu kỳ là dấu hiệu của bệnh gì?
Lạc nội mạc tử cung, phụ nữ còn cơ hội mang thai không?
Cảnh báo nguy cơ ung thư vú từ Liệu pháp thay thế hormone
Cảnh báo tình trạng ung thư vú ở người trẻ tuổi
4 Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung bạn nên biết