Triệu chứng của bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu là gì ?
09:53 - 31/03/2020 Lượt xem: 1131
Triệu chứng lâm sàng của bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu đôi khi không điển hình. Chỉ có khoảng một nửa số bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu có biểu hiện triệu chứng. Các dấu hiệu thường xuất hiện ở mắt cá chân, bắp chân hoặc đùi, bao gồm: Sưng phù ở chân […]
Triệu chứng lâm sàng của bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu đôi khi không điển hình. Chỉ có khoảng một nửa số bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu có biểu hiện triệu chứng. Các dấu hiệu thường xuất hiện ở mắt cá chân, bắp chân hoặc đùi, bao gồm: Sưng phù ở chân hoặc dọc theo các mạch máu, đau nhức chân khi đứng hoặc đi bộ…
1. Các dấu hiệu triệu chứng của bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu
Thông thường, mỗi người sẽ có các triệu chứng bệnh khác nhau. Dưới đây là một số diếu hiệu thường gặp:
- Dấu hiệu cổ điển của huyết khối tĩnh mạch sâu là không thể đặt gót chân xuống đất vì cảm giác đau nhói.
- Sưng ở vùng mắt cá chân nhiều hơn bình thường. Điều này đặc biệt đáng lo ngại nếu buổi tối khi ngủ đã đặt chân lên cao nhưng buổi sáng thức dậy chân vẫn bị sưng.
- Có dấu hiệu đỏ cục bộ ở chân, đặc biệt ở ngay hoặc xung quanh các cơ bắp chân. Đôi khi có sự thay đổi màu da thành xanh hay đỏ nhạt.
- Có cảm giác ấm nóng hoặc tăng nhiệt ở vùng chân hoặc cơ bắp chân.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu đôi khi không điển hình; thường phải kết hợp triệu chứng lâm sàng, các yếu tố nguy cơ và phân tầng nguy cơ.
2. Chẩn đoán và thăm khám
– Chẩn đoán:
Khả năng chẩn đoán trên lâm sàng chắc chắn hơn nếu triệu chứng xuất hiện ở 1 bên chân. Thường khó ở giai đoạn đầu do triệu chứng kín đáo; cần lưu ý tìm; phát hiện triệu chứng ở các đối tượng có yếu tố nguy cơ. Nên nghi ngờ huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới giai đoạn cấp khi có sưng, đau hoặc thay đổi màu sắc của chi bị bệnh. Không có mối liên hệ giữa vị trí có biểu hiện triệu chứng và vị trí của huyết khối. Đau cẳng chân có thể gặp ở huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới đoạn gần hoặc đoạn xa. huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới đoạn xa thường không có triệu chứng và cần nghĩ đến khi bệnh nhân có khó thở và hoặc đau ngực.
Ngoài ra có thể chẩn đoán bệnh bằng các dấu hiệu lâm sàng cũng như bằng cách siêu âm tĩnh mạch chân. Lưu lượng máu vào và ra quanh vùng nghi ngờ có máu đông sẽ được đo và so sánh với mức bình thường và làm xét nghiệm D-dimer.
– Khám thực thể:
Khám thực thể cần phải so sánh 2 chân. Những vị trí thường gặp huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là tĩnh mạch đùi nông, khoeo, chày sau và mác. Các bất thường xảy ra ở một bên chân trong trường hợp điển hình là:
- Đau khi sờ vào bắp chân, có thể tìm thấy thừng tĩnh mạch (tư thế gập chân một nửa).
- Dấu hiệu Homans: đau khi gấp mặt mu của bàn chân vào cẳng chân (khớp gối duỗi).
- Tăng cảm giác nóng tại chỗ.
- Tăng thể tích bắp chân (đo chu vi bắp chân và đùi mỗi ngày)> 3cm.
- Phù mắt cá chân.
- Giảm sự đu đưa thụ động cẳng chân.
- Giãn tĩnh mạch nông.
3. Tại sao nó hay xảy ra ở chân?
Bởi vì chúng ở quá xa tim. Các cơ bắp và tĩnh mạch của chân cần phải làm việc một cách hiệu quả và thường xuyên để giúp máu trở lại với phần thân trên và về tim, nơi nó sẽ được nạp oxy để tiếp tục vòng tuần hoàn.
Đôi khi cục máu đông xuất phát ở khu vực dưới chân, rồi lan dài lên các tĩnh mạch lớn ở vùng háng và xương chậu, và thường thì nó vẫn chưa được phát hiện cho đến lúc đó.
4. Điều trị chứng huyết khối tĩnh mạch sâu
Phụ nữ mang thai từng có tiền sử bệnh máu đông cần thông báo cho bác sĩ sản khoa về tình trạng của mình ngay khi phát hiện mang thai để tiến hành kiểm tra sớm huyết khối tĩnh mạch. Cần phải điều trị ngay sau khi chẩn đoán được bệnh.
- Thuốc chống đông máu sẽ được chỉ định cho các bà bầu để giúp xứ lý các cục máu đông. Các loại thuốc chống đông máu phổ biến là Warfarin và Heparin, thường được tiêm hai lần một ngày.
- Xét nghiệm máu cần được thực hiện thường xuyên để theo dõi mức độ chống đông máu, đảm bảo chúng không trở nên quá cao. Nếu chúng không nằm trong giới hạn của những thông số an toàn thì sẽ có nguy cơ chảy máu không kiểm soát được.
- Sử dụng loại vớ/tất đặc biệt giúp kiểm soát khu vực sưng và hỗ trợ để các tĩnh mạch chân hoạt động bình thường. Loại vớ này rất chặt nên rất khó mang vào và cởi ra.
- Thường thì chân cần phải được nâng lên cao, để hỗ trợ dòng máu khi di chuyển ngược lên qua háng và trở về tim.
- Thông thường, nên lưu lại bệnh viện để được bác sĩ theo dõi.
- Những vùng bị bệnh ở chân sẽ được đánh dấu bằng bút để tiện việc theo dõi mỗi ngày hai lần. Nếu như thấy kích thước vùng bệnh bị tăng lên, điều đó có nghĩa là phương pháp điều trị cần được xem xét lại cho phù hợp hơn.
Để cập nhật kiến thức về thai sản, phụ khoa, chăm sóc trẻ sơ sinh, các bệnh lý bẩm sinh..vui lòng truy cập website: DK.SAN43NGUYENKHANG.VN