Tuyến cận giáp là gì? tác động của tuyến cận giáp đối với cơ thể
03:28 - 29/06/2020 Lượt xem: 2000
Nhiều người biết tuyến giáp có vai trò quan trọng đối với cơ thể. Tuy nhiên, rất ít người biết tuyến cận giáp ở đâu và vai trò của tuyến này đối với sức khỏe của mình. 1. Tuyến cận giáp là gì? Tuyến cận giáp là bốn tuyến nhỏ của hệ thống nội tiết […]
Nhiều người biết tuyến giáp có vai trò quan trọng đối với cơ thể. Tuy nhiên, rất ít người biết tuyến cận giáp ở đâu và vai trò của tuyến này đối với sức khỏe của mình.
1. Tuyến cận giáp là gì?
Tuyến cận giáp là bốn tuyến nhỏ của hệ thống nội tiết nằm ở cổ phía sau tuyến giáp (2 tuyến ở cực trên và 2 tuyến ở cực dưới); nơi chúng liên tục theo dõi và điều chỉnh nồng độ canxi trong máu.
Tuyến cận giáp thường có kích thước rất nhỏ (chỉ khoảng 6 x 3 x 2 mm) bằng một hạt gạo. Thỉnh thoảng chúng có thể to như hạt đậu và điều đó là bình thường. Tuyến cận giáp ở người trưởng thành gồm hai loại tế bào: tế bào chính và tế bào ưa oxy. Trong đó tế bào chính là thành phần cấu tạo chủ yếu của tuyến cận giáp; tế bào ưa oxy chỉ có ở người trưởng thành mà không có ở nhiều loài động vật.
2. Tác dụng của tuyến cận giáp đối với cơ thể.
2.1. Tác dụng trên xương
Hormon có tác dụng làm tăng mức giải phóng canxi từ xương vào máu bằng tác dụng lên sự biệt hóa và hoạt động cả các tế bào như: tế bào xương, tế bào tạo xương, tế bào hủy xương
Trên tế bào xương và tế bào tạo xương:
Ở mô xương, PTH gắn với receptor trên màng tế bào xương và tế bào tạo xương. Quá trình gắn này sẽ làm hoạt hóa bơm calci, làm tế bào xương và tế bào tạo xương sẽ bơm ion calci từ dịch xương vào dịch ngoại bào.
Trên tế bào hủy xương:
Do trên tế bào hủy xương không có receptor trực tiếp của PTH nên tác dụng trên tế bào này phải thông qua tế bào xương, tế bào hủy xương và tác dụng này thường xảy ra chậm hơn. Tác dụng thường trải qua 2 giai đoạn:
– Hoạt hóa ngay tức khắc các tế bào hủy xương sẵn có do đó làm tăng quá trình hủy xương để giải phóng ion calci vào dịch xương.
– Hình thành nên các tế bào hủy xương mới: tác dụng này sẽ xuất hiện sau vài ngày, lúc này các tế bào hủy xương mới tăng lên (có thể kéo dài hàng vài tháng dưới ảnh hưởng của PTH). Chính sự hủy xương mạnh làm xương bị rỗ và yếu hơn; sẽ kích thích các tế bào xương và tạo xương sửa chữa tổn thương. Do vậy ở thời gian lâu thì ở xương sẽ có sự gia tăng của cả ba loại tế bào nhưng dưới tác dụng của PTH thì bao giờ quá trình hủy xương cũng diễn ra mạnh hơn tạo xương.
2.2. Tác dụng trên thận:
- Làm giảm bài xuất ion calci ở thận
- Làm tăng tái hấp thu ion calci và magie ở ống thận đặc biệt ở ống lượn xa và ống góp.
- Làm giảm tái hấp thu ion phosphate ở ống lượn gần do đó làm tăng đào thải ion phosphate ra nước tiểu.
- Các tác dụng trên sẽ làm tăng nồng độ ion calci và làm giảm nồng độ ion phosphate trong máu.
2.3. Tác dụng trên ruột:
PTH hoạt hóa quá trình tạo 1,2 dihydroxycholecalciferol từ vitamin D3 (cholecalciferol) nên PTH có những tác dụng trên ruột như sau:
- Tăng tạo enzyme ATPase ở riềm bàn chải của tế bào biểu mô niêm mạc ruột.
- Tăng tạo chất vận tải ion calci ở tế bào niêm mạc ruột.
- Tăng hoạt tính enzyme phosphatase kiềm ở tế bào niêm mạc ruột.
Cả ba tác dụng trên đểu làm tăng hấp thu ion calci và phosphate ở ruột.
2.4. Điều hòa bài tiết:
Nồng độ PTH bình thường trong máu là vào khoảng dưới 50 pg/ml. Hormon được bài tiết nhiều hay ít tùy thuộc vào nồng độ ion calci và phosphate trong máu đặc biệt là ion calci. Chỉ cần giảm nhẹ nồng độ ion calci thì tuyến này sẽ tăng tiết hormone ngay; và tình trạng giảm calci kéo dài có thể làm tuyến sẽ nở to ra còn nồng độ ion calci trong máu tăng thì hoạt động và kích thước của tuyến sẽ giảm.
3. Các bệnh và rối loạn tuyến cận giáp
Khi tuyến cận giáp giải phóng quá nhiều hoặc quá ít hormone PTH. Nó sẽ ảnh hưởng xấu đến cơ thể theo nhiều cách khác nhau. Đây là một số bệnh và rối loạn phổ biến liên quan đến tuyến cận giáp:
Loãng xương: Khi một trong những tuyến cận giáp hoạt động quá mức, nó sẽ tiết ra nhiều hormone PTH. Điều này sẽ khiến cho xương giải phóng canxi liên tục vào máu. Khi không có đủ lượng canxi trong xương, thì xương sẽ mất mật độ xương và độ cứng của xương.
Bệnh cường tuyến cận giáp: Đây là bệnh phổ biến nhất của tuyến cận giáp được đặc trưng bởi hormone PTH dư thừa bất kể với nồng độ canxi nào.
Suy tuyến cận giáp: Suy tuyến cận giáp là sự kết hợp của các triệu chứng do sản xuất hormone PTH không đủ. Điều này dẫn đến giảm nồng độ canxi trong máu (hạ canxi máu) và tăng lượng phốt pho trong máu (tăng phốt pho máu). Đây là một tình trạng hiếm gặp và thường xảy ra do tổn thương; hoặc loại bỏ tuyến cận giáp trong quá trình phẫu thuật.