Uống thuốc cường giáp có mang thai được không?
16:06 - 11/10/2022 Lượt xem: 364 Tác giả: Thu Hoàng
Cường giáp là rối loạn nội tiết phổ biến đứng thứ hai sau bệnh đái tháo đường với tỷ lệ gặp ở phụ nữ mang thai là 1/1.500. Cường giáp ảnh hưởng đến thai kỳ ra sao và uống thuốc cường giáp có mang thai được không? chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây nhé!
1. Triệu chứng bệnh lý cường giáp
Những triệu chứng điển hình của bệnh cường giáp bao gồm:
- Căng thẳng, hồi hộp, tim đập nhanh, đánh trống ngực, có thể cảm thấy đau ngực, khó thở.
- Sụt cân nhanh dù chế độ ăn uống vẫn như bình thường thậm chí là nhiều hơn.
- Đổ mồ hôi nhiều, sợ nóng do mức chuyển hóa cơ bản cao.
- Rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu.
- Rối loạn thị giác: mắt mờ, nhạy cảm với ánh sáng.
- Luôn thấy mệt mỏi, không muốn vận động nhiều.
- Bướu cổ: vùng cổ nơi có tuyến giáp phình to.
2. Cường giáp ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?
Khoảng 1% số em bé sinh ra từ những phụ nữ mắc bệnh Basedow sẽ bị cường giáp sau khi sinh. Nguyên nhân là do kháng thể kích thích tuyến giáp có thể được truyền qua nhau thai và ảnh hưởng đến bé.
Bệnh Basedow có thể mới xảy ra trong 3 tháng đầu của thai kỳ hoặc ở phụ nữ đã bị Basedow trước đó. Ngoài các triệu chứng kinh điển, người mẹ còn có thể bị đẻ non hoặc tiền sản giật. Ngoài ra, mẹ sẽ có nguy cơ cao bị suy tim, nhiễm độc giáp cấp. Bệnh Basedow có thể được cải thiện vào 3 tháng cuối thai kỳ hoặc cũng có thể nặng hơn ở thời kỳ hậu sản.
Cường giáp không được kiểm soát tốt: Dẫn tới đứa trẻ bị tim bẩm sinh, thai chậm phát triển, trẻ bị đẻ non, thai chết lưu và có thể bị dị tật bẩm sinh. Đó là lý do tại sao điều trị cường giáp cho phụ nữ có thai là hết sức quan trọng.
TSI (hormone kích thích tuyến giáp) tăng quá cao: Basedow được biết đến như một bệnh tự miễn dịch, cơ thể tự sinh ra kháng thể kích thích tuyến giáp (TSI). Kháng thể này qua nhau thai và có thể tác động đến tuyến giáp của thai nhi gây cường giáp ở trẻ sơ sinh.
3. Uống thuốc cường giáp có mang thai được không?
Khi mẹ bị bệnh cường giáp đã ngưng dùng thuốc và bệnh không còn tái phát, đó là thời điểm lý tưởng để có thai. Nhưng bệnh cường giáp có đặc điểm là có thể tái phát vào bất cứ lúc nào: khi chuẩn bị có thai, trong thời gian mang thai hoặc sau khi sinh con. Vì thế nhiều mẹ phải dùng thuốc cường giáp trong thai kỳ là không thể tránh khỏi.
Hiện nay có những loại thuốc kháng giáp có thể dùng được trong thời gian mang thai và cho con bú, nhưng phải có sự kê đơn, tư vấn, theo dõi thường xuyên từ bác sĩ. Việc sử dụng thuốc cường giáp trong thai kỳ sẽ được các bác sĩ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi sử dụng, liều điều trị trong giới hạn không gây nguy hiểm cho thai nhi, liều điều trị phù hợp với sức khỏe, giai đoạn mang thai và kích thước tuyến giáp của bạn.
Một việc làm thường xảy ra khi người mẹ đang uống thuốc cường giáp mà mang thai là ngưng tất cả các loại thuốc lại mà không đi tái khám. Điều này cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ cũng như thai nhi. Bệnh cường giáp nếu được theo dõi thường xuyên và điều trị một cách hợp lý thì sức khỏe của mẹ và thai nhi sẽ đều ổn định.
4. Lưu ý khi bạn đang dùng thuốc cường giáp mà lỡ có thai
Nhỡ có thai trong khi đang uống thuốc cường giáp, bạn hãy đến chuyên khoa Nội tiết, chuyên khoa Sản của những cơ sở y tế có uy tín để được tư vấn, thăm khám càng sớm càng tốt. Không nên quá lo lắng, hoang mang khi phải dùng thuốc cường giáp bạn nhé mà ảnh hưởng tới sức khỏe. Quan trọng nhất, bạn nên tin tưởng, tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ và đặc biệt phải tái khám sau sinh vì bệnh rất hay tái phát và nặng lên ở giai đoạn này.
Bạn hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé. Để đặt lịch khám tại phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang, tham gia các lớp học tiền sản tại phòng khám bạn có thể đặt lịch TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342 318 318 để được hướng dẫn.